03:10 01/03/2020

‘Nóng’ quyết định cho học sinh nghỉ học từng tuần và người dân ồ ạt đi thi lái xe

Tuần qua, những thông tin: Học sinh tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 8/3; người dân ồ ạt đi học thi giấy phép lái xe và doanh nghiệp thành lập mới đăng ký số vốn 'khủng' 144.000 tỷ đồng... đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận.

Học sinh tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 8/3

Việc các địa phương quyết định cho học sinh các cấp nghị học tiếp 1 tuần nữa mặc dù khiến dư luận không khỏi băn khoăn về diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhưng là động thái cần thiết để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và theo dõi chặt chẽ công tác phòng chống dịch. 

Chú thích ảnh
Trường THPT Thạch Bàn (Gia Lâm, Hà Nội) huy động giáo viên và phụ huynh làm vệ sinh lớp học. Ảnh: Lê Phú.

Tại phiên thứ 13 của cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, sau ngày 8/3, Thành phố sẽ căn cứ vào tình hình dịch thực tế mới quyết định cho học sinh đi học trở lại. Hơn 2 triệu học sinh từ cấp mầm non cho đến hết lớp 12 sẽ phải lùi thời gian học cho đến hết ngày 8/3. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Trung ương cũng đã nâng mức cảnh báo về dịch COVID-19. Hiện tại ở Thủ đô, số lượng người Hàn Quốc sinh sống là 2.700 người, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là không nhỏ nếu người dân chủ quan.

TP Hồ Chí Minh đến đầu giờ chiều 29/2 công bố lịch nghỉ học của 1,7 triệu học sinh. So với các địa phương, học sinh TP Hồ Chí MInh nghỉ dài nhất, liên tục từ ngày 18/1 đến hết ngày 15/3, các em lớp 12 đến ngày 8/3. Thành phố từng kiến nghị cho học sinh cả nước nghỉ hết tháng 3, sau đó lại đề xuất nghỉ theo từng khối lớp.

Bốn tỉnh Phú Thọ, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thanh Hóa chưa chốt thời gian học sinh từ mầm non đến THCS trở lại trường, các tỉnh còn lại đều đưa ra mốc cụ thể. Từng là "tâm dịch" của Việt Nam với 11 ca nhiễm vius SARS-Cov-2 , Vĩnh Phúc cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS nghỉ một tuần, học sinh THPT nghỉ hết 1/3...

Trước đó, chiều 27/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký văn bản gửi các tỉnh thành đề nghị cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS cả nước nghỉ thêm 1 - 2 tuần để phòng chống dịch COVID-19, học sinh cấp THPT và học viên giáo dục thường xuyên đi học từ ngày 2/3. Kiến nghị này giống với đề xuất của Văn phòng Chính phủ ngày 24/2.

Như vậy, dự kiến, thời gian kết thúc năm học 2019 - 2020 là trước ngày 30/6; tuyển sinh lớp 10 hoàn thành trước ngày 15/8; thi THPT quốc gia từ ngày 23 - 26/7, chậm hơn một tháng so với mọi năm...

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp ở một số nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương xem xét, quyết định cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh THCS tiếp tục nghỉ học từ 1 - 2 tuần và chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm quy trình phòng chống dịch COVID-19, đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong một diễn biến khác, ngày 27/2, trong khuôn khổ kênh trao đổi thường xuyên với các cơ quan y tế của Mỹ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC). Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, CDC đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng. Đại diện CDC cho biết, hiện cơ quan này đang lên kế hoạch thăm Việt Nam vào nửa cuối tháng 3/2020, nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác y tế giữa hai nước và thúc đẩy việc thành lập Văn phòng khu vực của CDC tại Việt Nam. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cũng sẵn sàng xem xét hỗ trợ thêm Việt Nam các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh.

Ồ ạt đi học bằng lái xe vì… sợ học phí tăng

Theo Thông tư 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, kể từ ngày 1/1/2020, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô tô sẽ có nhiều sự thay đổi so với hiện tại. Ngoài việc tăng mức học phí đào tạo, học viên sẽ phải trải qua những bài kiểm tra về lý thuyết và thực hành phức tạp hơn, đòi hỏi sự nghiêm túc cả từ phía người học và người dạy lái xe.

Chú thích ảnh
Khá đông người dân đi mua hồ sơ học lái xe ô tô trong những ngày gần đây. Ảnh: baokontum.com.vn

Đặc biệt, trong một khoá học, mỗi học viên sẽ được đào tạo tất cả các phần sau: Phần lý thuyết, phần học đạo đức người lái xe, phần học cấu tạo sửa chữa xe cơ bản, phần học thực hành trên sa hình, phần học lái xe trên đường trường. Tất cả tổng cộng phải đạt trên 100 giờ học. Chính vì số lượng kiến thức được đào tạo của mỗi học viên được gia tăng nên học phí đào tạo lái xe cũng sẽ tăng theo. Ước tính, đối với học phí đào tạo lái xe ô tô hạng B2 sẽ có mức tối thiểu từ 15 - 20 triệu đồng, tức tăng khoảng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm hiện tại.

Trước thông tin này, người dân ở nhiều địa phương đổ xô đi học để có được tấm bằng lái xe trước khi Thông tư 38 có hiệu lực.

Trước sự việc người dân ồ ạt đi học bằng lái xe do lo sợ học phí tăng, Sở Giao thông vận tải các địa phương đã có công văn gửi các cơ sở đào tạo lái xe về việc triển khai các quy định trong công tác đào tạo lái xe; đề nghị các đơn vị đào tạo lái xe tuyên truyền để người dân hiểu nội dung đổi mới và lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo lái xe ô tô trong thời gian tới; tuyệt đối không được lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia các lớp học lái xe khi nhu cầu của người dân chưa thực sự cần thiết; thực hiện nghiêm Điều 2 quy định về xây dựng mức thu học phí và Điều 5 quy định về chi phí trong công tác đào tạo lái xe tại Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/5/2011 do liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải ban hành hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động đào tạo lái xe cơ giới đường bộ; đồng thời quán triệt các học viên tại cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định trong quá trình học và tham gia sát hạch lái xe.

Hà Nội làm rõ thông tin doanh nghiệp vốn 'khủng'

Ngày 28/2, trước sự quan tâm đặc biệt của dư luận về việc một doanh nghiệp thành lập mới đăng ký với số vốn "khủng", ông Trần Hà Thanh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) cho biết, Phòng Đăng ký kinh doanh đã giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh cho Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC có địa chỉ tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội với số vốn đăng ký lên đến 144.000 tỷ đồng, theo đúng quy định pháp luật.

Chú thích ảnh
Người dân đến làm thủ tục tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội). Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN.

Cụ thể, ngày 13/1/2020, Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp gửi qua mạng điện tử trên Hệ thống Đăng ký kinh doanh quốc gia. Tài liệu của hồ sơ Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp ngày 06/01/2020 do người đại diện theo pháp luật Trần Gia Phong ký và ghi rõ họ tên theo quy định; điều lệ công ty; danh sách cổ đông sáng lập ngày 06/01/2020, có đầy đủ chữ ký của người đại diện theo pháp luật và các cổ đông sáng lập; bản sao hợp lệ các giấy tờ chứng thực cá nhân của các cổ đông sáng lập Trần Gia Phong, Kim Thị Phương, Nguyễn Hoàn Sơn; văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cá nhân là Trần Thị Hồng thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, kèm theo bản sao chứng thực chứng minh nhân dân của Trần Thị Hồng.

Theo đó, hồ sơ Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC nộp ngày 13/1/2020 là hợp lệ, nên Phòng Đăng ký kinh doanh đã cấp Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp ngày 17/1/2020 với tên doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC có địa chỉ trụ sở ở số 10, ngõ 234 đường thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Doanh nghiệp có vốn điều lệ là 144.000 tỷ đồng, thời hạn hoàn thành góp đủ vốn điều lệ là 6/4/2020. Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Gia Phong.

Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết hồ sơ, cán bộ thụ lý hồ sơ là ông Lê Đình Thuyên nhận thấy, vốn điều lệ có dấu hiệu bất thường của doanh nghiệp này nên đã chủ động gọi điện trực tiếp cho ông Trần Gia Phong là người đại diện theo pháp luật để xác định việc kê khai vốn điều lệ vào ngày 16/01/2020. Tại thời điểm đó, ông Trần Gia Phong khẳng định mình kê khai đúng và cam kết góp đủ.

Trong diễn biến liên quan, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, ngày 25/2/2020, Phòng Đăng ký kinh doanh cũng đã gửi văn bản số 67/CV-ĐKKD đến Công an TP Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức, UBND huyện Đan Phượng để phối hợp quản lý doanh nghiệp.

Ông Trần Hà Thanh cũng cho rằng: Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập. Đối với những trường hợp nhận thấy cần phải đưa vào diện giám sát, kiểm tra thì đều có các văn bản phối hợp. Đây cũng chỉ là công tác thường xuyên và định kì của các cơ quan đăng ký kinh doanh với các cơ quan quản lý nhà nước khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Phòng Đăng ký kinh doanh chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào của các cơ quan quản lý nhà nước về nội dung trên.

Vân Sơn/Báo Tin tức