06:07 17/06/2024

Nông nghiệp xanh: Áp lực tạo ra cơ hội

Tăng trưởng xanh đã dần trở thành xu hướng chủ đạo, là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Cùng với xu thế đó, Việt Nam đang thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp; trong đó có việc cắt giảm phát thải góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chú thích ảnh
Mô hình “Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long” với việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch và thu gom rơm rạ (diện tích khoảng 10ha) tại hai xã Vị Trung và Vị Bình (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đã cho lợi nhuận cao gần gấp đôi so với sản xuất theo truyền thống. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định: Vai trò của nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; trong đó phát triển nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Đây là vấn đề cấp thiết để đảm bảo nông nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức của chuyển đổi xanh toàn cầu, giữ vững được vị thế trong bản đồ an ninh lương thực thế giới, đáp ứng được yêu cầu của đối tác nhập khẩu.

Mấu chốt là chuyển đổi tư duy

Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh.

Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp..., đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhìn nhận: “Nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược, chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế là bà con đã thích ứng được”.

Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nông dân sản xuất lúa – rươi - cáy, ba tầng giá trị. Nông dân thu nhập bán rươi nhiều hơn bán lúa, nhưng không có lúa thì sẽ không có hai sản phẩm kia. Hay mô hình lúa – tôm, lúa – cá ở Bạc Liêu, Cà Mau…, nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Tây Nguyên cũng vậy. Từ nông trại cà phê, cây ăn quả, thay vì đốt phụ phẩm dẫn đến phát tán hiệu ứng khí nhà kính, người nông dân đem tái chế, băm nhỏ tạo thành phân sinh học bón cho cây trồng.

Chuyển đổi sang sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đang có hiệu ứng mạnh mẽ ở nhiều địa phương, chi phí thấp hơn mà hiệu quả sản xuất vẫn đảm bảo. Liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm hơn 10 năm đã giúp ông Trương Thanh Hà, xã Vĩnh Phú huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang nhàn hạ, yên tâm hơn rất nhiều. Nhưng hơn 3 năm gần đây, ông Hà cùng doanh nghiệp chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thì việc liên kết của ông còn an nhàn hơn nữa.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu đang đồng hành cùng người nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, với cam kết “Cùng nông dân phát triển bền vững”, Lộc Trời liên kết với các hợp tác xã và hơn 300.000 nông hộ. Tập đoàn xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy trình canh tác nhằm tối ưu hoá, cơ giới hóa từ sản xuất, thu hoạch và vận chuyển… giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận ổn định cho nông dân.

 Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng, những mô hình trên còn giúp nông dân giảm chi phí. Ngành nông nghiệp cũng cần lan tỏa những mô hình như vậy và đó là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên.

Hiện nay, người tiêu dùng không đơn giản chỉ mua một sản phẩm mà họ mua cả quy trình tạo ra sản phẩm đó với tổng hợp nhiều chuẩn mực như: Các yếu tố môi trường (có phát thải cao không, có sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường không, có gây bất lợi cho môi trường không), các yếu tố lao động… Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh gía, mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn.

Đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và cũng là nhân tố giúp nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, tuy nhiên, trên thực tế số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn. Đến cuối năm 2023, cả nước có trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, so với tổng số trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. 

Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đặt vấn đề, “phải chăng do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”.

Một trong những đầu vào trong sản xuất nông nghiệp xanh là thuốc bảo vệ thực vật sinh học, trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội Sản xuất Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, Nhà nước chưa có chính sách phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thủ tục còn cồng kềnh, rườm rà, còn thiếu quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật riêng cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học chuyên tính cao.

Tầm nhìn xa và hành động cụ thể

Chú thích ảnh
Qua 3 vụ triển khai, các mô hình ForwardFarming (Canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai) cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc kết hợp phương thức gieo sạ giảm lượng giống, bón phân tối ưu kết hợp tưới tiêu hợp lý giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò rất quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, nhưng nông nghiệp lại là ngành tạo ra phát thải CO2 rất lớn. Trên diễn đàn Quốc hội diễn ra mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhận định, nếu không có kế hoạch và các hành động cụ thể đối với việc sản xuất nông sản Việt Nam, xuất khẩu gắn với giảm phát thải khí nhà kính thì nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sẽ bị tính thêm thuế carbon của các nước, làm gia tăng giá xuất khẩu và mất lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu sâu sắc tác động quy định của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, các chính sách hấp dẫn để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường carbon vừa để phát triển bền vững, vừa làm gia tăng giá trị ngành nông nghiệp trên cơ sở tham khảo bài học của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ…

Nông nghiệp là ngành vừa phát thải, vừa hấp thu, hấp thu thì có rừng, phát thải có trồng trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Ngành nông nghiệp đang xây dựng lại cấu trúc phát thải của tất cả các ngành liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi. Đáng chú ý, lần đầu tiên, lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải, thu được hàng chục triệu USD nhờ bán tín chỉ carbon.

Việc triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu từ đó đáp ứng yêu cầu của các đối tác nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết để thực hiện Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tín chỉ xanh, bên cạnh chính sách hỗ trợ hợp tác xã, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những gói tín dụng riêng cho các doanh nghiệp và các hợp tác xã tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với tiêu chí, thành viên HTX càng đông thì lãi suất có thể càng thấp. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ logistic, kho lưu trữ, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.

Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, nhu cầu vốn lớn, cần có những doanh nghiệp đi đầu dẫn dắt đầu tư vào nông nghiệp.

Để thu hút và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp, cần có sự điều chỉnh trong chính sách về đất đai, tiếp cận và sử dụng đai cho doanh nghiệp. Luật Đất đai sửa đổi cũng đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, quy định về tích tụ đất nông nghiệp. Những điều này sẽ giúp dồn điền đổi thửa, tăng cánh đồng mẫu lớn để có thể sản xuất lớn.

 “Liên kết giữa các nhà, nhà nông, nhà doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học cần luôn luôn được thúc đẩy. Khi liên kết giữa các nhà tăng lên, rủi ro mới giảm xuống và kinh doanh mới có lãi, tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tiến Huy chia sẻ.

Nông nghiệp là ngành phát thải carbon lớn, để có thể tiếp cận được nguồn tài chính xanh, đáp ứng được hệ tiêu chí xanh đòi hỏi doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ về gene, công nghệ tưới tiêu, trồng trọt thích ứng với môi trường… Những yếu tố khoa học công nghệ sẽ giúp nông nghiệp giảm phát thải, hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

Về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, ông Nguyễn Văn Sơn đưa ra một số khuyến nghị, cần học tập các nghiên cứu công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học từ các nước có nền sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn, tiên tiến và hiện đại cùng với đó là nghiên cứu học hỏi các chính sách về quản lý, đăng ký, kinh doanh đối với thuốc bảo vệ thực vật sinh học của các nước trên thế giới.

Để tiến đến mục tiêu nâng tỉ lệ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 30%, phân bón hữu cơ lên 30% vào năm 2030, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ phải rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách, các hệ thống văn bản pháp luật để khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm sinh học, hữu cơ.

Cục cũng xây dựng quy trình phòng trừ thuốc sinh học, sử dụng phân hóa hữu cơ để nhân rộng ra nông dân. Nông dân được nâng cao nhận thức, áp dụng một cách đồng bộ và từng bước mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Nguyễn Huyền (TTXVN)