07:15 30/07/2015

Nông nghiệp Pháp trước hai ngã rẽ

Chặn các tuyến đường cao tốc, chặn cửa ngõ thành phố, lùa lợn vào siêu thị, chất đống phân bón, đốt rơm và lốp xe tại nhiều thành phố và thị trấn… Đó là những gì mà nông dân Pháp đang làm để phản đối tình trạng giá nông sản rớt thê thảm, khiến họ có nguy cơ phá sản.

Chặn các tuyến đường cao tốc, chặn cửa ngõ thành phố, lùa lợn vào siêu thị, chất đống phân bón, đốt rơm và lốp xe tại nhiều thành phố và thị trấn… Đó là những gì mà nông dân Pháp đang làm để phản đối tình trạng giá nông sản rớt thê thảm, khiến họ có nguy cơ phá sản. Cuộc biểu tình phơi trần những bất cập trong nền nông nghiệp Pháp và khiến nước này phải lựa chọn giữa hai ngã rẽ nếu muốn thoát khỏi tình trạng hiện nay.

Việc nông dân Pháp bất bình với giá thu mua các sản phẩm thịt lợn, thịt bò và sữa vốn âm ỉ từ lâu đã bùng phát thành cuộc biểu tình bắt đầu từ ngày 21/7 tại vùng Normandie, phía bắc nước Pháp, sau đó lan sang nhiều địa phương trên cả nước. Nông dân cho rằng mức giá hiện nay khiến họ không có lợi nhuận, thậm chí không đủ để trả công cho người lao động. Họ đòi Chính phủ phải có các biện pháp hỗ trợ và yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, các tập đoàn phân phối bán lẻ tăng giá mua đầu vào. Tình trạng khó khăn kéo dài khiến 10% trang trại Pháp có nguy cơ phá sản.

Nông dân đốt lốp xe trước một nhà máy sữa ở Laval, tây bắc Pháp trong cuộc biểu tình ngày 27/7.Ảnh: AFP/TTXVN


Trước tình hình đó, Chính phủ Pháp đã phải đứng ra làm trung gian hòa giải trong cuộc thương lượng giữa một bên là các nghiệp đoàn đại diện cho nông dân ngành chăn nuôi bò và lợn, một bên là các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh sản phẩm. Theo một thỏa thuận đạt được ngày 17/6, các doanh nghiệp chế biến nông sản và các nhà phân phối sẽ tăng 5 cent mỗi tuần với mỗi cân thịt lợn hoặc bò mua vào để đảm bảo rằng nông dân có thể trang trải chi phí sản xuất. Như vậy, sau một tháng, giá mua vào phải tăng tổng cộng là 20 cent. Tuy nhiên, thực tế là sau một tháng, giá các loại thịt chỉ tăng 10 cent.

Đây chính là lý do trực tiếp dẫn đến các cuộc biểu tình. Hiệp hội công đoàn nông dân Pháp (FNSEA) cho rằng các cơ sở giết mổ, các doanh nghiệp chế biến cũng như các nhà phân phối đã không tích cực triển khai thỏa thuận hoặc cố tình hiểu sai nội dung cam kết. Trong khi đó, nghiệp đoàn các nhà công nghiệp chế biến thịt (SNIV) cho rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thịt cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì người dân có xu hướng ăn ít thịt hơn và do sự cạnh tranh trong khu vực khi một số nước châu Âu sử dụng lao động đến từ các nước Đông Âu nên có giá thành sản phẩm thấp hơn.

Mới đây nhất, Chính phủ Pháp đã nhanh chóng công bố kế hoạch dành 600 triệu euro để hỗ trợ những người chăn nuôi đang gặp khó khăn. Kế hoạch này do chính Thủ tướng Manuel Valls và Bộ trưởng Nông nghiệp Stéphane Le Foll công bố tại cuộc họp báo ngày 22/7. Số tiền trên sẽ được dùng để miễn hoặc giảm thuế, giảm các khoản đóng góp xã hội đồng thời giúp nông dân tái cơ cấu các khoản nợ ngân hàng. Mặc dù vậy, nông dân Pháp cho rằng các biện pháp này là “chưa đủ” và không thể giải quyết được tận gốc mọi vấn đề. Họ tuyên bố rằng sẽ tiếp tục gây áp lực cho đến cuối tháng 8 để có được sự bảo đảm về giá.

Các cuộc biểu tình hiện nay có thể trở thành phong trào chống đối có tên là "mũ len đỏ" bùng phát năm 2013 của nông dân khi hàng chục nghìn nông dân và chủ doanh nghiệp vùng Bretagne xuống đường biểu tình phản đối thuế sinh thái đánh vào xe vận tải nông phẩm, có nguy cơ làm tăng giá hàng hóa, khiến nông dân ngành chăn nuôi bị đe dọa phá sản.

Thực ra, nguyên nhân của biểu tình xuất phát từ việc thực hiện không hiệu quả Chính sách Nông nghiệp chung châu Âu (CAP) được triển khai trong 10 năm qua. Trên thực tế, CAP không phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), không công bằng cho nông nghiệp ở các nước nghèo, các khoản hỗ trợ cho nông dân các nước châu Âu được cho là quá đắt khi nó "nuốt chửng" gần một nửa ngân sách của Liên minh châu Âu (EU). Vì thế EU đã quyết định bãi bỏ hạn ngạch cùng các quy định về đảm bảo giá cả và thay thế chúng bằng hỗ trợ thu nhập. Song chính việc thay đổi các quy định đó đã khiến nông dân Pháp cũng như một số nước Tây Âu bỗng chốc phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, trở nên dễ bị tổn thương trước các va đập của thị trường.

Ngoài ra, Pháp có chi phí nhân công cao hơn so với các nước láng giềng bởi vì các trang trại chăn nuôi của Pháp thường có quy mô nhỏ hơn các nước như Đan Mạch, Hà Lan và Đức. Một lý do nữa là ngành nông nghiệp Pháp đang phải chịu hậu quả do lệnh cấm vận của Nga áp dụng từ một năm qua liên quan tới thực phẩm có nguồn gốc từ EU, Australia, Canada và Na Uy nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế của EU. Do không thể xuất khẩu các sản phẩm sang Nga, các nhà xuất khẩu nông nghiệp lớn như Đức, Hà Lan hay Phần Lan buộc phải tiêu thụ các sản phẩm tại thị trường EU, khiến giá nhiều mặt hàng nông phẩm giảm.

Trước thực trạng đó, các chuyên gia cho rằng Pháp cần phải chấm dứt thái độ do dự trong chính sách nông nghiệp, hoặc phải tập trung vào một nền nông nghiệp được công nghiệp hóa để cho ra sản phẩm giá rẻ, hoặc phải chú trọng đến giá trị của các đặc sản nước Pháp. Có như vậy, căn nguyên của cuộc biểu tình hiện nay mới được giải quyết.

Phương Nam