Ngày 24/8, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết nồng độ tritium trong nước thải được xả ra Thái Bình Dương từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép.
Tuyên bố của IAEA nêu rõ trong tuần này, các chuyên gia của cơ quan này đã lấy mẫu từ lô nước thải đã pha loãng chuẩn bị được xả ra biển trong đợt đầu tiên. Qua phân tích độc lập tại chỗ, IAEA xác nhận nồng độ tritium trong lượng nước thải này thấp hơn nhiều so với mức giới hạn cho phép là 1.500 becquerel (bq)/l.
Giới hạn trên cũng thấp hơn 40 lần so với tiêu chuẩn an toàn quốc gia Nhật Bản về hàm lượng tritium trong nước, tương đương với tiêu chuẩn quốc tế là 60.000 becquerel/l (bq/l). Giới hạn này cũng thấp hơn khoảng 7 lần so với ngưỡng do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra đối với nước uống là 10.000 bq/l.
Kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, công ty điện lực Tokyo (TEPCO), cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hỏng, đã bơm nước vào để làm mát các thanh nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân. Nước sau đó được xử lý và tích trữ trong bể chứa. Hơn 1.000 bể chứa đã được lấp đầy và Nhật Bản cho biết đây không phải là giải pháp lâu dài bền vững. Nhật Bản muốn dần dần xả lượng nước đã qua xử lý này ra Thái Bình Dương trong vòng 30 năm tới, đồng thời khẳng định nước được xả ra là an toàn.
TEPCO đã lọc nước ở nhà máy điện hạt nhận Fukushima thông qua Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS), giúp giảm hầu hết các chất phóng xạ đạt đến tiêu chuẩn an toàn có thể chấp nhận được, ngoại trừ tritium và carbon-14. Tritium và carbon-14 lần lượt là các dạng phóng xạ của hydro, carbon và rất khó tách khỏi nước. Do đó, nước được lọc sẽ trải qua một quá trình xử lý khác, sau đó được pha loãng với nước biển để giảm nồng độ của các chất còn lại trước khi thải ra đại dương. Chính phủ Nhật Bản cho biết mức tritium cuối cùng an toàn hơn nhiều so với mức mà các cơ quan quản lý yêu cầu đối với việc xả chất thải hạt nhân hoặc WHO khuyến cáo đối với nước uống.