03:19 12/03/2014

Nông dân Thái Lan cắt điện trụ sở Bộ Thương mại

Những người sản xuất lúa gạo tại Thái Lan tham gia cuộc biểu tình phản đối ở thủ đô Bangkok ngày 12/3 đã cắt điện trụ sở Bộ Thương mại của nước này, phá vỡ phiên đấu giá điện tử bán 240.000 tấn gạo.

Hãng thông tấn MCOT của Thái Lan cho biết những người sản xuất lúa gạo tham gia cuộc biểu tình phản đối tại thủ đô Bangkok ngày 12/3 đã cắt điện trụ sở Bộ Thương mại của nước này. Hậu quả là đã phá vỡ phiên đấu giá điện tử bán 240.000 tấn gạo.

MCOT cho biết đám đông biểu tình trước tòa nhà Bộ Thương mại đang chuẩn bị đổ khoảng 10 tấn gạo ra đất để bày tỏ phản đối. Theo nguồn tin, toàn bộ tiền bán gạo cần phải đem thanh toán cho những người nông dân mà chính phủ còn nợ là hơn 4,4 tỷ USD.

Hồi tháng 2 vừa qua, nội các Thái Lan đã thỏa thuận với nông dân về lịch trình trả nợ - động thái giúp tránh tái diễn các cuộc biểu tình ở Bangkok. Tuy nhiên, không phải tất cả nông dân đều đồng ý chờ đợi.

Người biểu tình thưa thớt hơn ở Bangkok vào đầu tháng 3/2014. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong diễn biến có liên quan, Ngân hàng trung ương Thái Lan ngày 12/3 đã giảm lãi suất thêm 0,25%, xuống còn 2% - mức thấp nhất kể từ tháng 1/2011. Đây là lần thứ hai kể từ tháng 11 vừa qua, Ngân hàng trung ương Thái Lan buộc phải cắt giảm lãi suất, nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài.

Trong một tuyên bố sau khi Ủy ban Chính sách Tiền tệ bỏ phiếu thông qua việc cắt giảm lãi suất, Ngân hàng trung ương Thái Lan nhấn mạnh ngày càng có nhiều tác động xấu đối với tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng chính trị kéo dài. Theo ngân hàng trên, sự phục hồi của đầu tư và tiêu dùng cá nhân sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Số liệu thống kê chính thức hồi tháng 2 cho thấy tăng trưởng kinh tế hàng năm của Thái Lan trong quý IV/2013 chỉ đạt 0,6%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 2,7% trong quý trước đó.

Cùng ngày, Tòa án Hiến pháp Thái Lan (TCC) ra phán quyết dự luật vay 2.200 tỷ baht (67,8 tỷ USD) phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng là vi hiến. Theo phán quyết của TCC, cả nội dung lẫn các thủ tục pháp lý của dự án vay mượn này đã vi phạm hiến pháp.

Dự luật trên từng được Thượng viện Thái Lan thông qua hồi tháng 11/2013. Tuy nhiên, tháng 1/2014, các nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập đã gửi kiến nghị lên TCC yêu cầu xem xét tính hợp hiến của dự luật này. Dự luật trên cho phép chính phủ vay tối đa 2.200 tỷ baht trong giai đoạn 7 năm từ các nguồn vốn trong và ngoài nước để cấp tài chính cho hơn 10 dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, trong đó bao gồm các dự án đường sắt cao tốc.


T.N