12:14 15/12/2010

Nông dân làm du lịch từ “đặc sản” quê

Hiện nay, tại nhiều vùng ngoại thành Hà Nội, những sản phẩm của bà con nông dân ngoài việc cung cấp cho thị trường còn trở thành những "đặc sản" du lịch mang đậm hơi thở nơi đồng quê. Rất nhiều du khách đã tìm đến các vùng quê ven đô này để được chiêm ngưỡng chúng.

Hiện nay, tại nhiều vùng ngoại thành Hà Nội, những sản phẩm của bà con nông dân ngoài việc cung cấp cho thị trường còn trở thành những "đặc sản" du lịch mang đậm hơi thở nơi đồng quê. Rất nhiều du khách đã tìm đến các vùng quê ven đô này để được chiêm ngưỡng chúng.

Cánh đồng hoa cải được cho thuê để... chụp ảnh

Vào những ngày này, các cánh đồng rau màu ở ngoại ô Hà Nội đang ở giai đoạn giữa vụ đông, nhiều loại cây trồng sớm đã trổ hoa, được người nông dân để già để lấy hạt giống cho vụ sau. Có một số loại rau như rau cải lại thường cho hoa nở màu vàng hoặc trắng khắp cả cánh đồng trông rất đẹp nên bà con nông dân đã có sáng kiến thu phí, cho khách vào tham quan, chụp ảnh. “Mỗi người đến tham quan, chụp ảnh bên vườn hoa cải nở vàng rực như thế này, chúng tôi chỉ thu phí với giá rất rẻ là 10.000 - 15.000 đồng/lượt. Những người trồng vườn cải vừa lo giữ vườn, vừa thu phí chụp ảnh rồi trở thành hướng dẫn viên luôn vì nhiều người cứ hỏi thêm cả cách trồng, chăm sóc sao cho cải nở hoa đẹp, cho hạt nhiều để làm giống...”, chị Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, chủ nhân của một vườn cải đang nở hoa vàng rực vừa nhanh tay tưới rau, vừa cho chúng tôi biết.

Một cán bộ của Hội Nông dân huyện Gia Lâm cho biết, trung bình mỗi sào trồng rau cải lấy hạt ở các xã như Yên Viên, Phù Đổng, thị trấn Trâu Quỳ, Văn Đức... trên địa bàn Gia Lâm cho mức thu xấp xỉ 5 triệu đồng/ sào/ lứa. Đây là mức thu nhập đáng kể đối với người trồng rau, còn việc thu phí cho khách đến tham quan chỉ là tận dụng thêm, giúp khách đến tham quan thoả lòng chiêm ngưỡng cái đẹp chứ số tiền thu được từ du khách chưa thể bù đắp cho công sức chăm sóc, bảo vệ vườn rau được.

Chị Nguyễn Thị Liên, một nông dân ở thị trấn Trâu Quỳ cho hay: “Nhiều hôm, sau khi khách rời vườn rồi, chúng tôi phải nâng và dựng lại những cây bị đổ dập, rồi tưới tắm... rất mệt. Nếu có được sự giúp đỡ, tạo điều kiện bảo vệ, quy hoạch thành từng khu vườn rộng hơn của liên ngành du lịch, nông nghiệp để phát triển vườn rau thì tốt quá.

Các món ăn từ... dế ở Đường Lâm

Nếu như nông dân một số xã của huyện Gia Lâm đang vừa sản xuất vừa làm du lịch (dẫu mới chỉ là manh nha) từ vườn rau cải của chính gia đình mình thì ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây hiện nay lại đang có thêm một đặc sản ẩm thực, thu hút khách du lịch khi tìm về thăm làng cổ, đó chính là các món ăn từ... dế.


Anh Phan Khắc Ninh - Chủ nhiệm HTX Phát triển chăn nuôi và dịch vụ thương mại tổng hợp Đường Lâm, người đầu tiên đưa con dế về nuôi ở Đường Lâm hào hứng cho biết: Khách đến thăm Đường Lâm bây giờ không chỉ được thưởng thức chén nước chè Cam Lâm, kẹo bột Đông Sàng hay mua chai tương Mông Phụ đậm đà về làm quà, mà còn có thêm một đặc sản nữa là... những con dế mèn do người nông dân ở đây nuôi. Nếu có yêu cầu, trong bữa cơm phục vụ du khách đến tham quan Đường Lâm, khách sẽ được thưởng thức những món ăn từ dế do chính những người Đường Lâm chế biến như dế tẩm bột chiên, dế rang muối ớt, dế chiên bơ, dế cuốn thịt ba chỉ...

Cũng theo anh Ninh, nuôi dế rất đơn giản, chi phí thức ăn và chuồng trại thấp, nên rất phù hợp với những hộ nông dân không có mặt bằng chăn nuôi lớn. Có những hộ nuôi dế ở Đường Lâm chỉ cần đầu tư 30m2 chuồng và 150 chiếc hộp xốp, mỗi ngày có thể bán hơn 15kg dế thương phẩm với giá 230.000- 270.000 đồng/kg. Hiện nay thực khách đến nhiều nhà hàng, khách sạn hoặc đến tham quan Đường Lâm rất ưa chuộng các món ăn đặc sản được chế biến từ dế như dế chiên giòn, dế lăn bơ, dế kho tiêu… nên người nuôi dế ở Đường Lâm rất thuận lợi trong việc tìm kiếm tìm “đầu ra” cho sản phẩm chăn nuôi của mình.

Những tháng cuối năm, thời tiết chuyển lạnh, dế thương phẩm được tiêu thụ rất mạnh trên thị trường Hà Nội. Chủ các nhà hàng, khách sạn, các chợ lớn thường tìm đến tận nơi, ký hợp đồng thu mua với số lượng ổn định, có đến đâu thu mua hết đến đấy, khiến người nuôi dế rất yên tâm.

Tuy nhiên, anh Ninh cũng bày tỏ băn khoăn: Đối với người nông dân ở Đường Lâm, việc chăn nuôi và giới thiệu những đặc sản ẩm thực như con dế, gà Mía... đến với du khách hoàn toàn tự phát, bước đầu đã cho hiệu quả nhưng những người nông dân vẫn mong muốn có được sự giúp đỡ nhiều hơn của các ngành, các cấp chính quyền trong việc quảng bá, học tập kiến thức làm du lịch để bà con có thể vừa sản xuất, vừa kết hợp làm du lịch từ chính những sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững và quy mô hơn.

Thanh Trà