02:20 22/02/2016

Nông dân Khmer làm giàu

Gia đình ông Cô Phanh ở Ấp Bến Bạ, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú (Trà Vinh) có 16 công đất. Ban đầu gia đình ông bố trí trồng mía, tuy nhiên, do đất thường xuyên bị nhiễm mặn và cây mía thường hay bị sâu bệnh, năng suất thấp, giá cả lại không ổn định, nên gặp rất nhiều khó khăn.

Sau khi tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất do xã tổ chức, cùng với tính cần cù chịu khó học hỏi, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng lúa - màu. Kết quả, năm đầu tiên mô hình lúa - màu cho thực lãi hơn 16 triệu đồng/công, tăng 8 triệu đồng/công so với trồng mía.

Gia đình ông Cô Phanh thu hoạch tôm, cá.

Chưa dừng lại ở đó, ông Phanh còn đào 3 công đất làm ao, 3 công trồng lúa, bắp, 10 công còn lại ông mạnh dạn chuyển sang trồng 1 vụ lúa cao sản kết hợp nuôi tôm càng xanh và trồng thêm 2 vụ ngô. Quy trình của ông làm như sau: Vụ đông -xuân trồng ngô lai, sau khi thu hoạch trồng lúa cao sản, kết hợp thả nuôi 20.000 con tôm càng xanh, khi thu hoạch lúa - tôm xong, ông trồng tiếp 1 vụ bắp nù. Kết quả thu hoạch từ lúa được hơn 26 triệu đồng; ngô lai hơn 28 triệu đồng; bắp nù bán trái được 7 triệu đồng, tôm càng xanh hơn 38,4 triệu đồng và tôm tự nhiên thu theo con nước bán được hơn 10 triệu đồng. Tổng thu từ mô hình sản xuất của gia đình trong năm qua hơn 100 triệu đồng.

Ông Phanh cho biết: “Để mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, phải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm; chọn giống lúa thơm cho năng suất, chất lượng cao và bán được giá; tôm giống khi mới mua về còn quá nhỏ, tôi đã phải ươm trong lưới từ 15 - 20 ngày, đặt gần đầu nguồn nước và chỗ thông gió, sau đó mới thả vào ruộng; thức ăn cho tôm chủ yếu là phụ phẩm khoai lang, cua, còng, ốc… nên tiết kiệm được chi phí”.

Năm 2016, ông Phanh tiếp tục áp dụng mô hình này. Hiện nhiều hộ nông dân ở địa phương và các ấp lân cận thường xuyên đến thăm quan, học hỏi mô hình làm kinh tế của ông.
Bài và ảnh: Nguyễn Tân