03:17 28/03/2023

Nông dân An Giang được mùa, trúng giá vụ lúa Đông Xuân

Vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023 đang bước vào cao điểm thu hoạch, thời tiết thuận lợi, năng suất cao, giá lúa tăng, niềm vui của người nông dân đang lan tỏa trên những cánh đồng vàng ở vùng đầu nguồn châu thổ sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang thu hoạch lúa Đông Xuân. 

Được mùa, trúng giá

Vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh An Giang xuống giống được 227.548 ha. Đến thời điểm này, đã thu hoạch được trên 114.952 ha, đạt 50,52% diện tích xuống giống; năng suất bình quân ước đạt 7,55 tấn/ha, cao hơn 0,29 tấn/ha so với cùng kỳ.

Cùng với năng suất cao, giá lúa cũng tăng hơn so với vụ Đông Xuân năm trước khoảng 500 - 1.100 đồng/kg đã tạo sự phấn khởi với người nông dân.

Tại huyện Châu Thành (An Giang), hầu hết diện tích lúa Đông Xuân đều đạt sản lượng khá, năng suất rất cao, có nơi lên đến 1,2 - 1,5 tấn/công. Không chỉ trúng mùa, nhiều nông dân cho biết, năm nay lúa được thương lái thu mua với giá cao. Thậm chí có những diện tích ruộng chưa tới ngày thu hoạch, thương lái vào tận nơi xem và đặt cọc trước. Điều này làm nông dân rất phấn khởi vì trúng mùa, được giá, lợi nhuận cao hơn năm trước. 

Vừa thu hoạch xong 20 công lúa loại giống lúa Đài Thơm 8 đạt năng suất cao, anh Đặng Văn Thảnh, ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh An (huyện Châu Thành, An Giang) rất phấn khởi, vì lúa đạt năng suất cao, lại bán được giá.

“Năm nay, lúa Đài Thơm 8 đạt năng suất trên 1,3 tấn/công tầm lớn (1.300 m2). Với giá bán tại ruộng là 6.600 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 600 đồng/kg. Mức giá này, mỗi công tôi lãi khoảng 4,5 triệu đồng sau khi trừ chi phí” - anh Thảnh chia sẽ.

Cùng chung niềm vui trúng mùa, được giá, nông dân Võ Văn Sớt (ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, An Giang) cho biết, năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít, thêm vào đó giá phân bón giảm giúp nông dân giảm nhẹ chi phí sản xuất. Canh tác 41 công lúa Đài Thơm 8, hiện đã thu hoạch hơn 31 công, năng suất trung bình đạt gần 1,3 tấn/công tầm lớn (1.300 m2); với giá bán 6.600 đồng/kg lúa tươi tại ruộng, trừ các chi phí, lợi nhuận cũng đạt từ 3,5 - 4 triệu đồng/công.

Theo khảo sát của phóng viên, giá lúa tươi vụ Đông Xuân 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh An Giang hiện đang được nông dân bán cho thương lái và doanh nghiệp với giá cao hơn ít nhất từ 500 - 1.200 đồng/kg (tùy chủng loại giống) so với vụ Đông Xuân năm trước.

Các loại lúa tươi như Đài Thơm 8, OM18, OM18, IR50404... được nông dân bán cho thương lái hoặc nhận tiền đặt cọc thỏa thuận trước khi thu hoạch lúa với giá từ 5.900 - 7.100 đồng/kg.

Hiện, toàn tỉnh An Giang còn hơn 112.000 ha diện tích lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn đòng, trổ chín, chuẩn bị thu hoạch. Với những tín hiệu khả quan từ thị trường lúa gạo, bà con nông dân rất háo hức, kỳ vọng giá lúa tiếp tục duy trì ổn định đến thời điểm thu hoạch để việc thu hoạch và tiêu thụ được thuận lợi.

Thận trọng vụ Hè Thu

Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, lúa bán được giá, thêm vào đó giá nhiều mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp đang có chiều hướng giảm. Tiếp đà thuận lợi này, nông dân nhiều huyện trong tỉnh An Giang như: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên,… đã tiến hành xuống giống sớm vụ Hè Thu năm 2023.

Những diện tích lúa Đông Xuân thu hoạch sớm được nông dân bắt tay ngay vào vệ sinh đồng ruộng, làm đất, chuẩn bị lúa giống để gieo sạ sớm nhất. Một số nơi đã gieo sạ lúa được khoảng 10 - 15 ngày. Điều này dễ phát sinh dịch hại, rầy nâu, sản xuất sẽ không đạt hiệu quả.  

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, hiện nay đang là cao điểm mùa khô, nắng nóng, nhiệt độ cao không thích hợp để xuống giống vụ hè thu năm 2023. Thêm vào đó, thời gian cách ly giữa vụ Đông Xuân và Hè Thu quá ngắn dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc hữu cơ do rơm rạ chưa kịp phân hủy, dễ phát sinh dịch hại do rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, muỗi hành (sâu năn) và các loài dịch hại khác gây ra…

“Bà con không nên vì lúa đang có giá cao mà vội vàng xuống giống vụ Hè Thu năm 2023, không đảm bảo các quy trình kỹ thuật và thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 20 ngày để cắt đứt mầm bệnh trên đồng ruộng. Khi xuống giống cần tuân thủ lịch thời vụ mà ngành nông nghiệp khuyến cáo, thời gian xuống giống trên cùng 1 tiểu vùng không quá 7 ngày và không để nhiều trà lúa đan xen nhau và thực hiện tốt các giải pháp vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm rạ, làm đất, chọn giống tốt và phù hợp” - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang khuyến cáo.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết thêm, vụ Hè Thu 2023, tỉnh An Giang dự kiến xuống giống gần 229.000 ha. Ước năng suất lúa bình quân đạt 6 tấn/ha, sản lượng đạt gần 1,4 triệu tấn.

Căn cứ vào diễn biến rầy nâu trên đồng ruộng, rầy nâu vào bẫy đèn trong và ngoài tỉnh, khung lịch thời vụ xuống giống vụ Hè Thu toàn tỉnh An Giang được khuyến cáo xuống giống đồng loạt, tập trung vào 3 đợt để né khô hạn, né rầy. Đợt I, xuống giống từ ngày 15 - 31/3, xuống giống tập trung ở những vùng tiểu vùng sản xuất hai vụ tại các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và các tiểu vùng ngưng sản xuất vụ Thu Đông tại huyện Phú Tân, Châu Phú diện tích khoảng 50.000 ha.

Đợt 2, xuống giống từ 1/4 đến 30/4, xuống giống đại trà đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm diện tích khoảng 130.000 ha, tập trung tại 11/11 huyện. Đợt 3, xuống giống từ 1/5 đến 10/5 xuống giống tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ Thu Đông 2023 và một số tiểu vùng xuống giống Đông Xuân 2022-2023 muộn, diện tích khoảng 39.000 ha, rãi rác tại các huyện Tri Tôn, Tân Châu, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, Tịnh Biên, Châu Đốc.

Các giống lúa được ngành nông nghiệp An Giang khuyến khích trồng cho vụ Hè Thu gồm: OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900… Đây là những giống lúa được doanh nghiệp thu mua giá cao và có chiều hướng tăng. Trong số đó, nông dân có thể sử dụng nhóm giống triển vọng để thể thay thế những giống lúa không còn phù hợp. Cụ thể như: Lộc Trời 28, OM 418, OM34...

Đặc biệt, vụ lúa Hè Thu mỗi địa phương sẽ cơ cấu 4 - 5 giống lúa chủ lực, 4 - 5 giống lúa bổ sung và vài giống lúa triển vọng mới; cơ cấu một giống không quá 20%; phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao.

Dự báo vụ Hè Thu 2023 trên địa bàn An Giang sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn do tình hình khô hạn, để đảm bảo sản xuất hiệu quả, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm đề nghị các địa phương phải tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch nạo vét kênh mương đảm bảo đủ nước tưới tiêu.

Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật như: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); ba giảm, ba tăng; một phải, năm giảm chú ý lượng giống gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng lúa; chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ…

Bài và ảnh: Công Mạo (TTXVN)