11:13 19/11/2021

Nơi phụ nữ lên tiếng vì sự phát triển và bình đẳng giới

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp tháng 11, Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu về kinh tế và xã hội lại được tổ chức tại Paris (Pháp) nhằm nêu bật tiếng nói và tầm nhìn của phụ nữ về các vấn đề kinh tế - xã hội, đồng thời tạo ra một tương lai hòa nhập hơn cho tất cả mọi người.

Được ví như "Diễn đàn Davos của phụ nữ", đây là một trong những diễn đàn quốc tế hàng đầu của phụ nữ được tổ chức hằng năm kể từ năm 2005, có tầm ảnh hưởng toàn cầu, quy tụ các diễn giả cấp cao, kết nối những người tham gia và tổ chức các cuộc tranh luận sôi nổi về các vấn đề kinh tế và xã hội theo một chủ đề cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ bày tỏ ý kiến. 

Năm nay, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành ở nhiều nơi, Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu về kinh tế và xã hội vẫn được tổ chức bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp từ ngày 15 - 19/11 với sự tham dự của gần 100 diễn giả và hàng chục nghìn đại biểu từ hơn 100 nước trên thế giới. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, để thu hút sự tham gia của giới trẻ, năm nay, 10.000 cổng truy cập đã được dành riêng cho đối tượng này và 100 thanh niên đã được mời đến tham dự phiên họp toàn thể trực tiếp được tổ chức vào ngày bế mạc diễn đàn. Theo bà Audrey Tcherkoff, Tổng giám đốc Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu về kinh tế và xã hội, thế giới cần sự lãnh đạo của một thế hệ mới, trẻ trung, đầy nhiệt huyết, dễ hòa nhập và giải quyết nhanh chóng hơn những thách thức của nhân loại về quyền con người, công bằng kinh tế, chủng tộc và giới tính và môi trường.

Với thông điệp "Phụ nữ ngày nay: Hãy kết hợp quyết tâm và sức mạnh để đạt được bình đẳng", chủ đề của diễn đàn tập trung vào khám phá và khơi dậy tiềm năng sức mạnh của phụ nữ để đạt được sự bình đẳng với nam giới. Các diễn giả đều là những lãnh đạo các tổ chức chính trị - nghề nghiệp, doanh nghiệp, ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức phi chính phủ hoặc các cơ quan truyền thông đã chia sẻ quan điểm và tầm nhìn của họ để giúp phụ nữ lãnh đạo và tổ chức thành công hoạt động của họ trong các lĩnh vực, góp phần phá vỡ các rào cản của sự bất bình đẳng. Theo đánh giá của ông Maurice Lévy, Chủ tịch Ban Kiểm soát của Publicis Groupe, người điều hành Diễn đàn "với các chủ đề chính như sức khỏe, khí hậu, công nghệ và hòa nhập, Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu đã góp phần xây dựng một bức tranh kinh tế đa dạng và công bằng hơn".

Tại các buổi tọa đàm trực tuyến, các ý kiến đều cho rằng đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều trở ngại cho phụ nữ và mất cân bằng giới trở nên rõ ràng hơn. Trên thực tế, phụ nữ và trẻ em gái lại là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch. Theo ước tính của Liên hợp quốc, năm 2021 sẽ có 435 triệu phụ nữ và trẻ em gái rơi vào tình trạng nghèo đói, trong đó 47 triệu là do tác động trực tiếp của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, đại dịch cũng làm nổi bật vai trò quan trọng của phụ nữ trong các nền kinh tế và xã hội. Phụ nữ không chỉ ở tuyến đầu chăm sóc trẻ em, gia đình, người lớn tuổi và nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng, họ còn là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại trong đổi mới, khoa học, nghiên cứu, phát triển chính sách và phối hợp với chính phủ để chống lại đại dịch.

Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu là cơ hội để cùng nhau phát triển, suy ngẫm các bài học về khả năng phục hồi và hy vọng trong năm, để dẫn dắt và tạo động lực cho những ngày sắp tới. Hơn bao giờ hết, phụ nữ cần có tiếng nói, quyết tâm và hành động để cùng tạo dựng một thế giới bền vững và hòa nhập hơn. Với mạng lưới gần 30.000 thành viên, bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị, cùng với các tổ chức quốc tế, các chuyên gia và xã hội dân sự ở hơn 100 nước trên thế giới, Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu đã mang đến cơ hội để họ cùng nhau phát triển các giải pháp đồng bộ cho những thách thức cấp bách nhất mà nhân loại nói chung phải đối mặt, không chỉ về bình đẳng giới mà cả trong việc trao quyền kinh tế, tiếp cận sức khỏe, hành động chống biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ phục vụ lợi ích cộng đồng.

Các đề xuất chính sách của Diễn đàn Phụ nữ toàn cầu cũng góp phần làm phong phú thêm chương trình nghị sự của các bàn đàm phán và các hội nghị thượng đỉnh, chẳng hạn như của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20). Đơn cử như G20 hồi tháng 6 vừa qua đã tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng chuyên về vấn đề trao quyền cho phụ nữ, tập trung vào việc tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận việc làm có chất lượng tốt hơn, các chính sách nhằm nâng cao tài năng và kỹ năng của phụ nữ, tăng cường các vị trí lãnh đạo nữ, định nghĩa và bảo vệ quyền của phụ nữ, và giải quyết tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.

Nhân dịp này, Diễn đàn kêu gọi phụ nữ phát huy các thế mạnh của mình, tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động kinh tế xã hội nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu. Diễn đàn cũng chuyển đi thông điệp mạnh mẽ, rằng việc thúc đẩy sự bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19 và chuyển đổi để thích ứng với thế giới hậu đại dịch.

Nguyễn Thu Hà (Phóng viên TTXVN tại Pháp)