02:08 04/02/2016

Nơi nuôi dưỡng hồn Việt tại Đức

Người Việt có mặt ở Đức từ nhiều chục năm nay và đa phần đều đã hội nhập tốt và phát triển tốt trên “quê hương thứ hai”. Thế hệ thứ hai thứ ba sinh ra, lớn lên ở Đức cũng được chính quyền sở tại đánh giá cao về khả năng học tập.

Thế nhưng có một vấn đề luôn canh cánh trong lòng những người làm cha, làm mẹ là làm sao để các em giữ được tiếng Việt, hiểu được phong tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

“Còn tiếng Việt là còn quê hương” là quan niệm của nhiều bậc cha mẹ người Việt ở Đức muốn giữ hồn Việt cho con cháu mình. Bởi nếu các cháu không thể nói, không thể hiểu tiếng Việt và không có chút mường tượng gì về nơi chôn nhau cắt rốn của ông cha, thì hình ảnh quê hương với các cháu sẽ là gì và liệu còn một góc nào trong những trái tim nhỏ bé ấy dành cho quê hương hay không? Đây thực sự là nỗi lo chung của các bậc phụ huynh người Việt tại Đức và cũng là lý do khiến phong trào học tiếng Việt nở rộ tại các khu vực, thành phố có nhiều người Việt sinh sống.

Cô Hoàng Liên trong một lớp dạy tiếng Việt ở Trường Sao Mai.

Nằm trong khuôn viên Trung tâm thương mại Thái Bình Dương ở thủ đô Berlin có một trung tâm như thế. Liên tục từ năm 2007 tới nay, cô trò Trường Tiếng Việt Sao Mai vẫn cặm cụi bám trường, bám lớp dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Ban đầu chỉ có một lớp học với một vài cháu tham gia, tới nay đã có bốn lớp học được duy trì thường xuyên vào cuối tuần với khoảng 50 - 60 học sinh. Có lúc cao điểm, số học sinh của trường lên tới gần 130 em. 

Để có thể duy trì được những lớp học như vậy, trước hết phải kể tới sự hy sinh, yêu nghề, yêu trò của các cô giáo và phần thưởng cho các cô chỉ là sau mỗi khóa học, các em có thể nói, đọc và hiểu được tiếng Việt. Cô Nguyễn Thị Hoàng Liên - Hiệu trưởng Trường Tiếng Việt Sao Mai - cho biết, trong suốt 9 năm qua, Nhà trường luôn nhận được sự ủng hộ và đồng hành của Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương, đơn vị hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho nhà trường, và đặc biệt là sự tin tưởng, ủng hộ của các bậc phụ huynh cũng như của một số hội đoàn người Việt. Tuy nhiên, theo cô, chính tình thương của các cô giáo là động lực để trường vượt qua tất cả những khó khăn để duy trì việc dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho các cháu.

Liên quan tới việc giảng dạy tiếng Việt cho các cháu là thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở Đức, cô Hoàng Liên cũng hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, quan tâm hơn nữa về giáo trình hoặc những cuốn sách luyện chữ, luyện đọc từ trong nước cho nhà trường. Hiện nay, giáo trình giảng dạy được các cô soạn dựa trên trình độ và lứa tuổi của các em, trong đó có tham khảo cuốn Tiếng Việt Vui và Quê Việt được gửi từ trong nước sang. Cô cũng bày tỏ hy vọng các bậc phụ huynh quan tâm hơn nữa tới thế hệ trẻ, bởi các em chỉ có một khoảng thời gian ngắn, từ 5 - 7 năm, có thể học tiếng Việt và sau thời gian này, việc dạy tiếng Việt cho các em sẽ rất khó khăn.

Một lớp học ở Trường Tiếng Việt Sao Mai.

Trường tiếng Việt Sao Mai hiện có 5 cô giáo, trong đó có 4 cô dạy tiếng Việt và một cô dạy múa. Không chỉ dạy tiếng Việt, các cô còn lồng ghép các nội dung về tập tục và văn hóa cổ truyền vào nội dung giảng dạy, qua đó, các em có thể hiểu thêm về những truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước. Những phong tục cổ truyền, những món ăn, đồ trang trí truyền thống trong ngày Tết như trong câu đối “thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ - cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” được các cô đưa vào nội dung bài học ngày Tết và giải thích cho các cháu. Đó còn là truyền thống kính trên nhường dưới, tình cảm với cha mẹ, ông bà và xa hơn nữa là với quê hương đất nước. “Mục tiêu đầu tiên các cô giáo hướng tới dạy các em là tình yêu thương trong gia đình, sau đó là tình yêu quê hương đất nước, những gì gần gũi, dễ hiểu với các em qua các bài hát, bài thơ hay những câu chuyện cổ tích”, cô giáo Nguyễn Thanh Tâm đã chia sẻ như vậy khi nói về cách tiếp cận đề tài với các em Trường Tiếng Việt Sao Mai. Cô cũng cho biết để có thể duy trì được các lớp học như hiện nay là cả một sự nỗ lực rất lớn của cô và trò, bởi cả tuần mọi người đều có những công việc riêng, song vẫn dành ra ngày cuối tuần để cô đến trường và các bậc phụ huynh đưa con em đến lớp.

Không chỉ dạy tiếng Việt và phong tục tập quán Việt Nam, Trường Tiếng Việt Sao Mai còn là nơi truyền dậy cho các em những điệu múa, lời ca tiếng hát. Cô giáo Thanh Hà cùng con gái Thanh Hằng, hai hạt nhân của đội múa Sao Mai, từ nhiều năm nay đã mang những bộ trang phục cổ truyền dân tộc, những tiếng hát và điệu múa đi biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn, góp phần quảng bá những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Để có thể duy trì trường lớp, Trường Tiếng Việt Sao Mai đã huy động nguồn kinh phí chủ yếu dựa trên sự đóng góp của các bậc phụ huynh nhằm trang trải những chi phí tối thiểu cho hoạt động. Rất may là toàn bộ cơ sở vật chất ban đầu đã được Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương tạo điều kiện hỗ trợ, đầu tư. Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm, các cô giáo đều mong mỏi có một ngôi trường đúng nghĩa, “trường ra trường, lớp ra lớp” để các em, các bậc phụ huynh có thể yên tâm tới trường, để ngôi trường có thể duy trì, phát triển và lớn mạnh trong tương lai. Đây quả thực là cả một vấn đề lớn, đòi hỏi sự quyết tâm, chung tay góp sức của tất cả cộng đồng. “Để được như vậy là nhờ các cô miệt mài chăm chỉ đến lớp, học trò và phụ huynh đều nhiệt tình. Tuy nhiên, trong khi các bạn đến trường Đức có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thì trường Tiếng Việt Sao Mai cũng mới chỉ ở bước khởi đầu hết sức bình dị, đơn sơ”, cô Thanh Tâm chia sẻ.

Cộng đồng người Việt ở Đức nói riêng và ở nước ngoài nói chung cần lắm những trung tâm như vậy. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào của mỗi người Việt nơi đất khách trong việc chung tay góp sức duy trì và phát triển nơi nuôi dưỡng và phát triển hồn Việt ở nước ngoài. Như lời tâm sự của cô giáo Tâm: “Dù bạn có giỏi đến mấy, có thành công đến mấy, nhưng tiếng mẹ đẻ bạn không thể nói được, không hiểu và không viết được thì đó là nỗi buồn của tất cả bậc phụ huynh chúng ta”.
Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Đức)