09:23 30/09/2012

Nỗi niềm xe buýt

Người dân thủ đô hay gọi xe buýt là hung thần bởi tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, cua gấp... khi tham gia giao thông trên đường.

Người dân thủ đô hay gọi xe buýt là hung thần bởi tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, cua gấp... khi tham gia giao thông trên đường.


Ghi nhận trên những hành trình


Trên hành trình xe buýt tuyến 32 từ Đại học Giao thông Vận tải xuống Nhổn, em Nguyễn Mạnh Hùng, sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Công nghiệp Hà Nội kể: “Tình trạng trộm cắp trên xe buýt hiện đã giảm so với đầu năm, nhưng tốt nhất có đồ gì giá trị đừng để túi sau. Trên tuyến vẫn có một số đối tượng trà trộn móc túi. Đầu năm, em cũng bị một đối tượng móc túi, biết mặt đấy nhưng cũng không làm gì được vì sợ bị đánh hội đồng. Có lần, một anh phản ứng hô lên bị chúng quay vào đánh. Nhưng khoảng vài tháng nay, lực lượng công an dẹp mạnh thì nạn trộm cắp có giảm nhiều”.



Trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy trong giờ cao điểm: người ta chen lấn nhau để được lên xe buýt, dù có phải chịu cảnh "nhồi nhét ". Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

 

Đi trên một số tuyến xe buýt Hà Nội, phải thừa nhận rằng cũng có một số tuyến lái và phụ xe phục vụ nhiệt tình và lịch sự... Nhưng cũng còn không ít cách ứng xử khó coi, nhất là những tuyến qua nhiều trường đại học như tuyến số: 01,02, 32,55... Tình trạng lái, phụ xe nói năng cộc cằn, nói bậy trong lúc lái xe... diễn ra khá phổ biến.


Hoài Lương, một người miền Nam đang làm việc tại Hà Nội, nhận xét: “Đi xe buýt nhìn chung an toàn nhưng quá tải vào giờ cao điểm. Tình trạng bỏ bến thường xảy ra khi lượng khách quá đông, tập trung vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều...”.


Quả thực, đi xe buýt vào các giờ cao điểm trên một số tuyến qua trường đại học thường phải chịu cảnh đứng chen chúc. Theo giám sát của Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, vào giờ cao điểm, xe buýt thường chở quá 200% so với thiết kế, và ít xe về đúng thời gian quy định do đường đông. Tuy nhiên, vào các giờ khác, đi xe buýt khá thoải mái.

 

Nhìn từ hai phía


Nhiều người đi trên tuyến phố có xe buýt đều nhủ thầm, nếu gặp mấy ông xe buýt thì cố gắng tránh xa vì không cẩn thận tai bay vạ gió vì kiểu đi ẩu. Dễ nhận thấy nhất là tình trạng tạt ngang đột ngột khi tấp vào lề đường. Chị Thu Thủy kể: “Trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, xe buýt sẵn sàng tạt thẳng bến xe, trạm dừng mà không cần xi nhan. Nhiều lần tôi phải phanh xe dúi dụi, do đó giờ thấy xe buýt là tránh xa”.


 

Tuyến xe buýt qua trường Đại học sư phạm Hà Nội lúc nào cũng chật cứng sinh viên.

 

Phóng nhanh, vượt đèn vàng, đèn đỏ, cua đột ngột là điều thường thấy ở xe buýt. Có lần đi trên tuyến xe buýt số 14, tôi góp ý với mấy bác tài còn bị mắng: “Mấy ông xe máy đi cũng vô ý thức, chạy có đúng làn đường đâu, không vượt mấy ông đó thì làm sao về bến đúng giờ”.


Nhiều người cũng chung nhận xét: Khi đi trên đường thì xe buýt vi phạm luật nhiều nhất mà lại không bị phạt là cớ làm sao? Hiện nay đang áp dụng phân làn đường, các phương tiện đều bị xử lý khi vi phạm, còn riêng xe buýt thì chả thấy bao giờ bị phạt.


Bác Phạm Văn Quang, người thường xuyên đi trên tuyến xe buýt số 20, nhận xét: “Trước tôi là lái xe nên thấy rằng người đi xe máy trong phố rất hay tạt ngang tạt ngửa. Chưa kể nhiều thanh niên đi rất ngông nghênh. Cho nên, thật sự cũng nên chia sẻ với nhà xe. Đây là nỗi bức xúc không chỉ riêng ai trong bối cảnh hạ tầng giao thông và ý thức tham gia giao thông của đại bộ phận người dân Hà Nội chưa nghiêm túc. Có những tuyến rất đông vào giờ cao điểm và ngành giao thông nên khảo sát thật kỹ nhu cầu đi lại theo từng tuyến, từng thời điểm trong ngày để bố trí đầu xe, chuyến xe cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại hợp lý”.


Theo đánh giá của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, đối tượng sử dụng xe buýt hiện chủ yếu là sinh viên, học sinh (về cơ bản là bão hòa); sau đó là các nhân viên đi làm theo giờ giấc cố định, làm cho các cửa hàng, cơ quan, công ty (không vướng bận con cái). Chủ quan phải thừa nhận có nhiều tài xế do muốn kịp thời gian quy định nên phóng nhanh, nhưng khách quan cũng có do hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội chưa đồng bộ, ý thức người tham gia giao thông nhìn chung thấp, không đi đúng làn đường, nên gây ức chế cho lái xe.


Bài và ảnh: Xuân Minh

 

Bài 2: Chất lượng dịch vụ: Tăng cường hoạt động giám sát