11:10 06/11/2019

Nỗi niềm thế hệ Sandwich tại Singapore trước tình trạng già hóa dân số

Ngày càng có nhiều người trong độ tuổi 60-70 tại Singapore dành những năm tháng xế chiều không chỉ để lo toan cho con cháu, mà còn mang trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già yếu.

Chú thích ảnh
Thế hệ Sandwich tại Singapore thấy được nhược điểm khi trở thành một trong những quốc gia có người dân sống thọ nhất thế giới. Ảnh minh họa: SCMP

Trên bước đường trưởng thành, ông Kor Ter Ming luôn cảm thấy hào hứng trước các chuyến du lịch hàng năm cùng cha mẹ và em trai. Hiện người đàn ông 61 tuổi này vẫn giữ gìn nét truyền thống gia đình, khi tổ chức đi xa cùng vợ và hai con trai ít nhất 1 lần/năm. Thi thoảng gia nhập cùng đoàn gia đình có người cha của ông Kor Ter Ming tên là ông Kor Hong Fatt, năm nay đã 87 tuổi.

“Ý tưởng cả gia đình du lịch bắt đầu từ thời cha tôi. Cho nên hiện giờ tôi cảm thấy vẫn có thể đi với ông và gia đình mình là một điều trân quý và hạnh phúc. Điều này có nghĩa là chúng tôi được hưởng thụ chuyến đi một cách trọn vẹn, với tư cách vừa là một người cha vừa là một người con”, ông Kor Ter Ming hào hứng chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải người nào cũng dễ dàng với việc cha mẹ mình sống thọ hơn. Đối với bà Martha Lee (không phải tên thật của nhân vật), trách nhiệm là người duy nhất chăm sóc người mẹ 92 tuổi mang bệnh tật đã dập tắt đam mê nghề nghiệp và những ước muốn trong cuộc sống của bà.

Mặc dù có sự hỗ trợ tài chính từ 5 anh chị em khác, bà Martha một mình chăm mẹ hơn 15 năm nay. Người phụ nữ 60 tuổi này, hiện còn độc thân, đã bỏ hoàn toàn công việc toàn thời gian của mình để tận tâm nghĩa vụ báo hiếu. Trách nhiệm của bà ngày một nặng nề và khó khăn hơn khi cụ bà mắc chứng mất trí nhớ và sức khỏe yếu dần. “Khi tôi lớn lên, tôi chưa từng nghĩ mẹ mình vẫn thọ khi tôi 60 tuổi”, người phụ nữ không muốn tiết lộ tên thật chia sẻ.

Cả ông Kor Ter Ming và bà Martha đều thuộc thế hệ được gọi là "thế hệ Sandwich" tại Singapore. Những người thuộc thế hệ Sandwich đảm trách hỗ trợ tài chính và chăm sóc cho các thành viên già và trẻ trong gia đình cùng một lúc. Phần lớn nhóm người thuộc thế hệ này nằm trong độ tuổi 30-60. Tuy nhiên, với tình trạng già hóa dân số đang ngày một báo động, những người về hưu 60-70 tuổi đã bắt đầu gia nhập thế hệ này vì còn trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già.

Chú thích ảnh
Ông Kor Ter Ming, 61 tuổi, (thứ hai từ phải sang) tham dự bữa tối gia đình với cha Kor Hong Fatt, 87 tuổi, (ngoài cùng, phải) bên cạnh vợ và hai con trai. Ảnh: Kor Ter Ming

Người Singapore đang sống thọ hơn bao giờ hết. Tại lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Singapore hồi tháng 8, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết số người vượt quá 100 tuổi đã tăng gấp đôi so với năm 2007, từ 500 lên 1.300 như hiện nay. 

Mặc dù người Singapore là một trong những người sống thọ nhất thế giới, song tình trạng sức khỏe của họ không tốt. Kết quả một nghiên cứu thực hiện năm vừa qua cho thấy từ năm 2009 đến 2017, tỷ lệ người cao tuổi mắc một lúc ba bệnh mãn tĩnh như cao huyết áp, máu mỡ, tiểu đường, đục thủy tinh thể… tăng gần như gấp đôi.

Bên cạnh đó, trong khi thế hệ Sandwich hiện giờ như ông Kor và bà Martha vẫn còn chia sẻ gánh nặng tài chính chăm sóc cha mẹ cho anh chị em, thì thế hệ Sandwich tiếp theo không được may mắn như vậy. Tỷ lệ sinh tại Singapore rất thấp 1,4 chưa bằng chỉ tiêu 2,1 mà quốc gia đề ra để thay thế người già. Cụ thể, bà Martha có 5 anh chị em giúp đỡ chăm sóc mẹ nhưng bản thân bà không có con cái để phụng dưỡng bà sau này. Ông Kor và vợ cũng chỉ có hai người con. Tính theo tỷ lệ thì mỗi con chăm sóc một bố hoặc một mẹ. Chính tình trạng già hóa dân số đang gây một sức ép lớn cho nhóm đối tượng vẫn đang đi làm đồng thời chăm sóc cha mẹ. 

Bà Yorelle Kalika, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty chăm sóc người già Active Global Specialised Caregivers có các chi nhánh tại Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore, tin rằng trong tương lai người dân đảo quốc Sư tử này sẽ tìm đến các dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp nhiều hơn. “Tôi nghĩ chúng ta nên chuyển trách nhiệm chăm sóc gia đình sang chăm sóc chính thức và chuyên nghiệp hơn vì chúng ta không có lựa chọn nào khác”.

Tuy nhiên, một xã hội già hóa cũng có những ưu điểm. Với bà Marimuthu Govindasamy (61 tuổi), có thể ngồi uống cà phê hay trò chuyện với người mẹ đã 84 tuổi của mình là một điều mà chưa bao giờ được trải nghiệm khi còn niên thiếu. “Mối quan hệ với mẹ ngày càng tình cảm vì chúng tôi đã trở thành những người bạn. Chúng tôi chia sẻ những thứ mà chúng tôi thường không nói ngày trước”.  

Tương tự bà Marimuthu, ông Kor Ter Ming đang muốn nắm giữ mọi cơ hội để được ở bên cha mình. “Trí nhớ ông ngày càng giảm và tôi muốn nói về những chuyện quá khứ để giúp ông khơi dậy những ký ức năm xưa”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức