05:22 04/05/2015

Nỗi niềm người tản cư Donbass

Nằm tại khu vực Primorskoye trên biển Azov, cách Rostov on Don không xa, khu trại hè thiếu nhi đã biến thành một trại tị nạn, nơi cư trú của 242 người tị nạn Ukraine.

Cuộc xung đột suốt hơn 1 năm qua tại miền Đông Ukraine đã buộc hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Theo các số liệu của Nga, giai đoạn đỉnh điểm có khoảng 1 triệu người ở miền Đông Ukraine chạy sang Nga. Nơi tập trung đông người tị nạn Ukraine nhất có lẽ là tỉnh Rostov on Don với khoảng 300.000 người. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận tình hình tại một trại tị nạn ở ngoại ô thành phố Rostov on Don.
 
Nằm tại khu vực Primorskoye trên biển Azov, cách thành phố Rostov on Don không xa, khu trại hè thiếu nhi tư nhân này đã biến thành một trại tị nạn, nơi cư trú của 242 người Ukraine, phần lớn là phụ nữ, trong đó có 91 trẻ em.

Trong căn phòng là nơi sinh sống của gia đình 3 thế hệ, cụ bà Galina Strokach, sinh năm 1945, cho chúng tôi xem huân chương "70 năm Chiến thắng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại" Nga vừa trao tặng mẹ cụ, bà Irina Shevshova 90 tuổi, vì giờ đây nó là thứ quý giá với gia đình bà.

Cụ bà Galina Strokach.


Bà Galina Strokach cho biết: "Chúng tôi sống ở ngoại ô thành phố Donetsk. Tôi đã nghỉ hưu, con gái (Irina Tershenko) là giáo viên, tôi cũng đã giảng dạy 46 năm. Chúng tôi trụ lại trong một thời gian dài, chẳng muốn ra đi đâu, tuy nhiên pháo bắn dữ quá, chúng tôi phải ẩn nấp dưới hầm, và quyết định di cư đến đây. Chúng tôi ở Berdyansk một thời gian, ở đó cháu gái cả của tôi thi tốt nghiệp lớp 11, trở thành sinh viên tại Kharkov, và sau đó chúng tôi quyết định chuyển về đây. Ở đây chúng tôi sống từ cuối tháng 11, nghĩa là đã được gần 5 tháng, ở đây mọi thứ đều hài lòng, chỉ có điều vẫn muốn về nhà".

Cô Irina Tershenko, con gái bà Galina Strokach kể: "Khi chúng tôi trở lại Donetsk, thành phố bắt đầu bị bắn phá, ví dụ ở trường của tôi đã thay 4-5 chiếc cửa kính, chúng tôi gọi cho phụ huynh học sinh và họ giúp thay cửa. Thầy cô giáo đến dạy được 1-2 tiết pháo lại bắn, trẻ em phải trú dưới hầm ngầm, phần lớn thời gian là ở đó. Khi đạn pháo bắt đầu bắn vào trung tâm thành phố, nhà cửa bị phá hủy chúng tôi quyết định phải ra đi vì ở lại đương nhiên là rất nguy hiểm".

Đề cập tới tiền hưu trí, cụ bà Galina cho biết: "Chúng tôi chẳng nhận được tiền hưu trí suốt 8 tháng qua. Ở đây họ nuôi chúng tôi ăn miễn phí, mọi dịch vụ, còn chúng tôi chẳng có đồng nào".

Chị Irina thì cho biết: "Tại Donetsk, chúng tôi nhận được hàng cứu trợ, và chỉ sống nhờ sự trợ giúp đó. Ai có việc làm còn được làm ở công ty nào đó thì vẫn làm. Còn như tôi đọc được, người dân chỉ còn sống nhờ hàng viện trợ từ Nga".

Những đứa trẻ vô tội trong trại tị nạn.


Bà Tachyana ở Donetsk cho biết: "Chúng tôi sống ở Donetsk, cách sân bay không xa. Tôi đến đây cùng với chồng. Con gái tôi vẫn ở lại đó. Tại Donetsk giao tranh vẫn diễn ra. Trên thực tế chúng tôi được xem là những kẻ khủng bố, li khai, nhưng chúng tôi là người lao động, tôi đã làm việc 16 năm trong nhà máy, được hưởng hưu trí. Vào thời điểm này tôi không nhận được tiền từ tháng 7/2014. Chúng tôi không nhận được hưu trí, cả chồng cũng vậy. Có thể nói chúng tôi chỉ còn cách ngồi chờ đói. Bởi cứu trợ chỉ dành cho người từ 60 tuổi trở lên, còn chúng tôi không được nhận, tôi mới 57, chồng 59. Chúng tôi không có lỗi vì chúng tôi sinh ra tại nước mình, tất cả chúng tôi đều là người lao động. Con cháu chúng tôi muốn không còn bị đe dọa như vậy nữa, các đợt nã pháo thật là khủng khiếp. Nhà của tôi chẳng còn cái cửa kính nào, nhớ lại những điều này thật khó khăn, chúng tôi không muốn nhớ lại nữa. Chúng tôi muốn có hòa bình và muốn được về nhà".

Bà nói trong nước mắt: "Dù tôi sinh ra tại Belarus, chứng minh thư của tôi bằng tiếng Belarus. Tuy nhiên đó chỉ là nơi sinh, còn hầu hết thời gian tôi sống ở Donetsk, và chẳng làm điều gì xấu với ai, chẳng với ai, vậy cuộc chiến này là vì cái gì, xin lỗi vì tôi không thể nói nữa".

Cháu Vanhia học lớp 5 cho biết: "Nhà cháu đến đây từ tháng 2 do các trận pháo kích. Chúng cháu ở trong nhà và kính cửa sổ bay tứ tung rồi gia đình cháu phải đến đây. Cháu muốn có hòa bình và được về nhà".

Ông Vasilyi, ông của cháu Vanhia cho biết: "Chúng tôi tới đây vì chẳng còn nơi nào khác để tới. Chẳng ai tiếp nhận chúng tôi ngoại trừ Nga. Hơn nữa tôi có gốc gác Nga, sinh ra ở Siberia, sau đó lấy vợ Ukraine và chuyển tới sống ở Ukraine. Vì con cháu, chúng tôi phải chuyển tới đây. Rời bỏ nhà cửa, để lại mọi thứ ở đó".

Tất cả những người ty nạn chúng tôi gặp đều có chung một nguyện vọng. Đó là tái lập hòa bình để được trở về nhà. Đề tuổi thơ của con cháu họ, những đứa trẻ trong trắng, không bị bom đạn chiến tranh làm tổn thương, để chúng được tiếp tục tới trường và sống trong thế giới bao dung của loài người.


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)