09:07 13/09/2013

Nỗi niềm giá nước sạch tăng

Sau một thời gian dài người dân ca thán về chất lượng nước sạch tại Thủ đô, mới đây, Tổng Công ty nước sạch Hà Nội một lần nữa lại dội “gáo nước lạnh” vào người tiêu dùng khi phát đi thông điệp tăng giá nước sạch bắt đầu từ 1/10/2013.

Sau một thời gian dài người dân ca thán về chất lượng nước sạch tại Thủ đô, mới đây, Tổng Công ty nước sạch Hà Nội một lần nữa lại dội “gáo nước lạnh” vào người tiêu dùng khi phát đi thông điệp tăng giá nước sạch bắt đầu từ 1/10/2013. Lý giải về việc này, đại diện lãnh đạo đơn vị này cho biết, do các chi phí đầu vào đều tăng, nếu giữ nguyên giá nước như cũ sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của tổng công ty.

 

Trước thông tin trên, nhiều người cho rằng, việc tăng giá nước sạch vào thời điểm này sẽ tăng thêm áp lực tới mặt bằng giá cả nói chung. Với chất lượng phục vụ kiểu như hiện nay, việc tăng giá nước là không công bằng và tạo thêm một gánh nặng cho người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế ở thời điểm hết sức nhạy cảm.


Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ, cơ sở tính toán để tăng giá nước sạch của các cơ quan chức năng của Hà Nội là chưa minh bạch. Đã từ lâu, trong hoạt động sản xuất kinh doanh luôn tồn tại nghịch lý, giá tăng thì bắt người dân gánh, đến khi giảm chẳng thấy người dân được lợi, vẫn biết rằng giá thành có tác động mạnh đến chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến lỗ lãi của đơn vị kinh doanh. Theo cách lý giải của lãnh đạo Tổng Công ty nước sạch Hà Nội, thì giải pháp tăng giá nước là nhằm bù lỗ cho khoản nước sạch bị thất thoát!!! Thực tế tại Hà Nội, do buông lỏng công tác quản lý của ngành chức năng, tình trạng trộm cắp nước sạch vẫn diễn ra ở nhiều nơi và chưa được ngăn chặn. Bên cạnh đó, công tác quản lý và các yếu tố kỹ thuật vận hành nguồn nước chưa được quan tâm đúng mức, hệ thống đường ống cấp nước quá cũ kỹ không được thay thế, sửa chữa kịp thời... dẫn đến nguồn nước sạch bị thất thoát khá lớn. Theo kết quả điều tra vừa được Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) công bố, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, chiếm khoảng 40% tổng lượng nước sản xuất. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất thu, thất thoát nước cao là do chưa có đồng hồ đo đếm, sử dụng nước sạch theo phương thức khoán; việc vận hành hệ thống cung cấp nước thiếu khoa học.


Để xảy ra tình trạng trên, nguồn thu của đơn vị kinh doanh nước sạch giảm là dễ hiểu. Nhưng đó không phải là lỗi của người tiêu dùng. Sẽ thật phi lý khi người tiêu dùng mỗi tháng lại phải chi thêm một khoản phí (thông qua giá nước tăng) để gánh cho sự quản lý yếu kém của đơn vị kinh doanh nước sạch. Hơn nữa, ở thời điểm “cơn lốc” tăng giá đang diễn ra, việc tăng giá nước sẽ gây bất lợi về mặt tâm lý cho người dân. Người dân sẽ cảm thấy bất an và cho rằng, những đơn vị công ích hoạt động chủ yếu bằng ngân sách nhà nước, từ nguồn thuế đóng góp của dân, đã không đồng cảm với khó khăn của người dân. Đó là chưa kể khách hàng là các doanh nghiệp đang trong thời điểm phải vật lộn với suy thoái kinh tế, sẽ phải “sống dở chết dở” khi phải gánh một khoản phí không nhỏ từ giá nước tăng.


Trong bối cảnh Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thì việc tăng giá nước sạch của Hà Nội rõ ràng là một động thái không phù hợp. Dư luận lo ngại, việc tăng giá nước sạch, có thể dẫn tới những hiệu ứng xấu về giá đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, nhất là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân thường tăng đột biến.


Yến Nhi