09:14 12/09/2013

Nỗi niềm của tác giả "Tình khúc 24"

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được dịch giả, nhà thơ Dương Tường. Chiều đông gió rét, khoác thêm áo ấm, ông bảo tôi đi bộ sang quán café trên phố Lý Thường Kiệt để nói chuyện. Gọi một ấm trà nóng, vài điếu thuốc lá theo thói quen, ông bắt đầu câu chuyện của mình.

Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng gặp được dịch giả, nhà thơ Dương Tường (ảnh). Chiều đông gió rét, khoác thêm áo ấm, ông bảo tôi đi bộ sang quán café trên phố Lý Thường Kiệt để nói chuyện. Gọi một ấm trà nóng, vài điếu thuốc lá theo thói quen, ông bắt đầu câu chuyện của mình.

 


Thơ từng làm ông mất ngủ


Dương Tường nói rằng mình là người mê nhiều thứ, ông mê dịch thuật, mê nhạc, họa, bóng đá,… và cả đàn bà nữa, nhưng mê nhất có lẽ là thơ. Ông đã từng trả lời phỏng vấn của một báo rằng, thơ làm ông mất ngủ, thơ là thứ duy nhất lấy hầu như toàn bộ tâm trí của ông. Nhưng ông chỉ làm thơ theo cách của riêng mình, không trộn lẫn, không ảnh hưởng bởi bất cứ phong cách nào. Vì thế người ta mới biết đến Dương Tường là một nhà thơ với những câu thơ cực ngắn, thậm chí nhiều bài thơ khó hiểu. Bài thơ nổi tiếng chỉ một câu “Tôi đứng về phe nước mắt” còn được treo trên trang web cá nhân của nhiều người. Ông cũng được nhiều người nhắc đến bài thơ đầy ý nhạc như Tình khúc 24 mà nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc (bài hát sau đó rất nổi tiếng, được nhiều ca sĩ thể hiện trong đó thành công phải kể đến ca sĩ Hồng Nhung): “24 phím cầm chiều/24 nhành sương mím/24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư/Gửi lại em /cầu thang 24 bậc /tờ thư 24 gác mưa /làn menuet 24 âm xưa/… Gửi lại em/gửi lại em tất cả kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ /Riêng đêm em xòa bóng nốt ruồi /24 quầng / anh giữ”.


Nhưng bây giờ ông không làm thơ nữa. Không làm thơ không phải vì ông không còn yêu thơ mà ông tập trung vào việc dịch thuật, và ông cũng không nói về thơ nữa bởi nói về thơ mà không có gì mới hơn thì không nói.


Tiếng Việt bị sử dụng sai ngày càng nhiều


Bây giờ ông chuyên tâm vào việc dịch thuật. Nhưng bên cạnh việc dịch thuật bận rộn, công việc gần như đã lấy toàn bộ thời gian và sức lực của (Hiện ông đang cùng với nhóm của mình tiếp tục công việc dịch thuật đầy thách thức khi lao vào dịch tác phẩm “Đi tìm thời gian đã mất” từ tiếng Pháp của Marcel Proust. Đây là bộ tiểu thuyết khổng lồ được coi là kiệt tác của thế kỷ 20), thì có một vấn đề khác khiến ông quan tâm, trăn trở, suy ngẫm là “sự trong sáng của tiếng Việt”. Tiếng Việt, thứ tiếng mẹ đẻ thể hiện đầy đủ và rõ nét nhất con người, hồn cốt, văn hóa của người Việt; nhưng tiếng Việt đang bị sử dụng sai, bị lạm dụng không chỉ trong ngôn ngữ cuộc sống thường nhật mà còn ở ngay trên báo chí, truyền hình.


Ông quan tâm đến tiếng Việt, một phần bởi ông có niềm tự hào riêng mình về ngôn ngữ mẹ đẻ, nghe đọc sai, nói sai thì thấy khó chịu; phần nữa ông là người làm công tác dịch thuật (ông là tác giả của các cuốn sách dịch: Anna Karenina (L.Tolstoy), Cuốn theo chiều gió (M.Mitchell), Người dưng (A.Camus), Con đĩ biết lễ nghĩa (J.P.Sartre), Đồi gió hú (E.Bronte), Cái trống thiếc (G.Grass), nhiều vở kịch của Shakespeare,... ), “bắc cầu” đưa những tinh hoa của văn học thế giới đến với công chúng Việt Nam nên càng thấy yêu tiếng mẹ đẻ, yêu cái đẹp của tiếng Việt hơn.


“Sinh thời bạn tôi là Cao Xuân Hạo đã phải thốt lên rằng, bây giờ người ta không biết nói đúng và chuẩn xác tiếng Việt nữa. Với tôi cũng vậy, cái đau của “người làm chữ” là bây giờ người ta phá hoại tiếng mẹ đẻ nhiều quá”, ông nói.


Ông dẫn chứng rằng, nói những điều rất sơ đẳng thôi, chẳng hạn nhiều người gọi là “Việt Nam đồng” chứ không phải “đồng Việt Nam”, trong khi lại nói rất đúng “đô la Mỹ, đô la Hồng Kông, đô la Xinhgapo”; hay khi đọc tên năm tháng nhiều người cũng đọc không đúng: năm 2012 thì đọc là “năm hai nghìn không trăm mười hai” mà lẽ ra phải đọc là “năm hai nghìn mười hai” vì cách gọi như trên là cách dạy trẻ con đếm. Theo cách đọc tên năm tháng thông thường thì từ số hàng nghìn rồi đến con số lẻ từ 1 cho đến 10 thì gọi là: nghìn lẻ một, nghìn lẻ hai, nghìn lẻ ba …, nghìn lẻ chín, cho đến số lẻ 10 thì đọc là “nghìn mười”, chẳng hạn hai nghìn mười hai, hai nghìn mười ba.


Một ví dụ khác nữa là hiện nay nhiều người nhầm lẫn, không phân biệt được từ/chữ/tiếng. Điều này khá phổ biến, thậm chí xảy ra trong cả những chương trình truyền hình. Trong chương trình Trò chơi âm nhạc trước đây, người chơi phải hát những từ được giấu đi; chẳng hạn cụm từ bị giấu đi là “cuộc sống yên bình”, cụm từ này gồm hai từ (cuộc sống/yên bình) chứ không phải bốn từ như gợi ý của người hướng dẫn cho người chơi. Trong một chương trình trò chơi truyền hình khác (“Đuổi hình bắt chữ”) , từ để người chơi đoán là “câu lạc bộ”, thì người dẫn chương trình gợi ý cho người chơi “có ba từ”; thực ra “câu lạc bộ” chỉ là một từ có 3 âm tiết. “Tiếng Việt không phải là đơn âm, mà nhiều từ đa âm tiết. Nhưng nhiều người nhầm lẫn về chuyện này dẫn đến việc hiểu sai, nói sai”, dịch giả Dương Tường nói.


Việc nói sai, không chuẩn xác tiếng Việt, thậm chí viết sai ngay cả trên báo chí kéo dài gần như đã thành mặc nhiên, trở thành thói quen rất đáng báo động.


Cũng theo ông, hiện nay không chỉ có việc nói sai mà còn nhiều người dùng không chuẩn xác tiếng Việt, nhất là việc lạm dụng tiếng nước ngoài khi Việt hóa chúng.


“Tôi đồng ý với việc Việt hóa những từ nước ngoài để làm phong phú thêm tiếng mẹ đẻ vì hợp lý và cần thiết; nhất là khi chúng ta hội nhập với thế giới nhưng không phải vì thế mà ta nói và viết những từ nước ngoài một cách bừa bãi. Bây giờ người trẻ, báo chí nói rất nhiều đến “tuổi teen”, trong khi tiếng Việt có rất nhiều từ đẹp đẽ chỉ lứa tuổi ấy “tuổi hoa/tuổi dậy thì/tuổi trăng rằm lại không dùng”, ông nói.


Thế nên, hàng ngày nghe nhiều người nói, nghe đài, xem tivi, đọc báo thấy người ta nói sai, viết sai tiếng Việt ông buồn lắm, nhiều khi khó chịu. Ông bảo “nghe mà tức lỗ tai”, nhất là với người làm việc liên quan nhiều đến từ ngữ như ông. Và cũng vì vậy mà ông bảo rằng nếu còn sức khỏe, thời gian còn ủng hộ (ông sinh năm 1932), ông sẽ làm một trang web đầu đề lấy từ câu thơ của Phạm Duy “tôi yêu tiếng nước tôi” để viết về vấn đề này. Câu nói từ đáy lòng đầy trăn trở và cả trách nhiệm của người bao nhiêu năm gắn bó với văn học dịch và dịch nhiều tác phẩm đỉnh cao của văn học thế giới, người đang ngồi trước mặt tôi, mái đầu bạc trắng, giọng nói đôi lúc bị ngắt quãng để lấy sức bởi ông vừa dứt một đợt ốm khiến tôi như quên đi cái lạnh và cơn mưa mỗi lúc một dày hạt ngoài kia.


Xuân Phong