09:13 03/09/2014

Nỗi niềm “con một”

Ai cũng bảo “con một” sướng nhất quả đất, thậm chí, Trung Quốc trong thời gian dài, còn thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Mẹ là “con gái một”, giờ đến lượt con cũng là “con gái một”.

Ai cũng bảo “con một” sướng nhất quả đất, thậm chí, Trung Quốc trong thời gian dài, còn thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ có một con. Mẹ là “con gái một”, giờ đến lượt con cũng là “con gái một”.

 

Hôm vừa rồi chuẩn bị thi học kỳ, con bảo: mẹ ơi, đề văn tả em bé, nhưng con không có em, tả em bé nào bây giờ hả mẹ, mẹ lại thấy nỗi niềm “con một” dâng trào.


Ông bà ngoại chỉ có một mình mẹ, bà ngoại sinh mẹ khi bà 30 tuổi và ông ngoại đi B ngay sau khi cưới vợ. Đến năm 1979, ông ngoại đi B về thì chiến tranh biên giới nổ ra. Đầu năm 1980, kinh tế khó khăn, nhà phố cổ quá chật, 17 m2 mà 8 người ở. Thành ra, mẹ không có em. Mẹ bắt đầu cuộc sống “con một” của mình.


Mẹ đi học, bị bắt nạt, chỉ biết về mách bà ngoại, không có anh có em chạy ra bênh. 12 năm, mẹ một mình một ngựa sắt, leo trèo hết núi này đến núi khác trong học tập. Ông bà ngoại kỳ vọng ở mẹ. Các kỳ thi học sinh giỏi thành phố, toàn quốc, đều có tên mẹ. Mẹ vào đại học trong niềm hưng phấn của ông bà ngoại. 5 năm sau, mẹ tốt nghiệp thủ khoa đại học, cầm tấm bằng đỏ, đi làm.


Mẹ nghĩ cuộc đời “con một” của mẹ quá sướng, trải toàn hoa hồng. Mẹ chỉ biết học và học, không hề tiếp xúc với cuộc sống đời thường bên ngoài. Đi làm, môi trường thay đổi, mẹ như con chim vùng vẫy, mặc sức tung hoành. Mẹ bắt đầu nổi loạn. Mẹ làm những điều mình thích, mình thấy đúng. Nhưng nhiều đêm, mẹ thấy bà ngoại đã khóc vì bất lực.


Mẹ đã sống 5 năm như thế. Mẹ có được cuộc đời tự do mà có đến trong mơ mẹ cũng không tưởng tượng ra. Chính những năm tháng phá phách đó, mẹ chợt nhận ra, không có anh chị em thật buồn. Không thể tin ai ngoài những người ruột thịt của mình, Không ai dám hy sinh bản thân họ cho mình. Tự mình làm và tự mình chịu. Dám làm dám chịu là những điều mà “con một” hiểu sâu sắc nhất. Chỉ có bố mẹ mình thương xót mình, song nhiều khi ông bà ngoại không hiểu được vì sao mẹ lại có những hành động, lời nói, cử chỉ như thế.


30 tuổi, mẹ lập gia đình với bố con. Bố con cũng là “con trai một”. Thật trùng hợp lạ kỳ. Mô hình gia đình hình chóp đã thực sự có thật trong cuộc đời này.


Con ra đời trong bối cảnh 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ “con một” háo hức đón chờ. Con được đặt tên là Diễm Phúc, hạnh phúc đẹp đẽ, diễm lệ của cả gia đình. Con là gái, đứng chữ Quý, tuổi Mùi, sinh giờ Ngọ, là gái hôm rằm. Mẹ một mình đi buôn (lấy chồng) đã có lãi ngay (là con) đấy.


Một năm sau, mẹ có thai lần thứ 2, với ước nguyện phá vỡ nỗi niềm con một, song trời chưa cho, mẹ ốm, thai phải bỏ. Buồn hơn nữa, từ đó, con mãi mãi không có em, con gái mẹ lại vẫn là “con một”.


Con ơi, mẹ “con một”, bố “con một” và con “con một” vẫn sẽ mãi là một gia đình. Cho dù, mẹ đã có 8 năm trời chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư quái ác, đã vượt qua lằn ranh giới giữa cái sống và cái chết, thì mẹ vẫn “một mình” yêu thương con, che chở con, giống hệt như những gì bà ngoại đã từng làm, đã từng giành cho mẹ. Ở đời, giọt trước chảy đâu, giọt sau chảy đó. Con hãy “một mình” vươn lên, mạnh mẽ, mãnh liệt, làm cây thông đứng giữa trời mà reo, để nỗi niềm “con một” của mẹ, của bố và của con lùi vào dĩ vãng, để mỗi ngày sống là một ngày vui, con nhé.


Yêu con nhiều !!!


Mẹ của con….


Bài dự thi Đặng Thị Nguyệt Quế