04:16 15/04/2025

Nỗi lo thất nghiệp tăng cao nhất ở Mỹ kể từ sau đại dịch

Ngày 14/4, kênh CNN đưa tin nỗi lo về nguy cơ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ sau đại dịch COVID-19, phản ánh tâm lý bất an ngày càng gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều yếu tố bất ổn và chính sách liên bang thiếu nhất quán.

Chú thích ảnh
Người lao động bên ngoài Văn phòng Sở Lao động thành phố New York (Mỹ). Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Theo khảo sát người dân do Ngân hàng Dự trữ liên bang chi nhánh New York thực hiện trong tháng 3, người dân Mỹ ước tính xác suất trung bình lên tới 44% rằng tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc sẽ tăng trong vòng một năm tới. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 - thời điểm những tuần đầu của đại dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu người lao động mất việc.

Khảo sát cũng cho thấy mức độ bất an trong công việc của người lao động tiếp tục gia tăng. Xác suất trung bình mà một người cho rằng bản thân có thể mất việc trong năm tới đã tăng lên 15,7%, cao nhất trong vòng 12 tháng qua. Những con số này góp phần làm rõ thêm bức tranh tâm lý tiêu dùng đang xấu đi tại Mỹ.

Trong khi các khảo sát nói trên được xem là dữ liệu mềm do phản ánh cảm nhận chủ quan của người tiêu dùng, thì các chỉ số cứng mang tính khách quan vẫn cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì sức chống chịu đáng kể. Trong tháng 3, thị trường lao động ghi nhận đà tăng trưởng, nối dài chuỗi phục hồi kéo dài hơn bốn năm. Đây là yếu tố then chốt góp phần duy trì mức chi tiêu tiêu dùng ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện.

Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng tâm lý bi quan lan rộng có thể khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, làm giảm nhu cầu và kéo theo suy giảm hoạt động đầu tư kinh doanh, từ đó làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.

Cùng với đó, khảo sát trên cũng ghi nhận kỳ vọng lạm phát ngắn hạn tăng mạnh. Mức kỳ vọng lạm phát trong một năm tới đã tăng thêm 0,5 điểm phần trăm, lên 3,6% - mức cao nhất trong vòng 18 tháng. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục theo đuổi các chính sách thuế quan cứng rắn và để ngỏ khả năng leo thang cuộc chiến thương mại, làm dấy lên lo ngại giá tiêu dùng sẽ bị đẩy lên cao hơn.

Tuy nhiên, những kỳ vọng tiêu cực trong ngắn hạn chưa lan sang trung và dài hạn. Cụ thể, kỳ vọng lạm phát trong ba năm tới giữ ổn định ở mức 3%, trong khi kỳ vọng trong 5 năm tới giảm nhẹ xuống còn 2,9%.

Các chỉ số kỳ vọng lạm phát ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hiện được Cục Dự trữ liên bang theo dõi sát sao, do đây là những yếu tố có thể tác động ngược trở lại nền kinh tế. Nếu người tiêu dùng tin rằng giá cả sẽ tăng cao trong tương lai, họ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn trong hiện tại hoặc yêu cầu mức lương cao hơn, qua đó tạo áp lực lên doanh nghiệp và đẩy mặt bằng giá lên theo thời gian.

Hoàng Tuấn Anh/Báo Tin tức