08:06 01/08/2014

Nỗi lo “tầm thường hóa” di sản

Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được... công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chớp cơ hội ngàn vàng ấy, nhiều hãng lữ hành, công ty du lịch đã đưa đờn ca tài tử vào khai thác trong các tour, tuyến du lịch.

Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chớp cơ hội ngàn vàng ấy, nhiều hãng lữ hành, công ty du lịch đã đưa đờn ca tài tử vào khai thác trong các tour, tuyến du lịch. Điều này góp phần quảng bá trực tiếp môn nghệ thuật truyền thống đến với du khách, song cũng đặt ra nỗi lo về việc bảo vệ di sản nhân loại.


“Cưỡi ngựa xem hoa”


Thực tế cho thấy, trong giai đoạn đờn ca tài tử ngày càng mai một, đa phần giới trẻ không quan tâm tới dòng nhạc truyền thống này vì nó “cổ quá”, thì việc các nhà hàng, khách sạn, tour du lịch đưa đờn ca tài tử vào chương trình phục vụ du khách, được đánh giá là điểm sáng đối với chính bộ môn nghệ thuật này và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, câu lạc bộ biểu diễn.


Song cũng có một thực tế là việc đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào phục vụ du lịch đã phát sinh nhiều vấn đề chưa hay, chưa đẹp.

 

Đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch.Ảnh: Theo vov online

Một du khách đã tham gia một tour du lịch có thưởng thức đờn ca tài tử chia sẻ: “Với lịch trình kín đặc của tour du lịch, để được thưởng thức đờn ca tài tử, đoàn chúng tôi đã chọn cách bỏ bớt một số điểm đến thú vị khác. Tới được Cồn Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang), rất nhiều người háo hức, mong chờ nghe đờn ca. Thế nhưng, thật buồn khi chứng kiến buổi biểu diễn: Trong khi các ca nương, tài tử đang trau chuốt, nắn nót từng nốt nhạc, lời ca, thì ở dưới một du khách do mệt mỏi vì hành trình đã tìm võng nằm ngủ hoặc gục xuống bàn, một số khác lịch sự hơn hướng ánh mắt lên khu vực biểu diễn, song cũng không quên tham gia những câu chuyện rôm rả xung quanh. Không mấy người cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp, cái ý nghĩa của bộ môn nghệ thuật truyền thống này”.


Chị Nikulina Elena (Đài tiếng nói nước Nga) cho hay: “Với 15 phút, người biểu diễn chưa thể truyền tải hết cái hồn, cốt của nghệ thuật đờn ca tài tử; người nghe dù chăm chú đến mấy cũng chưa thể nắm bắt được cái đẹp, sâu lắng trong dòng nhạc cổ truyền này. Đó là chưa nói đến những người nghe không hiểu tiếng Việt như khách du lịch quốc tế”.


GS.Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam, chia sẻ: Ông rất buồn vì người ta đem một dòng nhạc tinh tế đến nhường ấy để thay thế cho các loại nhạc chuyên phục vụ trong các tiệm ăn ven đường. Ông càng buồn hơn khi những người tổ chức biểu diễn trong các tiệm ăn ấy trả thù lao quá “bèo” cho các nhạc công, ca nương đã phải đem tài năng, sự thăng hoa, ngón đờn gan ruột tập luyện bao năm ròng chỉ để phục vụ khách ăn uống.


Để di sản phát huy hiệu quả


Việt Nam đã xác định du lịch là một hình thức quảng bá hữu hiệu giá trị văn hóa dân tộc, cũng như đóng góp tích cực cho việc bảo tồn vốn quý quốc gia. Đây là hướng đi đúng, tuy nhiên điều quan trọng là phải làm thế nào để tận dụng, phát huy hết lợi thế đó, đồng thời có thể tạo ra các gói sản phẩm du lịch từ di sản để giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc từng vùng miền đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.


Một trong những câu trả lời hiệu quả nhất đã được thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam thực hiện nhiều năm qua, đó là tổ chức các tour du lịch theo không gian lễ hội, tổ chức những không gian biểu diễn theo định kỳ tại Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền số 66 đường Bạch Đằng và số 39 đường Nguyễn Thái Học (thành phố Hội An). Đến những nơi này, du khách được thưởng thức các tiết mục nghệ thuật truyền thống của địa phương trong không gian trang trọng, riêng biệt vào các khung giờ cố định 10 giờ 15 phút, 15 giờ 30 phút hoặc 17 giờ 30 phút hàng ngày. Buổi biểu diễn diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ, với nhiều tiết mục được đầu tư công phu, chọn lọc kỹ càng với sự trình diễn của các giọng ca, tiếng đàn của những nghệ sĩ chuyên nghiệp.


Về phía tỉnh Tiền Giang, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Minh, cho biết: Trong các sản phẩm du lịch chúng ta đang giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc, với sự tham gia biểu diễn của các nghệ nhân là một cách trực tiếp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản truyền thống. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn các tiết mục phù hợp, tránh làm tràn lan, xô bồ. “Tiền Giang đã thực hiện một dự án dài hơi về việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn giai đoạn 2013-2015 và tới năm 2020.

Trong đó, tỉnh coi đờn ca tài tử là gốc, cải lương là ngọn, để tiến hành các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị những môn nghệ thuật truyền thống này. Một hội thảo quy mô và một chương trình nghệ thuật hoành tráng đã được tổ chức. Rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam - rạp hát Thầy Năm Tú (tại thành phố Mỹ Tho) và nhà của Bạch Công Tử (người có nhiều đóng góp trong việc lưu giữ, phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương) đã được trùng tu, tôn tạo làm nơi trình diễn Đờn ca tài tử cho du khách tới tham quan.

Tiền Giang cũng tổ chức tập huấn, truyền dạy Đờn ca tài tử cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ qua hệ thống đào tạo của Hội Văn học nghệ thuật, trường trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh và ở các huyện, thành. “Hiện đã có 95 trong số 120 ca nương, tài tử hoạt động trong lĩnh vực du lịch tham gia tập huấn. Số còn lại sẽ tiếp tục được học tập tại các lớp đào tạo sắp tới”, - ông Nguyễn Ngọc Minh cho biết.


Mỹ Bình