09:05 15/09/2020

Nỗi lo cũ đầu năm học mới

Cứ mỗi đầu năm học mới, phụ huynh lại lo nỗi lo rất cũ: Chi phí.

Đã biết, khi con bắt đầu tuổi đến trường là phụ huynh đã chuẩn bị sẵn tâm lý đóng tiền cho các chi phí đầu năm học mới. Nhưng, quá nhiều khoản chi ngay đầu năm học khiến nhiều phụ huynh, nhất là người lao động phổ thông, công nhân hay những gia đình khó khăn phải đau đáu nỗi lo tiền đâu cho con đi học.

Ngoài tiền sách, vở, quần áo, dụng cụ học tập… ngay đầu năm học, phụ huynh phải đóng thêm tiền cơ sở vật chất, phí vệ sinh, ăn bán trú, nước uống, bảo hiểm, học thêm… Chưa kể khi họp Hội cha mẹ học sinh còn được đề xuất thêm tiền gắn máy lạnh phòng học, tivi, tiền điện (sử dụng máy lạnh), tiền quỹ lớp và cả một số đóng góp khác.

Mới đây, rất nhiều phụ huynh đã phản ứng khi có trường yêu cầu phụ huynh mua bộ sách lớp 1 lên đến hơn 800.000 đồng, trong khi nếu đúng, phụ huynh chỉ cần mua cho con em mình 9 quyển với mức giá khoảng 300.000 đồng. Theo đó, bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021 thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm 8 môn học bắt buộc: Toán, tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và 1 môn học tự chọn là môn tiếng Anh, thế nhưng nhiều trường đã yêu cầu phụ huynh mua trọn cả bộ với trên 20 cuốn, gồm vở bài tập và cả sách tham khảo.

Bức xúc này ngay lập tức đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra văn bản khẩn cấp, yêu cầu các trường không được ép buộc phụ huynh mua sách. "Nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên, khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo, phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và quyền tự chọn, không bắt buộc", Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo trong công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo.

Vấn đề thu đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh năm nào cũng ra văn bản hướng dẫn thu, học phí và các khoản thu khác vào đầu năm mới. Theo đó, Sở đã đưa ra các mức thu cụ thể theo từng loại trường, cấp học và các khoản thu khác phải có sự đồng thuận của phụ huynh; đồng thời yêu cầu các trường giãn thời gian thu các khoản tiền đầu năm học, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, đa phần giáo viên đều muốn thu nhanh, chốt sổ để khỏi bị “nợ”, “không hoàn thành nhiệm vụ” nên thường thu dồn hết vào một lần, gây khó khăn cho phụ huynh.

Dù chủ trương, hướng dẫn của cấp trên rất kịp thời và đúng lúc, nhưng khi xuống các trường, có trường đã làm không đúng hoặc giáo viên làm sai nên dẫn đến việc phụ huynh bức xúc ngay đầu năm học.

Hiện ngành giáo dục nước ta đang ngày càng có nhiều cải cách để bắt kịp xu hướng hiện đại, các trường trang bị trang thiết bị dạy học nhiều hơn để phục vụ các em nên cần phụ huynh đóng góp. Tuy nhiên, ngoài các khoản thu bắt buộc, những khoản thu khác cần có sự đồng thuận của tất cả phụ huynh chứ không phải chỉ do nhà trường quyết rồi “ấn” xuống các lớp và yêu cầu giáo viên phụ trách lớp phải chịu trách nhiệm thu đầy đủ.

Bên cạnh đó, các khoản thu cần phải có sự tính toán có giãn cách và thu thành nhiều đợt chứ không phải thu một lần ngay đầu năm học khi gánh nặng chi phí đang đè nặng lên vai của phụ huynh. Bởi, không phải phụ huynh nào cũng có thể dễ dàng đóng một lần tất cả các chi phí đầu năm học cho con em mình, nhất là gia đình có đến 2 con cùng đi học.

Làm thế nào để phụ huynh không còn bức xúc và làm thế nào để nỗi lo chi phí đầu năm học mới của phụ huynh mỗi năm không phải “to” ra mà phải dần “xẹp” đi đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và của từng trường học phải làm. Hãy làm sao để phụ huynh thấy được trường học là nơi “thân thiện” và sẵn sàng góp chung cho sự nghiệp “trồng người”, chứ không phải là cảm giác bức xúc, lo lắng mỗi khi bắt đầu năm học mới.

Minh Thuyết