10:23 31/10/2013

Nỗi lo chắn tàu gây ùn tắc

Tại nhiều vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt, việc “vênh” hệ thống tín hiệu đang tạo ra những xung đột giao thông lớn, gây ùn tắc, nhưng rất ít địa phương khắc phục được tồn tại này.

Tại nhiều vị trí giao cắt đường bộ với đường sắt, việc “vênh” hệ thống tín hiệu đang tạo ra những xung đột giao thông lớn, gây ùn tắc, nhưng rất ít địa phương khắc phục được tồn tại này.

Nút giao đường bộ, đường sắt Khâm Thiên - Lê Duẩn (Hà Nội) thường xuyên ùn tắc khi tàu đi qua.

Cứ khoảng 18 giờ hàng ngày, hàng trăm ô tô, xe máy các loại lại nối đuôi chen chúc, “dài cổ” chờ trước gác chắn tàu tại các nút giao ngã tư Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn, Khâm Thiên - Lê Duẩn, Lý Nam Đế - Trần Phú, Giải Phóng - Kim Liên (Hà Nội)... Ùn tắc thường xuyên xảy ra mỗi khi có tàu chạy qua, khiến các phương tiện “tiến thoái lưỡng nan”. Tương tự, tại nút giao Kim Liên - Đại Cồ Việt, Giải Phóng - Trường Chinh, mỗi khi có tàu qua, nhân viên đường sắt phải đóng chắn, nhưng do tín hiệu phía đường bộ vẫn bật đèn xanh cho phép phương tiện đi qua, nên hàng ngày tại nút giao này thường xuyên xảy ra hiện tượng ùn tắc nghiêm trọng.


Lãnh đạo ngành đường sắt thừa nhận, có tình trạng vênh tín hiệu giữa đường sắt và đường bộ tại nhiều tuyến phố. Khi có tàu qua và chắn đã đóng, có tín hiệu đèn đỏ báo hiệu tàu đến và đi. Còn tại các ngã tư, ngã năm trên các tuyến phố dẫn đến khu vực gác chắn tàu, tín hiệu đèn xanh của đường bộ vẫn bật và các phương tiện vẫn di chuyển. Thực tế trên dẫn đến tình trạng ùn tắc và việc vênh tín hiệu này đã tạo thành những điểm nghẽn rất lớn.
Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng cho biết: Việc kết nối tín hiệu đường sắt và đường bộ hiện nay rất bất cập. Qua kiểm tra tại nhiều địa phương cho thấy, rất ít nút giao được đồng bộ tín hiệu giữa đường sắt và đường bộ. Có những vị trí được đầu tư, mở rộng, nhưng chưa được khảo sát để đồng bộ tín hiệu, nên ùn tắc vẫn xảy ra. Cục đã kiến nghị và yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý đường sắt khẩn trương rà soát, báo cáo và thực hiện ngay việc kết nối tín hiệu để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Cục cũng đang hoàn thiện dự thảo Thông tư về kết nối tín hiệu đường sắt đường bộ trình Bộ GTVT ban hành trong thời gian tới.


Mới đây, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) đề xuất với Sở GTVT Hà Nội phương án cho phép thêm hai đôi tàu khách địa phương từ phía Bắc và một đôi tàu khách địa phương từ phía Nam ra vào ga Hà Nội đón trả khách vào ban ngày, không vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, trước lo ngại nếu cho thêm các đôi tàu ra vào ga Hà Nội sẽ tăng nguy cơ gây ùn tắc giao thông, Sở GTVT vẫn đang cân nhắc. Vì thực tế, đường tàu chạy xuyên nội đô Hà Nội đang giao cắt với rất nhiều đường dân sinh vốn đã trong tình trạng thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc như Khâm Thiên, Bạch Mai, Giải Phóng...


Anh Đức Nghĩa tại ngõ chợ Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Phố Khâm Thiên vốn đã chật chội, mật độ phương tiện luôn đông đúc, có thể tắc đường bất cứ lúc nào. Mỗi lần tàu chạy qua phố là một lần các phương tiện phải “khổ sở” mới thoát ra được nút ùn tắc. Nếu tăng thêm chuyến tàu ra vào, chắc chắn hiện tượng ùn tắc càng nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là để tránh vướng vào tình huống ùn tắc, nhiều người đã cố tình băng qua gác chắn đường sắt trong lúc tàu sắp lao đến...


Tiến Hiếu