08:23 20/08/2013

Nối lại mạch nguồn làng nghề Hà Nội

Nối lại mạch nguồn giữa phố nghề Hà Nội với những làng nghề xưa, đó là cách làm hiệu quả của Hà Nội trong việc gìn giữ và tôn vinh những nghề thủ công truyền thống của Thủ đô...

Nối lại mạch nguồn giữa phố nghề Hà Nội với những làng nghề xưa, đó là cách làm hiệu quả của Hà Nội trong việc gìn giữ và tôn vinh những nghề thủ công truyền thống của Thủ đô...


Mai một nghề cũ


Cả dãy phố Tô Tịch nổi tiếng với nghề tiện xưa, nay chỉ còn duy nhất gia đình anh Lê Đình Thắng, ở số 7 - Tô Tịch, là còn theo nghề. Ngôi nhà nhỏ chỉ chừng 10 m2 chật kín những thanh gỗ để làm cửa trang trí, đồ thờ… Anh Thắng đang cặm cụi tiện những quả cầu trang trí hàng rào, do đơn vị nhà thầu thi công một công trình biệt thự Hà Nội, đặt hàng. Anh chia sẻ: "Để tiện 1 con gỗ tròn, đường kính 15 cm, phải mất cả ngày. Chính vì vậy, họ đặt hơn trăm bộ, nhưng tôi chỉ dám nhận làm khoảng chục bộ. Còn lại đưa về quê Nhị Khê cho anh em họ hàng làm. Thu nhập từ nghề tiện thấp nên cả phố Tô Tịch nay chuyển sang kinh doanh thương mại, bán đồ thủ công mỹ nghệ".

 

Anh Lê Đình Thắng đang tiện gỗ.

 

Cùng tâm tư "giữ nghề" như anh Thắng, ông Phạm Văn Quang, thợ chạm khắc khuôn gỗ ở phố Hàng Quạt (Hà Nội) trăn trở: Nghề truyền thống của phố cổ Hà Nội đã mai một đi rất nhiều rồi, sở dĩ còn một số nghề truyền thống còn tồn tại được trong khu phố cổ là do những người làm nghề vẫn tâm huyết với nghề.


Thời xa xưa, khu phố cổ Hà Nội tập trung rất nhiều nghề thủ công. Những người thợ thủ công tứ xứ đã mang những nghề độc đáo của địa phương mình lên Hà Nội làm ăn. Họ lập ra những phố riêng buôn bán sản phẩm của quê huơng mình. Những người thợ liên kết với nhau trong các phường, hội để giúp nhau trong cuộc sống cũng như trong việc giữ gìn nghề tổ. Chính từ đây, những người dân có thể là thợ thủ công kiêm thương nhân (vừa sản xuất theo kiểu gia công đặt hàng cho khách vừa bày bán một số hàng làm sẵn tại cửa hiệu). Đó là các thợ thêu làng Quất Động (Thường Tín), thợ tiện (làng Nhị Khê, Thường Tín), mây tre đan làng Phú Vinh (Chương Mỹ), làm mành làng Giới Tế (tỉnh Bắc Ninh), làm quạt làng Đào Xá (Hưng Yên), đúc đồng (làng Đại Bái), vàng bạc (làng Châu Khê, Hưng Yên)... Những phố nghề cũng hình thành từ đó, và đi vào tâm tưởng nhiều người như một nét duyên Hà Nội, với cái tên như phố Hàng Nón, Hàng Thiếc, Lò Rèn…


Cùng với thời gian, nhiều phố Hàng đã mất dần sản phẩm đặc trưng hoặc thay vào đó là các sản phẩm hoàn toàn mới để phù hợp với nhu cầu xã hội. Hầu như Hà Nội không còn phố nghề với tư cách vừa là nơi bán hàng vừa là nơi sản xuất...


Tìm lại sức sống từ nguồn cội


Ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng BQL phố cổ Hà Nội cho biết: Khu phố cổ Hà Nội có lịch sử hình thành và phát triển gắn với các nghề thủ công. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, một số nghề không còn phù hợp và mất dần. Để bảo tồn và quảng bá hình ảnh phố nghề - làng nghề, trong từng năm, BQL có kế hoạch giới thiệu lần lượt tới du khách các nghề thủ công truyền thống từng có ở phố cổ Hà Nội. Đầu năm nay, BQL đã giới thiệu nghề chạm trổ hàng bạc và trong tháng 8/2013 giới thiệu nghề tiện, mây tre đan và sơn mài. Cả 3 nghề này trước đây đều tồn tại trong khu phố cổ, nhưng hiện nay gần như đã không còn.


Không chỉ giới thiệu về nghề truyền thống của các khu phố Hàng, các hoạt động của BQL phố cổ còn góp phần quảng bá hình ảnh về sự liên kết phố nghề - làng nghề, với việc mời các làng nghề cùng tham dự trưng bày, cũng như mời các nghệ nhân của các làng nghề xung quanh Hà Nội, mà có quan hệ mật thiết với các phố nghề Hà Nội xưa, cùng góp mặt. Đây là một việc làm thực sự hiệu quả, bởi như ông Nguyễn Văn Trung, nghệ nhân mây tre đan huyện Chương Mỹ cho biết: "Từ thực tế kinh doanh mây tre tại làng nghề cho thấy, khâu yếu nhất là quảng bá và xây dựng thương hiệu. Do vậy, chúng tôi rất mong muốn qua triển lãm tại phố cổ sẽ quảng bá và phát triển du lịch làng nghề để tiêu thụ sản phẩm của làng nghề".


“Giữa những người làm nghề ở phố cổ Hà Nội với những làng nghề luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, chính vì vậy việc tổ chức những chương trình giới thiệu làng nghề - phố nghề rất hiệu quả, và đây cũng là cách để tìm lại nét duyên xưa của Hà Nội với những nghề thủ công truyền thống”, chị Thu Lan, đại diện BQL phố cổ Hà Nội cho biết.



Bài và ảnh: Xuân Minh