07:10 31/07/2019

Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần

Hưởng ứng phát động của UBND thành phố Hà Nội về "Chung tay hành động chống rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng", các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể và thiết thực để nói không với việc sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Chú thích ảnh
Hệ thống siêu thị Co.opmart hướng người dân sử dụng các sản phẩm thay thế cho nylon bằng túi giấy và túi môi trường do đơn vị sản xuất. Việc này đã được triển khai từ năm 2011. Ảnh: TTXVN

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, mỗi ngày lượng rác thải phát sinh trên địa bàn lên tới 6.000 tấn; trong đó, rác thải nhựa chiếm từ 8-10%, phát sinh chủ yếu trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng. Chủ yếu là rác thải bao bì ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần... Đây đều là sản phẩm nhựa thuộc loại khó và lâu phân hủy nhưng do thuận tiện trong sản xuất, tiêu dùng nên vẫn được sử dụng phổ biến.

Hà Nội có 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh... vẫn giữ thói quen sử dụng loại túi nilon khó phân hủy. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về rác thải túi ni lông và các sản phẩm từ nhựa trong hoạt động phân phối tiêu dùng nhưng điều này vẫn diễn ra phổ biến.  

Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và phân phối đã nỗ lực đưa ra các giải pháp để giảm thiểu rác thải nhựa. Đại diện Công ty TNHH Nhà nước MTV Bao bì 27-7 Hà Nội chia sẻ, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, công nghệ mới, đến nay đã chuyển đổi được 50% số thành phẩm sang loại bao bì thân thiện với môi trường gồm túi nhựa sử dụng nhiều lần và túi giấy để vừa xuất khẩu, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở thị trường trong nước. Đơn vị cam kết, đến năm 2020  đạt 100% sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp sản xuất bao bì, nhiều hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Vinmart, Big C, MM Mega Market, Lotte, Sài Gòn Co.opMart... đã chuyển sang sử dụng túi cuộn tự hủy, túi ni lông tự hủy sinh học thay thế túi nilon sử dụng một lần; đồng thời sử dụng các khay, hộp, đĩa, tô và một số vật dụng dùng trong sơ chế, chế biến thực phẩm làm từ bột ngô, bã mía, xơ dừa... để thay thế một phần vật dụng có nguồn gốc từ nhựa. Nhiều hệ thống còn sử dụng phương pháp bao gói rau, củ, quả bằng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên từ lá chuối, lá dong, lạt tre nứa, túi giấy... thay cho túi ni lông; ngừng kinh doanh sản phẩm ống hút nhựa, thay thế bằng các loại ống hút từ tre, bột gạo...

Những ngày gần đây, nhiều siêu thị đã triển khai thử nghiệm gói rau củ bằng lá chuối thay vì sử dụng túi ni lông. Việc làm này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ phía người tiêu dùng như hệ thống siêu thị Co.opmart.

Đại diện siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) cho biết, đây là cách làm thiết thực để siêu thị và người tiêu dùng cùng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống bởi lá chuối sẽ tự hủy sau khi chôn lấp. Hệ thống siêu thị LOTTE Mart cũng triển khai việc dùng lá chuối gói các loại rau củ thay cho túi ni lông. Còn hệ thống siêu thị Vinmart cũng cho biết đã có kế hoạch sử dụng lá chuối để gói một số mặt hàng thực phẩm.

Không chỉ riêng siêu thị, hệ thống cửa hàng kinh doanh rau sạch cũng từng bước áp dụng phương thức này. Đại diện cửa hàng Bác Tôm trên phố Nguyễn Công Trứ (Hà Nội) cho biết, thời gian tới, hệ thống này sẽ áp dụng đại trà lót lá chuối cho các mặt hàng rau củ. Hiện tại, doanh nghiệp đang tính toán lại chi phí đầu vào để tránh đội giá thành.

Hiện các siêu thị còn "đua nhau" sử dụng và phân phối sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường. Tổng Giám đốc LOTTE Mart Việt Nam Kang Min Ho cho biết, hệ thống LOTTE Mart đang bán các ống hút giấy, túi eco-green (loại có thể tái chế), vỏ hộp nhựa làm từ bã mía, trứng gà gói bằng bao bì giấy thay vì hộp nhựa thông thường.

Thời gian tới, LOTTE Mart sẽ bán thêm sản phẩm ống hút bằng bột gạo và toàn bộ đồ ăn chín được bán tại LOTTE Mart Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng sẽ được đựng trong hộp làm từ bã mía. Ông Kang Min Ho cho biết, mặc dù hộp đựng thức ăn chín làm từ bã mía tự nhiên, nhưng vẫn dùng hâm nóng thức ăn trực tiếp trong lò vi sóng hoặc cấp đông sản phẩm đến âm 40 độ C. Ngoài ra, sản phẩm còn có khả năng chứa nước nóng hoặc dầu ăn nóng trên 100 độ C mà không bị biến dạng hay thấm từ trong ra ngoài. Quan trọng hơn cả, đây là sản phẩm tự phân hủy sinh học khi chôn dưới đất trong vòng 45 ngày nên rất thân thiện môi trường.

Thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi ngày 2 đô thị lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh thải ra 80 tấn nhựa, ni lông. Nếu mỗi gia đình ở 2 thành phố này thay thế túi ni lông bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường thì lượng nilon xả ra môi trường sẽ giảm đáng kể. Việc các siêu thị sử dụng lá chuối và túi vi sinh phân hủy hoàn toàn để bao bọc thực phẩm là một trong số nhiều giải pháp bảo vệ môi trường.

Giám đốc phụ trách Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, hiện Co.op Mart đang trong quá trình thử nghiệm trên một số mặt hàng rau lá nên chưa đánh giá chi phí sử dụng lá chuối thay bao bì nhựa. Hệ thống siêu thị này đặt mục tiêu thay toàn bộ túi ni lông đựng rau củ, thịt cá tươi sống bằng các loại lá như lá chuối, lá sen và bao bì giấy hoặc bao bì làm từ bột ngô. Theo dự kiến, khi chuyển đổi bao bì thì giá sản phẩm sẽ tăng từ 10 - 15% nhưng Co.op Mart sẽ chịu toàn bộ chi phí này, không đưa vào giá thành nếu thị trường chấp nhận cách đóng gói mới.

Thực tế cho thấy, sau khi người tiêu dùng hưởng ứng việc siêu thị sử dụng lá chuối bao gói thực phẩm, một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đã chuyển hướng dùng lá chuối gói sản phẩm. Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Hương Sơn Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, sản phẩm giò lụa, nem chua gói lá chuối theo phương pháp truyền thống là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp. Nhiều năm nay, giá lá chuối dùng vào sản xuất giò chả khá ổn định, từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, thời gian tới việc nhiều doanh nghiệp chuyển đổi từ sử dụng màng bọc thực phẩm sang dùng lá chuối thì nguồn cung sẽ thiếu hụt, song doanh nghiệp sẽ không tăng giá bán bởi họ xem đó là một lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm giò chả sản xuất công nghiệp đóng gói bằng nhựa PE.

Theo Phó Giám đốc Co.op Food miền Bắc Phạm Thị Ngọc Lan, khi chuyển đổi từ túi ni lông và các sản phẩm nhựa truyền thống sang sản phẩm tự hủy, thân thiện với môi trường, doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều chi phí và công sức. Việc giảm thiểu rác thải nhựa không phải là phong trào nhất thời mà đang là xu hướng phát triển tất yếu, được cộng đồng ngày càng ủng hộ. Cùng với các giải pháp thay thế, cần tuyên truyền để khách hàng thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, khuyến khích khách hàng bằng cách tặng quà, chiết khấu khi đến mua sắm mà mang theo túi sử dụng nhiều lần.

Chú thích ảnh
Cửa hàng Eco Refill (Hà Nội) chuyên bán hàng tái chế và các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho vật dụng nhựa. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Việc các siêu thị tại Việt Nam chuyển đổi dùng lá chuối gói rau quả là một trong những giải pháp để giảm thiểu và ngừng sử dụng túi ni lông, góp phần thay đổi dần một thói quen gây hại cho môi trường của người dân.

Nam Giang (TTXVN)