10:15 16/10/2020

Nỗi khó xử ngoại giao của Đức với Vua Thái Lan

Những chuyến du lịch kéo dài của Nhà vua Thái Lan Vajiralongkorn tại xứ Bavaria đang gây ra "nỗi khó xử ngoại giao” với Chính phủ Đức của Thủ tướng A. Merkel.

Chú thích ảnh
Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun mang theo áo choàng trong một buổi lễ tại Bangkok hôm 9/10. Ảnh: EPA

Theo tờ Financial Times, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel ngỏ ý rằng Vua Maha Vajiralongkorn cần ngừng tiến hành các hoạt động nhà nước trên lãnh thổ Đức, trong một động thái can thiệp bất thường xảy ra giữa thời điểm sinh viên trên khắp nước Thái đang xuống đường biểu tình phản đối chính quyền.

Từ lâu việc Vua Maha Vajiralongkorn dành phần lớn thời gian sống tại Đức sau khi lên ngôi lấy hiệu là Rama X vào năm 2019, đã trở thành một bí mật mở. Truyền thông Đức đưa tin ông nghỉ cùng gia đình trong một khách sạn ở Garmisch-Partenkirchen, vùng núi Alps thuộc bang Bavaria.

Việc Vua Maha Vajiralongkorn sinh sống tại nước ngoài lúc này đang trở thành vấn đề được quan tâm đặc biệt của nền chính trị Thái Lan. Phong trào biểu tình do giới sinh viên dẫn đầu đã liên tục tổ chức các cuộc tuần hành kể từ tháng 7, phàn nàn việc Nhà Vua sống tại Đức.

Hôm 14/10, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr cho biết, Chính phủ Đức đã nhiều lần nhấn mạnh với Đại sứ Thái Lan tại Berlin rằng “các hoạt động đối ngoại cấp nhà nước không nên được tiến hành từ lãnh thổ Đức”. “Chúng tôi đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình”, bà Adebahr khẳng định.

Chú thích ảnh
Một khách sạn được cho là nơi Nhà Vua Thái Lan nghỉ tại Bavaria, Đức. Ảnh: EPA

Trong năm nay, Vua Maha Vajiralongkorn chỉ về Thái Lan trong những chuyến thăm ngắn ngày. Tuy nhiên, chuyến trở về quê hương hôm 9/10 vừa qua của ông được người Thái mong đợi sẽ diễn ra lâu hơn. Trường Đại học Thammasat tiết lộ Nhà Vua và Hoàng hậu Suthida sẽ tham dự lễ tốt nghiệp tại trường vào cuối tháng 10 này.

Cuối tuần trước, khi được hỏi Đức sẽ phản ứng ra sao với việc Nhà Vua Thái Lan tham gia việc chính trường trong nước từ đất Đức, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết: “Chúng tôi sẽ luôn phản đối rõ ràng nỗ lực của các vị khách nhằm tiến hành các hoạt động nhà nước từ đất nước chúng tôi”.

Đây là lời đáp của Ngoại trưởng Maas trước câu hỏi từ nghị sĩ đảng Xanh Frithjof Schmidt, người chất vấn việc Chính phủ Đức từ nhiều tháng qua đã cho phép Nhà vua Vajiralongkorn tham gia các hoạt động chính trị nội địa Thái Lan từ Bavaria.

Ông Schmidt lấy ví dụ về vai trò của Nhà Vua trong việc ngăn cản chị gái của ông là Công chúa Ubolratana Rajakanya tranh cử với tư cách ứng cử viên của đảng Thai Raksa Chart. Công chúa Rajakanya đã bị loại ngay trước cuộc bầu cử vào ngày 24/3/2020.

Chú thích ảnh
Nhà Vua MahaVajiralongkorn và Hoàng hậu Suthika trong lễ lên ngôi vào tháng 5/2019. Ảnh: AP

Trong khi đó, ở trong nước Thái, giới truyền thông và Hoàng gia hiếm khi đề cập đến chuyện ăn ở của Nhà Vua ở nước ngoài vì nguy cơ vi phạm luật bảo vệ Hoàng gia khỏi những chỉ trích.

Tuy nhiên, giọng điệu của giới truyền thông đã bớt cẩn trọng hơn khi phong trào biểu tình sinh viên đang tăng tốc. Những người biểu tình kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức và xóa bỏ bản hiến pháp do quân đội soạn thảo.

Hôm 14-10, hàng chục ngàn người đã tham gia biểu tình ở Bangkok. Một số người biểu tình cản trở xe chở Hoàng hậu Thái Lan Suthida. Trước đó một ngày, người biểu tình cũng la ó đoàn xe của Nhà Vua Thái Lan ở Bangkok.

Chú thích ảnh
Cảnh sát chống bạo động Thái Lan tại chốt chặn sau cuộc đụng độ với người biểu tình ở Bangkok ngày 15/10. Ảnh: Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Adebahr cho biết, nhà chức trách Thái Lan đã đảm bảo với Berlin rằng “chỉ có thủ tướng điều hành các hoạt động chính phủ, và Nhà Vua Thái Lan, người đứng đầu nền quân chủ lập hiến của Thái Lan, sống ở Đức với tư cách cá nhân”.

Tuy nhiên, “nếu như có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Nhà Vua thực sự tiến hành các hoạt động chính quyền từ đây, và điều đó đòi hỏi phản ứng từ chúng tôi, lúc đó chúng tôi sẽ phải đánh giá tình hình”, bà Adebahr nói thêm.

Trong khi đó, Nghị sĩ đảng Xanh Schmidt còn chất vấn Ngoại trưởng Mass liệu chính phủ Đức có thúc đẩy đóng băng các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa Thái Lan và EU liên quan đến tình hình nước này. Các cuộc đàm phán đã bị đình lại sau cuộc đảo chính năm 2014, nhưng được khôi phục vào tháng 7 năm ngoái sau khi chính phủ mới nhậm chức tại Thái Lan. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trả lời: “Trên thực tế tôi coi đó là một lựa chọn mà EU nên để ngỏ”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Financial Times)