06:10 26/06/2012

Nơi “khai sinh” những tấm huy chương Thế vận hội 2012

Những tấm huy chương vàng sắp được trao tại Thế vận hội Mùa hè London ra đời từ 350 tấn quặng khai thác tại khu mỏ kim loại khổng lồ ở Utah, Mỹ. Đây là những huy chương Olympic nặng nhất và lớn nhất trong lịch sử, mỗi tấm dày 7mm, đường kính 85mm và nặng 400gram.

Những tấm huy chương vàng sắp được trao tại Thế vận hội Mùa hè London ra đời từ 350 tấn quặng khai thác tại khu mỏ kim loại khổng lồ ở Utah, Mỹ. Ẩn trong đống đá vỡ lộn xộn đó là dấu vết của đồng, bạc và vàng.

Huy chương Thế vận hội 2012 được thiết kế bởi họa sĩ người Anh, David Watkins.

Chỉ trong khoảng thời gian một tháng, số huy chương được tạo ra từ những kim loại khai thác ở Utah này sẽ phân biệt ngôi thứ của những người chiến thắng, ai nhanh nhất, ai mạnh nhất hành tinh, khi hàng ngàn vận động viên từ khắp nơi trên thế giới tranh tài tại Olympic London 2012.

 

Nằm trong vùng núi non hoang mạc Utah, trên rìa thành phố Salt Lake City và miền bình nguyên hoang vắng của nó, là nơi những tấm huy chương Olympic “chào đời”.

 

Từ khu mỏ lộ thiên lớn đến mức có thể quan sát thấy từ trên vũ trụ, những chiếc xe thùng chở quặng, lừng lững tiến ra, đánh dấu điểm khởi đầu của một hành trình dài nhằm tạo ra những chiếc huy chương vàng, bạc, đồng cho Thế vận hội. 

 

Để làm ra chỉ một chiếc huy chương vàng cũng mất gần như toàn bộ số quặng từ một trong những chiếc xe tải khổng lồ này. Ngoài ra, là một xe đầy đá thải nữa đã được loại trước khi có đủ chỗ quặng cần thiết cho mỗi chiếc huy chương. Với 4.700 chiếc huy chương sắp được trao tại Olympic và Paralympic (Thế vận hội cho người khuyết tật) năm nay, việc khai thác đủ kim loại để chế tạo ra chúng là một khối lượng công việc khổng lồ.

Mỏ đồng Kennecott của Rio Tinto ở Utah, Mỹ.

Đứng bên rìa chiếc hố khổng lồ, sâu 1,2 km và rộng gần 5km, ông Matt Lengerich, tổng giám đốc điều hành mỏ đồng Bingham Valley cho biết: “Đây mới chỉ là giai đoạn khỏi đầu của quy trình tạo ra những gì mà các vận động viên sẽ đua tranh tại London. Chúng tôi đã gửi số kim loại trị giá 7,3 triệu USD tới Anh để phục vụ Thế vận hội, và đó là công sức của 2.000 người”.

 

Khu mỏ lộ thiên này là hố đào nhân tạo lớn nhất trên thế giới. Nhìn từ xa, những chiếc xe tải, với bánh xe cao gấp hai lần một người lớn, trông quá nhỏ bé so với kích thước khổng lồ của bức vách sâu hun hút trong lòng mỏ.

 

Công ty khai khoáng Rio Tinto, có trụ sở tại London, là chủ sở hữu mỏ Bingham Valley. Họ đã cung cấp 8 tấn đồng, bạc và vàng để làm huy chương. Hầu hết số kim loại này đến từ thung lũng Bingham và khoảng 1% đến từ một mỏ của Rio Tinto ở Mông Cổ.

 

Quặng được khai thác từ mỏ bằng cách sử dụng thuốc nổ và các máy đào. Đá phế thải được đổ vào sâu hơn trong thung lũng, tạo thành những dãy núi đá mới, che khuất cả đường chân trời khi nhìn từ Salt Lake City.

Tài xế Rio Greene bên chiếc xe khủng chở quặng.

Quặng được ép thành những viên đá có kích thước tương đương quả bóng rổ trước khi được chuyển qua hệ thống băng tải dài tới 8 km xuyên qua một đường hầm trong núi để tới nhà máy xử lý, nơi chúng được tán thành bột trong những chiếc máy quay khổng lồ.

 

Bột quặng trộn với hóa chất rồi được bơm vào thùng khuấy, có van cấp không khí, để tạo bọt. Lớp bọt khoáng hóa (chứa kim loại được giải phóng từ quặng) sẽ hình thành trên mặt thoáng của bùn quặng, rồi được gạt và thu hồi. Hỗn hợp này sau đó được đưa tới lò nấu kim loại. Ở nhiệt độ 1.371 độ C, hỗn hợp kim loại bị tan chảy và được rót vào các khuôn để tạo ra những đĩa tròn lớn, dày hơn 5cm.

 

Đĩa hợp kim lại được chuyển tới nhà máy tinh chế, tại đây người ta đưa chúng vào các bồn chứa axit sunphuric. Một luồng điện sẽ làm đồng tách ra khỏi kim loại khác còn lại trong đĩa, gồm vàng, bạc, chì và thạch tín. 

 

Hỗn hợp kim loại quý còn lại được đưa đi phân tách và nấu chảy. Vàng và bạc được rót vào khuôn dạng thanh, trước khi vận chuyển đi cùng với những mẩu đồng, để tới Anh. Tại đây, chúng được nấu chảy một lần nữa, rồi đúc thành các đĩa trơn và được chuyển tới Xưởng đúc tiền Hoàng gia (Royal Mint).

 

Huy chương Olympic 2012 là những huy chương nặng nhất và lớn nhất từng được đúc, mỗi tấm dày 7mm, đường kính 85mm và nặng 400gram. Thay vì làm bằng vàng nguyên chất, huy chương vàng được làm chủ yếu bằng bạc, được mạ bằng ít nhất là 1/5 ounce vàng, trong khi huy chương bạc thì làm chủ yếu bằng bạc và một lượng nhỏ đồng; huy chương đồng thì làm từ đồng, thiếc và kẽm.

 

Theo thống kê, số vàng được sử dụng để làm huy chương cho Olympic và Paralympic có trị giá trên 1,2 triệu bảng Anh và lượng bạc có trị giá 3,4 triệu bảng.

 

Xưởng đúc tiền Hoàng gia sẽ dập bản thiết kế cuối cùng của David Watkins lên đó, với một mặt là hình nữ thần chiến thắng Nike trong thần thoại Hy Lạp, còn mặt kia là logo của Olympic London 2012 với dòng sông Thames ở hậu cảnh. Ông Fergus Feely, giám đốc chương trình in huy chương tại Royal Mint cho biết: “Có hơn 22 giai đoạn mà một huy chương chiến thắng phải trải qua sau khi chúng tôi nhận được những chiếc đĩa kim loại trơn. Để làm mỗi chiếc huy chương phải mất tới trên 10 giờ đồng hồ”.

 

Ủy ban tổ chức Thế vận hội London 2012 đã chọn Rio Tinto làm nhà cung cấp kim loại để chế tạo huy chương như một phần trong cam kết biến London 2012 thành Thế vận hội “xanh nhất” trong lịch sử. Nhưng các nhà chỉ trích cho rằng, Rio Tinto còn lâu mới đạt được tiêu chuẩn “xanh”. Các bác sĩ và nhà hoạt động ở Utah cho biết, hoạt động khai thác mỏ của công ty này đã gây nhiều ô nhiễm và dẫn đến hàng trăm trường hợp trẻ chết non trước khi sinh mỗi năm. 

Giám đốc mỏ Kennecott, Matt Lengerich khoe tấm huy chương vàng Thế vận hội tại nơi mà nó được khai sinh.

Tuy vậy, với những người công nhân tại đây, chuyện đó không ảnh hưởng gì tới niềm tự hào của họ khi được là một phần quan trọng trong lịch sử Thế vận hội. Ông Lee Hutson, 64 tuổi, một trưởng máy kỳ cựu, đã được Rio Tinto chọn là một trong bốn nhân viên của mỏ tham dự Olympic để chứng kiến thành quả lao động của họ cuối cùng được trao cho các vận động viên ở London. “Đây là một đặc ân và tôi rất vinh dự đóng góp một phần nhỏ trong những tấm huy chương Thế vận hội”, ông Hutson nói.

 

Hàng ngàn tấm huy chương hiện đang được bảo quản ở một nơi an ninh chặt chẽ trước giờ tranh tài, và chắc chắn một phần trong đó sẽ quay trở lại đất Mỹ cùng với đoàn VĐV xứ cờ hoa.

 

 

Thu Hằng(Theo Telegraph)