02:10 18/02/2011

Nơi gặp gỡ những “tấm lòng thơ” VN

Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm đã trở thành nét đẹp văn hóa, ngày hội đầy mong đợi của công chúng, đặc biệt là của giới văn nghệ sĩ cả nước mỗi độ xuân về.

Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm đã trở thành nét đẹp văn hóa, ngày hội đầy mong đợi của công chúng, đặc biệt là của giới văn nghệ sĩ cả nước mỗi độ xuân về. Năm nay, Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức với nhiều nét mới nên càng thu hút đông đảo nhà thơ và những người yêu thơ.

Rực rỡ sắc màu và cảm xúc

Ngay từ sáng sớm 17/2 (Rằm tháng Giêng năm Tân Mão), khuôn viên Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đông nghịt người. Không gian của Ngày Thơ trong Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở nên rực rỡ bởi hàng trăm chiếc đèn lồng đỏ chép những vần thơ bất hủ treo trước cửa Khuê Văn Các, những băng rôn có in những câu thơ của các nhà thơ nổi tiếng treo dọc hai bên đường vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đông đảo khách mời và người yêu thơ về dự Ngày Thơ Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Ngày Thơ Việt Nam năm nay gồm ba sân thơ chính: Sân thơ truyền thống, sân thơ hiện đại và sân thơ thiếu nhi những năm trước đây (chỉ có sân thơ chính và sân thơ trẻ). Đặc biệt, để kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (năm 1911) và 70 năm kể từ khi Bác đặt chân trở lại quê nhà (năm 1941), BTC đã tổ chức Lễ rước Đất lấy từ quê Bác, Lễ rước Nước lấy từ suối Lênin (Pắc Bó - Cao Bằng) về trưng bày.

Chủ đề về Bác Hồ cũng được chú trọng trong Ngày Thơ năm nay ở cả phần đọc, trình diễn và trưng bày thơ... Những bài thơ nổi tiếng viết về Bác Hồ đã được đọc, ngâm, vịnh và trình diễn bằng nhiều hình thức. Mở màn cho các hoạt động trình diễn thơ ở sân thơ truyền thống, người yêu thơ được nghe lại giọng đọc của nhà thơ Chế Lan Viên với bài thơ nổi tiếng “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”.

Màn thả thơ cũng chọn lọc những câu thơ hay về Bác để thả lên trời. Đến với hội thơ năm nay, những người yêu thơ Việt Nam còn được xem triển lãm thư pháp “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh, trưng bày “Nhật ký trong tù” bản tiếng Nga, Anh, Nhật, Bồ Đào Nha...

Một nét độc đáo của Ngày Thơ năm nay là sự xuất hiện của vườn tượng các văn nhân tại Văn Miếu, nơi mọi người có thể chiêm ngưỡng chân dung các nhà văn, nhà thơ được Giải thưởng Hồ Chí Minh như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Tô Hoài, nhà văn Hải Triều, nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Tố Hữu... Vườn tượng này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người.

Nhiều du khách còn tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm bên cạnh tượng của những nhà văn, nhà thơ mà mình yêu thích. Thiên Quang Tỉnh, nơi trưng bày thư pháp thơ Hồ Chủ tịch bằng nhiều thứ tiếng như Nga, Anh, Bồ Đào Nha, Nhật, Trung Quốc, Tamil... trên nhiều chất liệu khác nhau đặc biệt thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Anh Daniel, du khách người Anh đã bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú khi thấy tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch bằng tiếng nước mình.

Ông Doãn Đình Cận, CLB thơ Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) vượt chặng đường vài chục cây số về đây để tham gia ngày hội thơ, chia sẻ: “Ngày Thơ Việt Nam là dịp để tôi cũng như những người yêu thơ khắp nơi về đây để gặp gỡ, giao lưu... Tôi thấy hội thơ năm nay có ý nghĩa lớn, nhất là việc BTC đã đưa được kỷ vật từ làng Sen, quê Bác, từ suối Lênin về để nhắc nhở con cháu truyền thống uống nước nhớ nguồn...”.

Khắp nơi tổ chức Ngày Thơ Việt Nam

Nơi gặp gỡ của những người yêu thơ.


Bên cạnh các hoạt động chính diễn ra tại Hà Nội, Ngày Thơ năm nay cũng được tổ chức long trọng tại làng Sen (Nghệ An) và bến cảng Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh) với nhiều hoạt động sôi nổi như công chiếu bộ phim về Bác Hồ "Vượt qua bến Thượng Hải"; dâng hoa, dâng hương, báo công với Bác tại Nhà tưởng niệm của Người ở Khu di tích Kim Liên; tổ chức lễ thả thơ; chương trình biểu diễn nghệ thuật, đọc và ngâm thơ, giao lưu nhà thơ với công chúng... Lần đầu tiên, một đêm thơ hoành tráng được tổ chức tại Bến Nhà Rồng, nơi cách đây 100 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bước lên tàu, bắt đầu hành trình gian khổ tìm đường cứu nước.

Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam. Tại Quảng Ngãi, sáng qua, Hội Văn học nghệ thuật và Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi phối hợp tổ chức Ngày Thơ Việt Nam với chủ đề “Những dòng sông quê hương”, tôn vinh giá trị của thơ ca. Công chúng yêu thơ được thưởng thức hơn 50 tác phẩm của các nhà thơ trong cả nước xoay quanh chủ đề những dòng sông quê hương “Tổ quốc - Mẹ và dòng sông”.

Còn “Thơ ca mừng Đảng, mừng xuân” là chủ đề của "Ngày Thơ Việt Nam lần thứ IX" của giới văn học nghệ thuật Nam Định. Năm nay, người yêu thơ Thành Nam được giới thiệu bộ sưu tập thơ tự chọn của nhiều tác giả trong, ngoài tỉnh; được nghe, xem các nghệ sỹ đọc, ngâm thơ và diễn thơ...

Bên cạnh hoạt động triển lãm thi ca tiêu biểu các thời kỳ, công chúng yêu thơ Nam Định còn được chứng kiến màn thả bóng thơ khá đẹp mắt và chiêm ngưỡng những nét tài hoa của các nhà thơ - họa sỹ trong phần triển lãm tranh chữ; được tham gia vào chiếu hát ca trù mừng Đảng, mừng xuân; tham dự vào hội thi viết thơ nhanh, hái hoa dân chủ ứng khẩu bằng thơ...

Có thể nói, Ngày Thơ Việt Nam đã thực sự trở thành một lễ hội văn hóa có sức lan tỏa rộng khắp, lắng đọng trong tâm hồn mỗi con người.

Phương Lan - TTN