07:16 12/07/2016

Nỗi đau nhức nhối

Ẩn sau bức màn đa văn hóa ở Mỹ bao năm qua vẫn âm ỉ tình trạng phân biệt sắc tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của những người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi.

Biểu tình tại thành phố New York, phản đối cảnh sát bắn chết người da màu. Ảnh: AFP/TTXVN

Hơn 50 năm sau ngày nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr. có bài diễn văn nổi tiếng “ Tôi có một ước mơ ” nói lên khát khao cháy bỏng về một tương lai mà ở đó người da đen và người da trắng được đối xử bình đẳng và chung sống hòa thuận, nạn phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề nhức nhối trong lòng nước Mỹ.

Mỹ là quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa. Tuy nhiên, ẩn sau bức màn đa văn hóa đó bao năm qua vẫn âm ỉ tình trạng phân biệt sắc tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của những người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, tình trạng phân biệt đối xử của các nhân viên thực thi pháp luật da trắng với công dân da màu. Các vụ việc liên tiếp xảy ra gần đây với mức độ nguy hiểm đã gióng lên hồi chuông báo động về nạn phân biệt chủng tộc có xu hướng gia tăng ở Mỹ.

Tháng 11/2014, làn sóng bạo lực bùng phát dữ dội tại thị trấn Ferguson của tiểu bang Missouri sau khi bồi thẩm đoàn tuyên trắng án cho một sĩ quan cảnh sát da trắng bắn chết thanh niên da màu Michael Brown. Tháng 4/2015, nhà chức trách Mỹ đã phải triển khai Vệ binh Quốc gia và ban bố lệnh giới nghiêm tại thành phố Baltimore thuộc bang Maryland sau cái chết của công dân Mỹ gốc Phi Freddie Gray trong lúc bị cảnh sát giam giữ. Và mới đây nhất, nước Mỹ một lần nữa lại rúng động bởi làn sóng biểu tình dữ dội tại hơn 10 thành phố để phản đối việc 2 công dân da màu bị cảnh sát bắn chết ở bang Minnesota và Louisiana.

Ngược dòng lịch sử cách đây hơn 300 năm, những người gốc Phi đầu tiên đặt chân tới “xứ cờ hoa” trên các chuyến tàu buôn nô lệ. Tuy chế độ chiếm hữu nô lệ được xóa bỏ tại Mỹ vào năm 1862 sau khi Tổng thống Abraham Lincoln đề xuất bản “Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ”, song hàng trăm năm sau, những người Mỹ gốc Phi vẫn bị đối xử một cách bất công và đầy miệt thị bởi những người da trắng. Đối với nhiều người da trắng, công dân da màu bị coi là tầng lớp thấp kém về đạo đức và trí tuệ trong xã hội Mỹ. Tại nhiều tiểu bang, người Mỹ gốc Phi bị hạn chế các quyền con người cơ bản và không được hưởng quyền công dân một cách đầy đủ, trong đó có quyền bầu cử. Các kết quả điều tra xã hội năm 2015 cho thấy biểu đồ phân bổ nhân lực của người da màu tại Mỹ hiện nay ở dạng hình nón, tức là càng lên các vị trí quan trọng như giám đốc điều hành các tập đoàn lớn hay quan chức cấp cao trong chính phủ thì càng ít người da đen.

Có một thực tế không thể phủ nhận là trong hàng chục năm qua, cộng đồng người da màu đã có những đóng góp quan trọng cho một nước Mỹ siêu cường và không ít người Mỹ gốc Phi thành công rực rỡ trên nhiều lĩnh vực từ văn học-nghệ thuật, thể thao, cho tới kinh tế-chính trị, chẳng hạn như “ông hoàng” nhạc pop Michael Jackson, diva lừng danh Whitney Houston, huyền thoại quyền anh Muhammad Ali, nhà văn nổi tiếng Toni Morrison, cựu Ngoại trưởng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Colin Powell.

Thậm chí, nhiều người từng hy vọng vào một chương mới cho cộng đồng người da màu tại Mỹ sau khi Thượng nghị sĩ Barack Obama trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của nước này vào năm 2008. Tuy nhiên, sự thành công của một số công dân da màu chỉ là những chấm sáng hiếm hoi trong bức tranh chung của nước Mỹ. Trên thực tế, công dân da màu chiếm tới hơn 40% số tù nhân tại Mỹ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của cộng đồng người Mỹ gốc Phi luôn ở mức khoảng 10% và tỷ lệ phạm tội bao giờ cũng cao hơn so với các sắc tộc thiểu số khác. Trong 5 năm qua, khoảng 2 triệu người da đen đã vượt qua ngưỡng nghèo tại Mỹ, song tỷ lệ người nghèo vẫn ở mức trên 20% và người Mỹ gốc Phi là cộng đồng hưởng trợ cấp xã hội nhiều nhất ở nước này.

Gần 8 năm sau khi nước Mỹ có tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ đã có những điều chỉnh chính sách nhằm hạn chế nạn phân biệt sắc tộc, như tăng số lượng nhân viên da đen trong các lực lượng thực thi pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng về đối xử giữa người da trắng và người da màu.

Theo kết quả khảo sát của Gallup, có tới 49% người Mỹ cho rằng hệ thống luật pháp đang có xu hướng chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Phi và 67% người da màu tin rằng họ không được đối xử công bằng như người da trắng trong các vụ việc có liên quan tới cảnh sát. Các “điểm nóng” bạo động Ferguson, Baltimore hay Dallas mới đây đều bắt nguồn từ việc cảnh sát bắn chết người da đen. Hiến pháp Mỹ cho phép công dân sở hữu súng và nhiều người Mỹ gốc Phi coi việc mang theo súng như một minh chứng cho văn hóa súng đạn của người Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến lực lượng thực thi pháp luật tại Mỹ thường có xu hướng hành động quá mạnh tay đối với các công dân da màu. Nhiều cảnh sát đã không ngần ngại nói rằng họ thường lo sợ nếu không nổ súng thì nguy cơ bị bắn là rất cao.

Phong trào Dân quyền và Phong trào sức mạnh da đen giai đoạn 1954-1975 đã mở ra một chương mới cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi nói riêng và các cộng đồng người Mỹ thuộc những nền văn hoá khác nhau nói chung. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn còn rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề bình đẳng xã hội tại Mỹ khi nỗi ám ảnh chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn đang len lỏi trong mọi mặt của đời sống xã hội. Vì thế, nước Mỹ cần có những chính sách và hành động quyết liệt để ước mơ của Martin Luther King không chỉ mãi là ước mơ.

Thanh Tuấn (P/v TTXVN tại Washington)