05:08 03/05/2016

Nỗi đau mang tên “những đứa trẻ bị bỏ lại”

Tháng 6/2015, bốn anh em ruột “bị bỏ lại” ở tỉnh Quý Châu đã cùng uống thuốc trừ sâu tự tử. Trước đó, tháng 1/2014, một cậu bé 9 tuổi ở tỉnh An Huy treo cổ tự tử khi biết rằng mẹ mình sẽ không về quê ăn Tết Âm lịch. Những tin tức đau lòng như thế này thỉnh thoảng lại xuất hiện trên truyền thông Trung Quốc, làm dấy lên hồi chuông báo động tại nước này về tình trạng những đứa trẻ bị bỏ lại vì cha mẹ chúng phải bỏ làng lên phố kiếm “miếng cơm manh áo”, dẫn đến kết cục đau lòng.

“Thế hệ bị bỏ lại”

Thực trạng về những đứa trẻ thường được gọi là “những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau” đã khiến chính phủ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không thể làm ngơ thêm được nữa. Theo tờ Thời báo New York, Chính phủ Trung Quốc ngày 29/3 tuyên bố lần đầu tiên tiến hành một cuộc điều tra toàn quốc về tình trạng này, để tìm ra chính sách phù hợp và cải thiện cuộc sống của trẻ em ở nông thôn. Trước đó, hồi tháng 2, Chính phủ Trung Quốc ban hành tài liệu về việc tăng cường bảo vệ và chăm sóc “những đứa trẻ bị bỏ lại” và đề xuất cải cách luật pháp, quy định,… liên quan đến vấn đề này.

Những đứa trẻ bị bỏ lại ở các làng quê Trung Quốc, thường được ông bà chăm sóc.

“Những đứa trẻ bị bỏ lại” không phải vấn đề mới ở Trung Quốc. Nó đã tồn tại nhiều thập kỷ qua gắn liền với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước này. Kể từ khi hoạt động kinh tế ở các tỉnh, thành phố lớn ở Trung Quốc phát triển từ giữa thập niên 1980 thế kỷ trước, người lao động ở nông thôn bắt đầu ùn ùn kéo ra thành phố tìm kiếm việc làm. Khảo sát thường niên về lao động di cư của Cục Thống kê quốc gia cho thấy có 274 triệu lao động từ nông thôn ra làm việc ở các thành phố trong năm 2014, chiếm 36% tổng lực lượng lao động của Trung Quốc (770 triệu người). Nhiều người lao động có con nhỏ và hầu hết không đưa được chúng theo, tạo ra một “thế hệ bị bỏ lại” ở Trung Quốc.

Hiện có khoảng 100 triệu trẻ em, chiếm 30% trẻ em dưới 18 tuổi ở Trung Quốc có cha mẹ là lao động di cư.

Chị mang theo em tới lớp học vì không có ai trông.

Theo nghiên cứu, hiện có khoảng hơn 61 triệu trẻ em (dưới 17 tuổi), tương đương với 1/5 trẻ em tại nước này, thuộc dạng “bị bỏ lại”. Ở một số tỉnh lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm Tứ Xuyên và Giang Tô, hơn một nửa số trẻ em ở nông thôn đã bị bỏ lại. Chỉ hơn một nửa trong số 61 triệu trẻ em này sống cùng cha hoặc mẹ trong khi người còn lại đi xa làm việc; 29 triệu trẻ khác bị bỏ lại với sự chăm sóc của những người khác. Hầu hết những người chăm sóc là ông bà, trong khi có khoảng 6 triệu trẻ em được những người họ hàng thân thích hay Nhà nước quản lý (con số này bao gồm trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật bị bỏ rơi). Kém may mắn hơn, khoảng 2 triệu trẻ em bị bỏ mặc không ai chăm sóc.

Không phải tất cả các bậc cha mẹ lên thành phố tìm việc làm bỏ lại con mình ở quê nhà. Theo Economist, số liệu năm 2010 cho thấy 36 triệu trẻ em đã lên thành phố sống với cha mẹ. Nhưng điều này cũng nảy sinh những vấn đề khác. Do những quy định hà khắc về hộ khẩu, hệ thống đăng ký, hầu hết người di cư không thể thay đổi đăng ký hộ gia đình mỗi khi chuyển tới nơi ở mới. Những đứa trẻ theo bố mẹ lên thành phố sống không xin học được ở trường công, hay khám bác sĩ ở bệnh viện công tại nơi ở mới.

Thêm nữa, những ông bố bà mẹ quanh năm “đầu tắt mặt tối” mưu sinh cũng không thể thường xuyên trông coi con mình. Không có ông bà, nhà trường quản lý, những đứa trẻ di cư theo cha mẹ rất có thể cũng giống như những đứa trẻ bị bỏ lại ở nông thôn.

Tang Yuwen là một cậu bé 12 tuổi “bị bỏ lại” sống ở huyện Sixian, tỉnh Tứ Xuyên cùng bà, em trai và hai em họ. Trò chuyện với BBC, cha mẹ của Yuwen là ông Tang Yujun và bà Liu Ting đã không gặp con 5 tháng tỏ ra lo lắng. “Vì không ở cùng cháu nên tôi lo cho sự an toàn của thằng bé. Nếu không có những rào cản pháp lý, chúng tôi sẽ đưa cháu tới đây sống cùng”, bà Liu nói.

Giá đắt cho sự phát triển

Kinh tế phát triển nhanh chóng cũng đồng nghĩa với những vấn đề đáng lo ngại nảy sinh trong xã hội. Tuy nhiên, chi phí cho sự phát triển này của Trung Quốc đang trở nên quá đắt đỏ.

Nghiên cứu của một tổ chức phi chính phủ, có tên “Dự án con đường tới trường”, ước tính 10 triệu trẻ em “bị bỏ lại” không được gặp cha mẹ dù chỉ một lần mỗi năm và 3 triệu trẻ không nhận được cuộc gọi nào trong một năm. Khoảng 30% trẻ bị bỏ lại gặp cha mẹ chúng chỉ một hay hai lần một năm, thường là vào dịp đầu năm mới ở Trung Quốc.

Trở lại với cảnh tượng thương tâm ở thị trấn Bijie, tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc. Bốn anh em, lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất mới 5 tuổi, bị bỏ mặc không chốn nương tựa từ khi mẹ bỏ đi còn cha lên thành phố kiếm việc. Trước khi cùng các em tự kết thúc cuộc đời bằng thuốc trừ sâu, cậu bé 13 tuổi đã để lại mẩu giấy mà bất cứ ai đọc được đều cảm thấy thắt lòng: “Đã đến lúc con đi. Cái chết đã là ước mơ của con nhiều năm qua”. Theo Tân Hoa xã, những đứa trẻ này được cho là đã bỏ học trước khi làm chuyện dại dột một tháng, và thức ăn duy nhất của lũ trẻ là ngô, thịt hộp.

Trước đó 3 năm, làn sóng phản đối mạnh mẽ bùng phát ở Bijie sau vụ 5 đứa trẻ tử vong do ngộ độc carbon monoxide sau khi trèo vào thùng rác bên đường và đốt than để giữ ấm. Một loạt trường hợp lạm dụng tình dục liên quan đến trẻ em “bị bỏ lại” ở Trung Quốc cũng đã gây sốc dư luận. Theo Economist, tại Bijie, hai hoặc nhiều trẻ bị bỏ lại được phát hiện đã chết hồi tháng 8/2015. Trong đó một em được xác định là một bé gái khuyết tật 15 tuổi, đã liên tục bị hai người họ hàng cưỡng hiếp. Do sợ phát hiện, thủ phạm đã giết cô bé và cậu em trai 12 tuổi.

Một phân tích từ 47 nghiên cứu ở Trung Quốc trong năm qua ước tính rằng 25% trẻ em Trung Quốc bị lạm dụng về thể chất ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống. “Những đứa trẻ bị bỏ lại” nằm trong số những đối tượng dễ bị lạm dụng nhất.

Ngoài ra, hầu hết trẻ em bị bỏ lại sống trong cảm giác cô đơn. Tổ chức phi chính phủ Growing Home đã tiến hành khảo sát trong năm 2015 và phát hiện rằng trẻ “bị bỏ lại” sống khép kín hơn, cũng như dễ bị tổn thương hơn, có “khả năng cao bị lo âu và trầm cảm” hơn các bạn học. Nhiều em cho biết không nhớ cha mẹ trông như thế nào. Một số em thì nói không còn muốn nhìn thấy cha mẹ nữa.

Năm 2010, các chuyên gia tại Học viện Quân y ở Thượng Hải đã tiến hành nghiên cứu đối với hơn 600 trẻ em, trong đó một nửa là trẻ “bị bỏ lại”, ở 12 thôn của tỉnh Sơn Đông, Đông Bắc Trung Quốc. Sự khác biệt về tình trạng thể chất của những em nhỏ này là không đáng kể. Tuy vậy, thông qua một bảng câu hỏi tiêu chuẩn, sự khác biệt về kết quả học tập, tâm lý và xã hội, giữa các em khá rõ ràng. “Tác động tâm lý đối với trẻ bị bỏ lại là rất lớn. Những đứa trẻ sẽ có vấn đề lớn về giao tiếp. Trạng thái tinh thần và sự phát triển của chúng có thể bị ảnh hưởng”, Tong Xiao, Giám đốc Học viện trẻ em và thanh thiếu niên Trung Quốc, lập luận.

Economist nhận định những lao động di cư của Trung Quốc đang trì hoãn niềm vui hiện tại, là cuộc sống gia đình đầm ấm, cho niềm hy vọng về một cuộc sống tốt hơn sau này. Điều đó có thể khiến các thành phố lớn của Trung Quốc ngày một tăng trưởng về kinh tế, nhưng cũng làm cho các làng mạc của Trung Quốc ở trong tình trạng báo động khi chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, và những vết thương tinh thần của một “thế hệ bị bỏ lại”.

Hạnh Nhân (Tổng hợp)