04:14 10/04/2020

Nối dài những vòng tay ấm đẩy lùi dịch bệnh

Những ngày này, từ Thủ đô đến các tỉnh, thành đều xuất hiện những việc làm, nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng - được ví như những "những vòng tay ấm nối dài" với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) kiểm tra và tặng quà cho điểm kiểm soát y tế xã Tiên Dương. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn 3 của phòng, chống dịch COVID-19. Xuyên suốt trong 4 tháng vừa qua là tinh thần đồng lòng của cả dân tộc vượt qua dịch bệnh. Đặc biệt, sau Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tinh thần ấy được cộng hưởng và nhân lên mạnh mẽ. Người góp sức, người góp của, từ Thủ đô đến các tỉnh thành đều xuất hiện những việc làm, nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng được ví như những “những vòng tay ấm nối dài’’ với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2. 

Đi kèm với những thông tin vui trên báo chí về việc không có ca nhiễm mới, số bệnh nhân được chữa khỏi COVID-19 tăng là những thông tin về nghĩa đồng bào, tình dân tộc, nhường cơm sẻ áo. Đó là hình ảnh những cụ già, em nhỏ ủng hộ tiền tiết kiệm để chống dịch, là những suất ăn miễn phí được nhiều người chung tay tình nguyện cung cấp đến khu cách ly, đến các khu xóm trọ nghèo… Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, bằng những cách làm nhân văn, nghĩa cử ân tình và cao đẹp đã tặng khẩu trang, quần áo bảo hộ, nước sát khuẩn cho đội ngũ các y bác sĩ, chiến sĩ công an và những người đang thầm lặng ngày đêm nơi đầu chiến tuyến chống  dịch ở mọi vùng miền Tổ quốc.

Theo ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội), để phòng chống dịch trên địa bàn có hiệu quả, huyện đã thành lập 1.362 “cụm dân cư an toàn” theo tinh thần "4 tại chỗ". Địa phương đã kêu gọi sức dân, các tổ chức, cá nhân đóng góp vật chất, sức lực tham gia chống dịch.

Đến nay, toàn huyện huy động từ nguồn xã hội hóa ủng hộ được hơn 4 tỉ đồng tiền mặt. Ngoài ra, hiện vật gồm 60.500 khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn; 1.265 bộ quần áo bảo hộ y tế; 1.580 kg hóa chất Cloramin B loại 70%; cùng đồ ăn như mỳ tôm, trứng, hoa quả, nước uống được các nhà hảo tâm, nhân dân đóng góp, hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại các địa phương và cơ sở y tế. Đấy là chưa kể tinh thần trách nhiệm, thiện nguyện của một số bạn trẻ, người dân tình nguyện canh trực suốt đêm tại các điểm kiểm tra y tế để kịp thời phát hiện và ngăn chặn người có nguy cơ lây nhiễm dịch ra cộng đồng.

Với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, hỗ trợ tương thân tương ái cho những đối tượng nghèo thành thị bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, quận Ba Đình đã huy động các nguồn lực đóng góp những phần quà, xuất ăn phát miễn phí tại một số khu vực.

Riêng tại địa điểm 57 Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá (Ba Đình), trong 1 tiếng buổi sáng mỗi ngày, khoảng 300 suất ăn được phát tới tay người nghèo, người gặp khó khăn, người không có thu nhập. Việc làm cao đẹp này được thực hiện từ ngày 7 đến hết ngày 15/4. 

Ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, điểm tặng đồ ăn miễn phí cho các đối tượng nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đã được quận triển khai ra nhiều phường trên địa bàn. Cùng với đó, quận Ba Đình phát động phong trào toàn dân chung tay hỗ trợ các đối yếu thế gặp khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Thời gian qua, các phường trên địa bàn đã tặng hàng trăm suất quà, trị giá từ 500 nghìn đến 1,2 triệu đồng/suất. Ngoài ra, các phường còn tặng nhu yếu phẩm gồm gạo, mì tôm, trứng, bánh kẹo, rau... cho các gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn gặp khó khăn do dịch bệnh. Việc làm này góp phần giúp các hộ nghèo, người mất việc làm có thể duy trì sức khỏe để vượt qua thời điểm dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Điểm tặng thực phẩm hàng ngày của UBND phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Ảnh: TTXVN phát

Có thể thấy, cuộc chiến chống dịch đang được các cấp ngành, địa phương tập trung cao độ và cần một nguồn lực rất lớn. Do đó, ngoài nguồn ngân sách Nhà nước trên cơ sở dự phòng, tiết kiệm chi thường xuyên để chi cho công tác phòng, chống dịch, một nguồn lực xã hội hóa của cộng đồng sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách lúc này.

Mỗi đóng góp của người dân, hộ gia đình sẽ góp phần thắp lên ngọn lửa chiến thắng dịch bệnh. Cùng với những cơ quan tổ chức, tại Hà Nội trong lúc khó khăn, những tấm lòng vàng xuất hiện, rất đáng trân trọng. Có thể kể đến gia đình anh Phạm Đình Đạo, ở tổ 17A, phường Đức Giang (Long Biên) đã ủng hộ 50 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Với tình cảm chân thành và trách nhiệm xã hội, cụ Nguyễn Văn Tạ, 88 tuổi, thương binh hạng 4/4, tại xã Hùng Tiến (Mỹ Đức) và gia đình đã dành 2 triệu đồng từ mức trợ cấp hàng tháng cho thương binh để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Hình ảnh các bác sĩ thức trắng đêm lo cho người bệnh, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang ngày đêm canh gác, nhường chỗ, chuẩn bị từng bữa ăn, giấc ngủ cho người cách ly đã lay động nhiều con tim. Đây cũng là lý do mà cụ Nguyễn Thị Bí, 83 tuổi ở thôn Hòa Xá, xã Đồng Phú, (Mỹ Đức) đã tiết kiệm chi tiêu, vượt đường xá xa xôi đến cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội xin được ủng hộ 10 triệu đồng. Và còn nhiều nữa những tấm lòng vàng được ví như “những vòng tay ấm” tiếp thêm sức mạnh cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô cũng như cả nước.

Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đánh giá, những ngày qua, hình ảnh các cụ già dành dụm lương hưu, tiết kiệm chi tiêu, các em nhỏ dành tiền mừng tuổi, nhiều người dân, nhiều doanh nghiệp mặc dù đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do tác động của dịch nhưng vẫn tìm đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để quyên góp, ủng hộ đã thể hiện tinh thần quyết tâm chống dịch của toàn dân. Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được thể hiện bằng những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp này là cách tiếp thêm động lực cho những người ngày đêm căng mình nơi “tuyến đầu” vượt qua khó khăn. Tính đến ngày 9/4, thành phố Hà Nội đã huy động được gần 30 tỉ đồng từ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… đóng góp ủng hộ chống dịch COVID-19.

“Cuộc chiến chống dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài, mong muốn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp bằng tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình tiếp tục chung sức, đồng lòng và tích cực tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên tinh thần “ai có tiền góp tiền, ai có hiện vật góp hiện vật, ai có ý tưởng góp ý tưởng” để cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội bày tỏ.

Mạnh Khánh (TTXVN)