02:09 21/02/2013

Nơi ấy 'Xuân' chưa về

Hai năm đã trôi qua kể từ khi phong trào nổi .......loạn bùng phát tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, tạo ra cái gọi là “Mùa xuân Arập” làm rúng động thế giới... Những tưởng mùa xuân ấy sẽ mang lại sự ổn định và phồn thịnh cho các quốc gia này, thế nhưng...

Hai năm đã trôi qua kể từ khi phong trào nổi loạn bùng phát tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, tạo ra cái gọi là “Mùa xuân Arập” làm rúng động thế giới với sự sụp đổ của các chính phủ tại Tuynidi, Libi, Ai Cập... Những tưởng mùa xuân ấy sẽ mang lại sự ổn định và phồn thịnh cho các quốc gia này, thế nhưng “nổi loạn” và “cách mạng” là hoàn toàn khác nhau và vẫn chưa có một mùa xuân đích thực cho khu vực này.


Làn sóng nổi loạn lật đổ chính quyền hai năm trước vẫn chưa mang đến một "mùa xuân" thực sự cho các nước Arập ở Trung Đông và Bắc Phi.



Dù không phải là tâm điểm của “Mùa xuân Arập”, nhưng Libi nóng bỏng bởi chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây hỗ trợ lực lượng nổi loạn lật đổ chế độ cầm quyền cũ được họ cho là độc tài. Một chính phủ mới đã được dựng lên thông qua cuộc bầu cử mà truyền thông quốc tế tung hô là “dân chủ, minh bạch” được kỳ vọng sẽ sớm đưa Libi bình ổn trở lại, thế nhưng “bình yên” tới nay vẫn là một khái niệm xa vời.


Cách đây hai năm, các quốc gia phương Tây đã phải rút các cơ quan ngoại giao tại Libi và thúc giục người dân nhanh chóng rời khỏi quốc gia bất ổn này trước khi “khai hỏa” chiến dịch không kích. Hai năm sau, cũng những quốc gia này vừa qua lại kêu gọi công dân của mình sớm rời khỏi thành phố Benghazi - cái nôi của sự kiện mang tên "Cuộc cách mạng 17 tháng Hai" ấy - bởi bất ổn chưa được kiểm soát.


Còn tại cái nôi của “Mùa Xuân Arập” là Tuynidi, các cuộc biểu tình bạo lực và bãi công trên phạm vi cả nước những ngày đầu tháng 2/2013 là minh chứng cho thấy rằng “nổi loạn” lật đổ chính quyền năm ấy không phải là cuộc “cách mạng” vì lợi ích của người dân. Cũng vậy, tại Ai Cập - nơi được coi là tâm điểm vì là quốc gia lớn nhất trong thế giới Arập - lời cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nhà nước từ một lãnh đạo cao cấp đưa ra vào dịp kỷ niệm 2 năm nổ ra bạo loạn đã cho thấy thực tế chẳng được như mơ. Đâu đó tại Baranh, Yêmen hay Xyri, tình hình cũng chẳng khả quan hơn là mấy khi bạo lực, chết chóc vẫn lan tràn.


Hai năm đã trôi qua, câu hỏi lớn giờ đây là liệu một mùa Xuân thực sự đã về với các quốc gia Arập hay chưa? Thực tế những gì đang diễn ra ở các quốc gia nói trên là câu trả lời chính xác. Một cuộc cách mạng theo đúng nghĩa của nó sẽ mang lại sự ổn định và phồn thịnh. Phong trào nổi loạn tại các quốc gia này không thể được coi là các cuộc cách mạng bởi chúng phục vụ lợi ích cho một số nhóm nhất định và không loại trừ có sự giật dây, hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài.


Đến như một cơ quan phân tích uy tín của Mỹ là STRATFOR khi đánh giá về “Mùa Xuân Arập” cũng phải thừa nhận rằng “không phải tất cả các cuộc náo loạn trong dân chúng đều là cách mạng, không phải tất cả các cuộc cách mạng đều dân chủ và không phải tất cả các nền dân chủ đều mang lại tự do”. Và kết luận của STRATFOR rằng “Mùa Xuân Arập” năm ấy tới nay vẫn không mang lại những gì mà những người ủng hộ ở các nước phương Tây vẫn kỳ vọng chắc chắn không phải là không có lý do.


Lê Dương