10:17 05/10/2015

"Nobel ngược" 2015: Nhiều phát minh có tính ứng dụng cao

Lễ trao giải Ig Nobel lần thứ 25 diễn ra tại Đại học Harvard hồi tháng 9 vừa qua đã vinh danh những phát minh khoa học hài hước và bất ngờ, nhưng cũng có tính ứng dụng cao.


Dưới đây là những phát minh, nghiên cứu thú vị được trao giải:

Toán học: Lý giải vị vua đông con

Hoàng đế Moulay Ismael, vị vua đông con nhất lịch sử?

Liệu có khả năng và bằng cách nào mà Moulay Ismael, Hoàng đế triều đại Sharifian của Morocco, có thể sinh ra 888 người con trong giai đoạn 1697-1727?

Để giải đáp câu hỏi này, hai nhà khoa học Elisabet Oberzaucher và Karl Grammer đã xây dựng một chương trình mô phỏng trên máy tính, sử dụng thuật toán để xác định xem Hoàng đế Moulay Ismael phải quan hệ tình dục bao nhiêu lần một ngày mới có được 888 đứa trẻ. Kết quả bất ngờ cho thấy vị vua này hoàn toàn có thể có được số lượng con như vậy. 

Trong nghiên cứu “Trường hợp của Moulay Ismael – Thực tế hay tưởng tượng”, hai nhà khoa học ước tính rằng tinh trùng của vị hoàng đế đã thụ tinh với ít nhất 1-1,6 trứng trong ngày. Họ cho rằng tỷ lệ này nằm trong khả năng của một người đàn ông khỏe mạnh. Bộ đôi cũng xác định các biến đổi khác nhau như năng lực tinh trùng, tỷ lệ rụng trứng, số lượng những lần quan hệ, các hạn chế về xã hội và tinh thần.

Y học: Lợi ích của những nụ hôn

Một nụ hôn cháy bỏng có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng.

Giải thưởng “Nobel ngược” y học 2015 cho Bác sĩ Nhật Bản Hajeme Kimata  (Trung tâm Y khoa Kimata Hajime, Nhật Bản) và Jaroslava Durdiaková (Đại học Comenius, Slovakia) cùng các đồng sự khi khám phá ra những lợi ích, tác hại của những nụ hôn cháy bỏng và những hành động thân mật khác.

Nhóm nhà khoa học đã tiến hành các thử nghiệm với 90 đối tượng – 30 bệnh nhân chàm, 30 người bị dị ứng theo mùa và 30 người khỏe mạnh. Họ được xét nghiệm da và máu để đánh giá những triệu chứng dị ứng trước và sau khi hôn người yêu hay vợ/chồng trong 30 phút trong một căn phòng kín với tiếng nhạc du dương. Kết quả cho thấy những triệu ứng dị ứng đã “thuyên giảm” sau khi họ có nụ hôn cháy bỏng.

Y học chẩn đoán: Xác định viêm ruột thừa bằng cách đếm cơn đau khi lái xe qua gờ giảm tốc

Giải Ig Nobel Y học chẩn đoán đã về tay bác sĩ Diallah Karim thuộc bệnh viện Stoke Mandeville, Anh với phát minh xác định viêm ruột thừa bằng cách tính toán các cơn đau khi lái xe qua gờ giảm tốc trên đường.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm đối với 67 bệnh nhân lái xe đến bệnh viện. Qua các gờ giảm tốc, những bệnh nhân này có thể khóc vì đau, cũng có thể cười. Tiếng kêu vì đau được sử dụng để chẩn đoán viêm ruột thừa.

Sinh lý học và côn trùng học: Tìm điểm đau nhất do ong đốt


Michael Smith trên bục nhận giải.

Người được trao giải là Michael Smith, sinh viên Đại học Cornell, New York  - người đã để ong chích vào 25 vị trí khác nhau trên cơ thể mình.

Sau khi lặp lại thử nghiệm một số lần, Smith rút ra kết luận vị trí ít đau đớn nhất là hộp sọ, đầu ngón tay và bắp tay, trong khi chỗ đau nhất lỗ mũi, môi trên và dương vật. Trong đó, người có nghiên cứu "xả thân" này cho rằng bị ong đốt vào mũi là đau đớn nhất.

Hóa học: Làm sống lại quả trứng đã luộc

Giải thưởng được trao cho nhóm các nhà khoa học Australia, Callum Ormonde, Colin Raston cùng các cộng sự. Họ đã phát triển một thiết bị đặc biệt để thay đổi cấu trúc của các protein bên trong quả trứng nhằm đưa nó về trạng thái lỏng ban đầu.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã luộc chín kỹ lòng trắng của một quả trứng. Các protein của trứng đã tạo nếp gấp và tháo rời tự do. Sau đó, họ sử dụng năng lượng cơ khí từ một thiết bị xoáy lốc (VFD) để buộc các protein này tái gấp về hình dạng ban đầu. Khám phá này mở ra triển vọng cho ngành dược phẩm, tiết kiệm chi phí điều chế thuốc.

Sinh vật học: Gà có dáng đi khủng long


Giải thưởng thuộc về  các nhà khoa học Chile với phát minh nếu gắn cây gậy vào đuôi gà, chú gà sẽ có dáng đi của một… con khủng long.

Nhóm nghiên cứu đã gắn thêm một mảnh đuôi nhân tạo vào thân gà để xem điều gì sẽ xảy ra. Trọng lực của gà dịch chuyển về phía sau khiến chú gà dần di chuyển giống như khủng long theropod (khủng long đi bằng 2 chân).

Vật lý – Thời gian “giải quyết nỗi buồn” của động vật có vú trung bình kéo dài 21s


Voi cũng chỉ mất 21s để đi tiểu.

Giải thưởng này đã về tay nhóm nhà khoa học Đại học công nghệ George. Nhóm nghiên cứu đã xem xét thời gian đi tiểu ở các loài chuột, dê, bò, voi… để đi đến kết luận rằng hầu hết những động vật có vú có cân nặng trên 3kg có khoảng thời gian đi tiểu là 21s.

Họ đã sử dụng “phân tích video tốc độ cao và mô hình hóa các động lực chất lỏng liên quan tới việc đi tiểu” để đưa ra kết luận này.

Văn học: “Huh” tồn tại trong mọi ngôn ngữ của con người


Giải Ig  Nobel Văn học 2015 đã vinh danh 3 nhà ngôn ngữ học của Mỹ, Bỉ và Hà Lan, với phát hiện rằng từ “Huh?” (hở, hả, hử?) tồn tại trong mọi loại ngôn ngữ của con người.

Nhóm nghiên cứu đã lấy ví dụ 31 ngôn ngữ từ các họ ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới, và phát hiện rằng tất cả những ngôn ngữ này đều có từ “có âm và chức năng giống với ‘Huh’ của tiếng Anh”. Các nhà khoa học cho rằng thông thường, khi các từ ở các ngôn ngữ khác nhau có nghĩa tương đương, chúng sẽ được phát âm khác nhau. Nhưng “Huh?” là một ngoại lệ hiếm có.

Kinh tế: Trả thêm tiền cho cảnh sát từ chối nhận hối lộ


Giải thưởng thuộc về Sở cảnh sát Bangkok, Thái Lan với đề xuất trả thêm tiền thưởng cho các cảnh sát từ chối nhận hối lộ. Đề xuất này được Sở cảnh sát Bangkok đưa ra hồi tháng 10/2014 để đấu tranh chống lại việc nhận hối lộ trong giới cảnh sát giao thông.

Theo chính sách này, những cảnh sát từ chối nhận hối lộ sẽ được nhận khoản tiền thưởng lên tới 10.000 baht (khoảng hơn 6 triệu VNĐ). Tuy nhiên, chính sách đã bị chỉ trích nặng nề và bị rút lại chỉ 2 tuần sau khi thực hiện. Chỉ có 2 cảnh sát được nhận khoản thưởng 10.000 baht.

Quản lý: CEO thường trải qua biến cố như thảm họa động đất, sóng thần…

Giải thưởng thuộc về các nhà nghiên cứu Italy, Mỹ, Anh với phát hiện rằng lãnh đạo các doanh nghiệp thành công có đặc điểm chung là ham thích mạo hiểm. Các CEO này đã từng trải nghiệm thảm họa tự nhiên trong đời như động đất, sóng thần, nhưng không chịu hậu quả nghiêm trọng, nên luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tiến tới những mục tiêu lớn hơn.

HN