08:18 29/08/2018

'Nở rộ' nhiều cơ sở giáo dục chuyên biệt trẻ tự kỷ không giấy phép

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 10 trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ được cấp giấy phép nhưng với sự gia tăng nhanh số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ những năm gần đây đã “nở rộ” nhiều cơ sở giáo dục chuyên biệt không được cấp giấy phép.

Điều này khiến nhiều gia đình có trẻ tự kỷ tốn thời gian, công sức và nghiêm trọng hơn là làm lỡ “thời gian vàng” can thiệp của trẻ tự kỷ.

Chú thích ảnh
Trẻ em bị mắc chứng tự kỷ được vui chơi, khám phá thế giới qua hình ảnh. Ảnh minh họa: Lê Xuân/TTXVN

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề “Trẻ tự kỷ - vấn đề của gia đình hay xã hội” do Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29/8.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ - phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội nghị: "Mới đây, một phụ huynh phát hiện con bị tự kỷ từ lúc 2 tuổi. Sau khi được các bác sỹ kết luận trẻ mắc chứng tự kỷ, phụ huynh này đã tìm đến một cơ sở giáo dục có can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, do không gặp được hiệu trưởng, phụ huynh được người bảo vệ trường học lấy số điện thoại để liên lạc lại.

Ngày hôm sau, có hai người tự xưng là giáo viên của trường đến tận nhà nhận can thiệp cho cháu bé với chi phí 200.000 đồng mỗi ngày. Thế nhưng suốt 2 năm, cháu bé vẫn không có biến chuyển gì, thậm chí tình trạng ngày càng nặng hơn.

Điều này cho thấy chúng ta còn để phụ huynh có con tự kỷ “bơ vơ”, không biết ở đâu có thể can thiệp, ai là người có đủ khả năng giáo dục, can thiệp cho trẻ tự kỷ. Nếu trẻ tự kỷ không được can thiệp đúng nơi, đúng chỗ, đúng chuyên môn thì sẽ mất đi cơ hội can thiệp trong "giai đoạn vàng", còn phụ huynh tốn thời gian, công sức, tiền bạc".

Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ Ngô Xuân Điệp, Khoa Tâm lý học - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước sự gia tăng ngày càng nhiều của trẻ tự kỷ nhưng tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện chỉ có khoảng 10 cơ sở giáo dục trẻ chuyên biệt cho trẻ tự kỷ được cấp phép.

Một khảo sát của Khoa Tâm lý học cho thấy, có khoảng 70 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ tự kỷ mở ra trên địa bàn mà không hề có giấy phép, không có chuyên môn về giáo dục trẻ tự kỷ. Hậu quả là nhiều trẻ tự kỷ vào những cơ sở này một thời gian rồi phải chuyển đi chỗ khác vì không có sự chuyển biến, đồng nghĩa với việc trẻ bị vuột mất “thời gian vàng” để can thiệp.

“Cần có sự kiểm soát và chuẩn hóa hệ thống giáo dục, can thiệp đối với trẻ tự kỷ một cách chặt chẽ, bài bản hơn”, Tiến sỹ Ngô Xuân Điệp đề xuất.

Bức xúc vì từng phải đưa con đi qua nhiều cơ sở giáo dục chuyên biệt, chị Phạm Hồng Nhung - ngụ quận Bình Thạnh chia sẻ, chị và nhiều phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ khác gần như không có phương hướng, phải tự mò mẫm tìm kiếm các cơ sở giáo dục chuyên biệt cho con. Thực tế đã có nhiều phụ huynh tìm đến những cơ sở không có chuyên môn khiến vừa mất tiền, vừa tốn thời gian mà con không hề chuyển biến.

“Chúng tôi làm sao biết được cơ sở nào có phép, cơ sở nào không phép, khi con chúng tôi mắc tự kỷ, ai chỉ ở đâu hay là chúng tôi tới đó. Hãy giúp chúng tôi, hãy kiểm tra kỹ từng cơ sở và thẳng tay dẹp bỏ những cơ sở không phép. Đừng để chúng tôi đơn độc”, chị Phạm Hồng Nhung mong muốn.

Còn chị Nguyễn Thị Thúy Vân, ngụ quận Phú Nhuận có con mắc chứng tự kỷ năm nay đã 7 tuổi lo ngại, con chị sẽ hòa nhập như thế nào nếu khoảng 10-11 tuổi cháu mới có khả năng đi học lớp 1. Lúc đó, cháu sẽ hòa nhập ra sao với những đứa trẻ 6 tuổi bình thường? Chị Vân cho rằng cần có một trường học riêng để tiếp nhận những trẻ mắc chứng tự kỷ đã được can thiệp thành công để các em có được một môi trường học tập đúng nghĩa.

Tại hội nghị, các đại biểu kiến nghị cần có sự hỗ trợ của chính sách Nhà nước trong việc chẩn đoán, chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ bởi cho đến nay trẻ mắc chứng tự kỷ vẫn chưa được công nhận là một dạng khuyết tật, chưa có chính sách hỗ trợ; trong khi đó, việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ cần rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Đồng thời, cần có những cơ sở giáo dục riêng dành cho trẻ tự kỷ đã qua quá trình can thiệp để giúp trẻ có cơ hội phát triển tốt hơn.

Đinh Hằng (TTXVN)