07:21 21/07/2015

Nở rộ các cơ hội thương mại tại Iran

Thỏa thuận hạt nhân Iran đã được hoàn tất và giờ là lúc người ta nói về thương mại.

Thỏa thuận hạt nhân Iran đã được hoàn tất và giờ là lúc người ta nói về thương mại.

Mặc dù có thể sẽ phải mất nhiều tháng trước khi các lệnh trừng phạt đối với Iran bắt đầu được dỡ bỏ, song các nhà lãnh đạo chính trị cùng giới chủ kinh doanh dường như đã không bỏ phí phút nào khi ngay lập tức tìm cách tiếp cận thị trường Iran, một thị trường mà họ cho là rất có tiềm năng phát triển.

Người dân Iran đổ ra đường phố mừng chiến thắng sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử ngày 14/7. Ảnh:AFP/TTXVN


Đức đã cử một phái đoàn thương mại quy mô lớn tới Tehran vào ngày 19/7. Tây Ban Nha cũng đã có kế hoạch tương tự trong khi nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp đang cân nhắc một chuyến công du tới nước Cộng hòa Hồi giáo này. Các quảng cáo về xe hơi và hàng hóa xa xỉ của châu Âu đã bắt đầu xuất hiện tại Tehran. Các hãng hàng không của Dubai cũng nhanh chóng xây dựng các chặng bay tới Iran để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ tỏ ra thận trọng hơn. Dù có hay không thỏa thuận, các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt không liên quan tới chương trình hạt nhân Iran vẫn tiếp tục được duy trì và đây chính là rào cản mà các công ty Mỹ gặp phải khi muốn hoạt động tại quốc gia này. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Mỹ sẽ thất thế trước các doanh nghiệp châu Âu và châu Á - mà nhiều trong số này đã có các mối quan hệ thương mại với Iran trước khi lệnh trừng phạt được siết chặt những năm gần đây. Torbjorn Soltvedt, nhà phân tích Trung Đông hàng đầu tại công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, nói: "Có thể dễ dàng thấy ai đang yếu thế trong cuộc cạnh tranh vừa khởi động này. Đó chính là các doanh nghiệp Mỹ".

Về mặt lý thuyết, Iran là một thị trường đầy tiềm năng. Với diện tích rộng gấp 2,5 lần bang Texas của Mỹ, dân số Iran vào khoảng 80 triệu người. Đây là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về trữ lượng dầu mỏ và thứ hai thế giới về trữ lượng khí đốt tự nhiên. Ngành sản xuất và nông nghiệp của quốc gia này cũng được trang bị khá hiện đại và đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế với tổng trị giá 400 tỷ USD.

Tổ chức Capital Economics có trụ sở tại London ước tính tăng trưởng thường niên của nền kinh tế Iran có thể đạt 6 - 8% trong vài năm tới khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng dần. Dominic Bokor - Ingram - cố vấn về vốn đầu tư của công ty quản lý tài sản Charlemagne Capital - nói: "Thời cơ đang chín muồi cho tăng trưởng kinh tế ". Đầu năm nay, Charlemagne Capital đã công bố kế hoạch khởi động quỹ đầu tư Iran với một doanh nghiệp nước sở tại. Ông Bokor - Ingram nhấn mạnh: "Iran có cơ sở hạ tầng, có các thể chế phù hợp và có nền giáo dục tân tiến. Nhiều người dân Iran có trình độ giáo dục cao chắc chắn sẽ quay trở về nước khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ".

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc tham gia thị trường Iran sẽ không phải là điều đơn giản. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Iran đứng thứ 130/189 trong bảng xếp hạng mức độ thuận lợi kinh doanh trên toàn cầu.

Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt cũng không phải sẽ diễn ra trong "một sớm một chiều" và các biện pháp này sẽ được khôi phục nhanh chóng nếu Iran không tuân thủ cam kết của mình. Theo giới phân tích, điều này có nghĩa nhiều công ty đa quốc gia sẽ rất dè dặt hoặc thậm chí là không muốn đầu tư quá nhiều vào nền kinh tế Iran trong ngắn hạn, mặc dù đây là giai đoạn thuận lợi để các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực cho việc mở rộng hoạt động của mình.

Ngành công nghiệp dầu mỏ là một lĩnh vực khá hứa hẹn. Tổ chức Fitch Ratings cho rằng Iran sẽ phải mất nhiều năm để đạt được mức xuất khẩu 2,5 triệu thùng mỗi ngày như giai đoạn trước năm 2012, bởi đầu tư vào lĩnh vực này vẫn bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt. Một lĩnh vực khác được cho là cũng sẽ "nở rộ" nhờ thỏa thuận là ngành công nghiệp hàng không đang khá "xập xệ" của Iran. Các lệnh trừng phạt đã khiến Iran không thể mua được các máy bay mới của phương Tây cũng như các thiết bị và bộ phận thay thế cho các máy bay đang vận hành. Thỏa thuận ngày 14/7 đã mở cửa cho các thương vụ mua bán máy bay thương mại. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Abbas Akhoundi cho biết Iran dự kiến sẽ chi 20 tỷ USD để mua khoảng 400 máy bay trong một thập kỷ tới.

TTK