10:17 13/10/2010

Nợ nần đe dọa an ninh nước Mỹ

Thâm hụt ngân sách khá cao của Mỹ đang làm dấy lên những quan ngại rằng tình trạng này có thể gây rủi ro an ninh cho Mỹ và tạo cơ hội để các nước khác tác động đến Oasinhtơn.

Thâm hụt ngân sách khá cao của Mỹ đang làm dấy lên những quan ngại rằng tình trạng này có thể gây rủi ro an ninh cho Mỹ và tạo cơ hội để các nước khác tác động đến Oasinhtơn. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã bác bỏ những lo ngại này và cho rằng quy mô cũng như chiều sâu của các thị trường Mỹ sẽ khiến cho các chủ nợ của nước này khó có thể gây bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào.



Trong phiên trả lời chất vấn sau khi phát biểu tại Oasinhtơn ngày 8/9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh: "Thâm hụt ngân sách gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia theo hai cách: Xói mòn khả năng hành động vì lợi ích của riêng chúng ta và hạn chế chúng ta hoạt động trong những lĩnh vực mà lẽ ra chúng ta không nên bị kìm hãm".


Bà Clinton coi mức thâm hụt ngân sách - lên tới 1.300 tỷ USD trong năm tài chính 2010 - là "thông điệp về sự yếu kém mang tính quốc tế". Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự đoán trong thập kỷ tới, thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ tăng gần 1.000 tỷ USD mỗi năm. Giám đốc CBO Douglas Elmendorf cho rằng Mỹ hiện "không có khả năng trả nợ".


Theo Gary Clyde Hufbauer, thành viên kỳ cựu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, sẽ là cường điệu nếu nói rằng mức nợ nước ngoài hiện nay của Mỹ là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia, ít nhất là trong tương lai gần, vì số nợ của Mỹ không vượt quá giá trị thị trường của các tài sản Mỹ hay tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Tuy nhiên, ông Hufbauer cho rằng nếu Mỹ tiếp tục chi tiêu theo tốc độ hiện nay, những quan ngại của bà Clinton có thể trở thành hiện thực trong vài năm tới.

 

Ba kịch bản


Theo ông Hufbauer, trên thực tế, có ba kịch bản có thể xảy ra, mặc dù với khả năng rất thấp. Thứ nhất, Hufbauer cho rằng nếu các khoản nợ của Mỹ tiếp tục tăng, khiến cho các chủ nợ trong và ngoài nước lo lắng về khả năng hạn chế mức tăng nợ trong tương lai của Mỹ, có thể tình trạng "bán tống bán tháo" (trái phiếu và các tài sản Mỹ) với quy mô lớn sẽ xảy ra. Động thái đó có thể khiến cho tỷ giá hối đoái của đồng USD giảm mạnh và lãi suất của Mỹ tăng.


Thứ hai, đồng USD có thể không còn giữ vai trò là đồng tiền của cả thế giới như hiện nay. Đây sẽ là một cú đòn tương đối lớn đánh vào tính ưu việt của nền kinh tế Mỹ, gây tranh cãi về việc đồng tiền nào sẽ thay thế đồng USD và theo Hufbauer, gây ra một thời kỳ hỗn loạn, dao động và cạnh tranh giữa đồng USD, đồng yên, đồng euro và các loại tiền tệ khác.


Thứ ba, việc Mỹ nợ quá nhiều có thể hạn chế khả năng Oasinhtơn cung cấp viện trợ cho các cuộc khủng hoảng quốc tế, chẳng hạn như đợt lũ lụt ở Pakixtan vừa qua. Nó cũng có thể hạn chế khả năng tài trợ cho các cuộc chiến tranh của nước này, điều mà một số người sẽ hoan nghênh nhưng một số khác sẽ chỉ trích vì nó hạn chế ảnh hưởng của Mỹ đối với hệ thống an ninh thế giới.


Philip I. Levy, học giả của Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng mặc dù một số người khẳng định các khoản nợ của Mỹ sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực, song ông không lo ngại về khả năng các nước khác sẽ tận dụng điều đó để gây ảnh hưởng với Mỹ vì thị trường trái phiếu Mỹ là lớn nhất và có chiều sâu nhất thế giới. Theo ông, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thao túng thành công thị trường này cũng sẽ khó có thể trở thành hiện thực.


Mặc dù có những ý kiến về cái mà nhiều người cho là "nợ không thể trả", song một số nhà kinh tế lại tỏ ra lạc quan hơn về vấn đề này. Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể trả hết nợ nếu nền kinh tế bắt đầu lấy được đà thông qua việc kết hợp tăng thuế và hạn chế chi tiêu. Các nhà phân tích khác cho rằng nợ có thể kiểm soát được nếu GDP tăng trưởng hợp lý.


Dean Baker, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng chính các khoản nợ đang giúp nền kinh tế Mỹ tiếp tục vận hành và chưa chắc các khoản nợ đó sẽ gây hại cho an ninh nước Mỹ. Ông khẳng định: "Khi một nước tăng cường vay nợ trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của nước đó tương đối cao, thì tất cả những điều họ sẽ làm là tạo công ăn việc làm cho mọi người. Điều đó sẽ không làm tổn hại đến nền kinh tế".


TTK(Theo THX)