06:17 04/06/2015

Nỗ lực xoá nghèo trên “vương quốc tỏi” Lý Sơn

Lý Sơn - huyện đảo nằm cách bờ biển Quảng Ngãi hơn hai chục cây số, được mệnh danh là “vương quốc tỏi” với những ruộng hành, tỏi được trồng khắp các mảnh đất vốn rất ít ỏi trên đảo.

Lý Sơn - huyện đảo nằm cách bờ biển Quảng Ngãi hơn hai chục cây số, được mệnh danh là “vương quốc tỏi” với những ruộng hành, tỏi được trồng khắp các mảnh đất vốn rất ít ỏi trên đảo. Ngoài những ruộng tỏi, nhiều người dân Lý Sơn khác phải bươn chải với cuộc sống gia đình bằng những chuyến đi biển. Cuộc sống khó khăn của họ ngày nay đã bớt phần cơ cực từ những sự hỗ trợ của Chính phủ; trong đó phải kể đến nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Vợ chồng ông Trần Trí Nguyên và chị Ngô Thị Phấn, thôn Tây, xã An Vĩnh trước kia vốn là một ngư dân nghèo, được sự trợ giúp của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lý Sơn, 2 vợ chồng đã qua những ngày tháng cơ cực và xây dựng cho mình ngôi nhà cấp 4 kiên cố. Hiện gia đình anh Nguyên đã được “nâng cấp” thành hộ cận nghèo nên chỉ vay được 40 triệu đồng. Từ số tiền này, anh chị đã góp vốn với anh em, bạn bè đóng chiếc ghe nhỏ để đi biển. Chiếc ghe của anh chuyên thu mua hải sản trên biển từ những chiếc thuyền lớn hơn chưa muốn quay lại đất liền. Với nghề này, gia đình anh Nguyên cũng có thể thu nhập vài triệu đồng/tháng, trang trải phần nào cho cuộc sống khá đắt đỏ trên đảo Lý Sơn.

Thu hoạch tỏi ở Lý Sơn.



Đối với ông Mai Văn Tín (43 tuổi), người dân thôn Tây, xã An Hải thì lại khác. Vay được đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách, ông Tín mạnh dạn mua phân bón, đầu tư hệ thống tưới tiêu để mở rộng diện tích trồng tỏi, hành của mình. Trong 8 năm, ông Tín vay được tổng cộng 4 lần (2 năm trả 1 lần) và đến nay ông vay của Ngân hàng Chính sách 42 triệu đồng. Từ số tiền này, ông đã mở rộng diện tích trồng tỏi của mình từ 1 sào lên tới 7 sào tỏi đem lại cho ông thu nhập khá ổn định hàng tháng. Ông Tín cho biết: “Trước kia chưa có nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách gia đình tôi rất khó khăn, cả nhà chỉ trông chờ vào ít đất trồng hành tỏi. Sau khi được ngân hàng cho vay, gia đình đã mạnh dạn thuê thêm đất để sản xuất; đầu tư cải tạo, làm đất và hệ thống nước tưới tiêu, mua thuốc, phân bón…“.

Cuộc sống ngày càng khấm khá và khi có chút tiền, ông Tín tiếp tục mua chiếc xe máy để kiếm thêm thu nhập từ những cuộc chở khách trong những lúc nông nhàn, lượng khách du lịch ngày càng tăng thì chiếc xe máy của ông cũng “hái ra tiền”. “Đến khi huyện đảo có hệ thống xe taxi thì tôi không thồ khách nữa mà thồ hàng, chở cát, chở hành.. và có thể chở bất cứ cái gì mà người ta thuê.” – ông Tín tâm sự.

Hai hộ trên chỉ là số ít trong hàng trăm hộ thoát nghèo từ những đồng vốn vay thiết thực này. Nhiều người dân trên huyện đảo đã thoát được đói, cái nghèo dần không còn đeo bám họ. Theo thống kê, toàn huyện có gần 2.500 lượt hộ được tiếp cận các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ khoảng 66,3 tỷ đồng; trung bình mỗi hộ được vay từ 30 - 40 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư để mua ngư cụ, góp vốn để đóng tàu đi biển, mua xe máy, xe ba gác... Có hộ thì đầu tư xây dựng hệ thống phun nước tự động để tiết kiệm nguồn nước tưới cho cây tỏi, cây hành. Có hộ mua cây giống, phân bón, cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp...

Theo ô ng Trương Thế Mỹ, Phó chủ tịch kiêm trưởng ban giảm nghèo xã An Hải, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho người nghèo, những hộ gia đình chính sách có nguồn vốn để sản xuất và kinh doanh. Đối với Đảng, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền về chính sách xã hội này cho nên người dân đã tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ, trực tiếp là Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. Theo thống kê của xã An Hải, năm 2011, tại xã có 28,8% hộ nghèo thì đến nay chỉ còn 15,7% hộ nghèo. Đây là một kết quả đáng ghi nhận trong quá trình rà soát, điều tra công tác giảm nghèo hàng năm.

Để nguồn vốn vay đến tay người nghèo, tạo điều kiện cho họ đầu tư vốn sản xuất, phát triển nghề biển, Ngân hàng Chính sách huyện đã tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư mua sắm ngư lưới cụ đúng nhu cầu để tránh lãng phí nguồn vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng thường xuyên cử cán bộ tín dụng xuống khảo sát ở cơ sở, kiểm tra, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn. Ông Bùi Việt Hưng – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lý Sơn cho biết, hiện nhu cầu vốn tại huyện đảo rất là lớn, trong khi đó, một số chương trình thực hiện mức cho vay còn thấp như cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm.

Đánh giá về hoạt động của Ngân hàng Chính sách tại huyện Lý Sơn, ông Trần Duy Cường, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Quảng Ngãi cho rằng, trong những năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đầu tư đối với huyện đảo Lý Sơn mang lại hiệu quả rất lớn, đặc biệt là giúp cho hộ nghèo, cận nghèo và những đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển ngành nông nghiệp như trồng tỏi, trồng hành và đánh bắt thủy hải sản. Từ đó, giúp cho huyện Lý Sơn giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục giúp nông dân tại huyện đảo Lý Sơn, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi này để đầu tư phát triển nông nghiệp cũng như thủy hải sản trong những năm tiếp theo.

Mong rằng từ những đồng vốn ưu đãi của Chính phủ, góp phần giúp cho người dân trên đảo bớt nghèo, tạo cơ hội cho hàng nghìn lao động có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống người dân ở nơi đây ngày càng ấm no.
Sỹ Thắng