12:01 14/12/2012

Nỗ lực tiếp vốn cho người nghèo vùng dân tộc thiểu số

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, đời sống của bà con dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, giải quyết vốn vay đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc.

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, đời sống của bà con dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, giải quyết vốn vay đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc. Nguồn vốn kịp thời sẽ giúp bà con khắc phục những trở ngại, vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.


 

Hợp tác xã Dệt may thổ cẩm, xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu) vay 100 triệu đồng của NHCSXH. ẢNH: NGỌC TÚ

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Lai Châu là đơn vị nỗ lực đưa nguồn vốn đến với người dân ở khắp các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thiết thực cho xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHCSXH đã giải quyết cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu vốn trong dân. Đến nay, ngân hàng đã lập được trên 100 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn; thành lập 1.500 tổ tiết kiệm vay vốn. Hiện tổng dư nợ các chương trình cho vay là hơn 900 tỷ đồng, trong đó gần 5.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn đã được vay vốn để sản xuất, kinh doanh; gần 28.000 hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; hỗ trợ cho gần 37.000 hộ xây dựng trên 7.200 công trình gồm nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, chuồng trại chăn nuôi…


Nhiều người dân ở các xã trên địa bàn đã biết sử dụng nguồn vốn ưu đãi để mang lại hiệu quả cao. Được biết đến như một điển hình vượt khó, gia đình chị Đèo Thị Nhung, dân tộc Thái sống tại bản trung tâm xã Mường So, huyện biên giới Phong Thổ trước kia quanh năm đói ăn vì gia đình không có đất sản xuất. Được hội Phụ nữ xã tham vấn vay vốn NHCSXH, chị đã mua máy làm đậu và sữa đậu nành. Nhờ đó, cuộc sống gia đình đã bớt nghèo, đến nay số tiền vay của ngân hàng cũng đã chuẩn bị trả hết. Gia đình anh Vàng Văn Phín, dân tộc Mông ở bản Đông, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường cũng là hộ được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế. Năm 2005, gia đình đã vay 15 triệu đồng, từ số tiền này, anh đã tập trung chăn nuôi, trồng rau, đào ao, thả cá. Hiện nay, gia đình đã có hơn 30 con lợn, 2 con trâu cùng trên 300 m2 ao, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Anh chia sẻ, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước mà gia đình mới có cuộc sống ổn định và thu nhập cao. Gia đình tôi đã trả hết nợ. Có điều kiện, sắp tới gia đình sẽ mở rộng sản xuất.


 

Hộ chị Lò Thị Hương, bản Bút Dưới, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên (Lai Châu) đang trả lãi cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. ẢNH: NGỌC TÚ

Ông Trịnh Trọng Tấn, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lai Châu cho biết, riêng năm 2012, NHCSXH đã cho vay trên 270 tỷ đồng với tất cả các chương trình.


Hiện rào cản lớn nhất khiến nguồn vốn khó đến với bà con dân tộc thiểu số chính là trình độ nhận thức và dân cư sống không tập trung. Mặt khác, do địa bàn rộng, điểm giao dịch của ngân hàng lại thường đặt ở trụ sở UBND xã nên nhiều hộ ở các bản xa, phương tiện đi lại không có cũng ảnh hưởng phần nào đến việc vay vốn của người dân…


Sự nỗ lực, tạo điều kiện tiếp vốn cho nông dân, người dân tộc thiểu số nghèo sẽ góp phần đắc lực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, khó khăn trên địa bàn Lai Châu thời gian tới.


Quang Duy