07:16 24/07/2021

Nỗ lực phóng vệ tinh đầu tiên thất bại của Mỹ - Kỳ 1

Trong những năm đầu tiên của kỷ nguyên vũ trụ, Liên Xô dường như luôn đi trước Mỹ một bước, còn Mỹ liên tục chạy đằng sau, vất vả đuổi theo. Dự án Vanguard, nỗ lực phóng vệ tinh đầu tiên của Mỹ, ra đời nhưng thất bại thảm hại.

Chú thích ảnh
Vệ tinh Sputnik 1 của Liên Xô. Ảnh: Wikipedia

Theo trang todayifoundout, ngày 4/10/1957, Liên Xô phóng Sputnik 1, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Mặc dù vệ tinh này chỉ là một quả cầu nhôm đường kính 58cm nhỏ bé, mang theo hai thiết bị truyền phát vô tuyến và 4 ăng ten phát tín hiệu, nhưng nó là một thành tựu kỹ thuật ngoạn mục và là thành tựu khiến thế giới phương Tây sợ hãi. Bởi vì nếu tên lửa R7 phóng được Sputnik vào quỹ đạo, tên lửa cũng có thể mang theo đầu đạn hạt nhân và thả xuống bất kỳ nơi nào trên địa cầu. 

Tại Mỹ, mặc dù sự kiện Liên Xô phóng Sputnik thường được coi là thứ khiến Mỹ hoàn toàn bất ngờ và gây hoảng sợ toàn quốc, nhưng sự thực phức tạp hơn thế nhiều. Trong thực tế, khi nghe tin về Liên Xô phóng vệ tinh, Tổng thống Mỹ khi đó Dwight D. Eisenhower đã thở phào nhẹ nhõm. Lo rằng thiếu thông tin tình báo quân sự đáng tin cậy sẽ khiến cả hai siêu cường tích trữ vũ khí nguy hiểm, Eisenhower đã đề xuất chính sách “Bầu trời Mở”, mà trong đó, Mỹ sẽ được phép thực hiện chuyến bay giám sát trên bầu trời Liên Xô và ngược lại để kiểm soát sức mạnh quân sự của nhau. Tuy nhiên, Liên Xô đã thẳng thừng từ chối đề xuất, ít nhất là vì lúc đó, họ không có phương tiện bay trên Mỹ. Nhưng khi không phận của một quốc gia kéo lên tới tận bầu khí quyển, Eisenhower coi vụ phóng Sputnik, vệ tinh bay qua bầu trời Mỹ vài lần/ngày, là tiền lệ Liên Xô đặt ra với đề xuất bầu trời mở. Điều này khiến ông thông qua các chuyến bay trên Liên Xô bằng máy bay do thám tầm cao U-2. 

Kỳ 1: Cuộc cạnh tranh của hai dự án Mỹ

Vụ phóng Sputnik thực ra không phải là sự kiện Mỹ hoàn toàn bất ngờ hay không chuẩn bị gì để đáp lại. Thực tế là Mỹ đã thực hiện một chương trình vệ tinh vài năm qua mà Dự án Orbiter là dự án đầu tiên được một nhóm nhỏ tại Cơ quan Tên lửa Đạn đạo Lục quân đề xuất năm 1954. Lãnh đạo nhóm này không ai khác chính là Tiến sĩ Wernher von Braun, người đã chỉ đạo phát triển tên lửa V-2 của Đức Quốc xã trong Thế chiến II, tên lửa đạn đạo đầu tiên của thế giới. 

Chú thích ảnh
Tiến sĩ von Braun. Ảnh: New Scientists

Từ khi mới 16 tuổi, von Braun đã ám ảnh với giấc mơ phóng vệ tinh, và con người, lên vũ trụ, ám ảnh tới mức năm 1944, ông đã bị bắt giam hai tuần với lý do V-2 chủ yếu tập trung vào mục tiêu vũ trụ hơn là bảo vệ Đức Quốc xã. Cuối chiến tranh, von Braun và nhiều đồng nghiệp bị lực lượng Mỹ bắt. Dưới chiến dịch Paperclip, quá khứ gắn với Đức Quốc xã của họ bị xóa bỏ rồi họ được đưa tới Mỹ. Tại đây, dựa vào kinh nghiệm thời chiến, họ phát triển PGM-11 Redstone, một chiếc V-2 to hơn, hiện đại hơn và là tên lửa đạn đạo hạt nhân đầu tiên của Mỹ.

Với dự án Orbiter, von Braun đề xuất chỉnh sửa một chiếc Redstone để tạo ra thiết bị tên là Jupiter-C mà về mặt lý thuyết, nó có thể mang theo vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo. Để tìm ra tải trọng phù hợp về mặt khoa học cho vệ tinh, von Braun đề nghị nhà khoa học Ernst Stuhlinger tìm ra một nhà khoa học tầm cỡ Nobel chuyên về vật lý tọa độ cao. Stuhlinger ngay lập tức giới thiệu Tiến sĩ James Van Allen ở trường Đại học Iowa, người mà ông từng làm việc khi nghiên cứu tia vũ trụ khi sử dụng tên lửa V-2 lấy được của Đức cuối những năm 1940.

Dùng khinh khí cầu thời tiết và tên lửa nghiên cứu nhỏ, Van Allen đã phát hiện ra nồng độ phóng xạ vũ trụ cao bất thường ở độ cao lớn và đặt giả thiết rằng các hạt từ Mặt trời đang bị mắc kẹt và tập trung lại thành vành đai bức xạ lớn do từ trường trái đất. Tuy nhiên, do thiếu phương tiện nên ông không thể xác nhận giả thiết này. Vì thế, Van Allen đã nhanh chóng đồng ý với đề xuất của von Braun. Ngày 26/1/1956, hội nghị của Đại học Michigan đã tổ chức để trình bày kế hoạch của Lục quân về phát triển và phóng vệ tinh khoa học nhỏ. 

Von Braun và nhóm đồng nghiệp đã phát triển Jupiter C theo chương trình này để thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Chuyến phóng thử nghiệm đầu tiên diễn ra ngày 16/11/1956. Tên lửa lên độ cao 1.000km bằng hai tầng rocket. Nếu thêm tầng thứ ba thì tên lửa sẽ vào được quỹ đạo Trái đất, nhưng Lầu Năm Góc cấm von Braun thử ba tầng.

Tuy nhiên, may mắn là thế giới có một số sự kiện khiến dự án của Lục quân Mỹ có lý do hợp pháp để tồn tại. Năm 1952, Hội đồng Liên hiệp Khoa học Quốc tế thông báo Năm Địa vật lý Quốc tế (IGY), một giai đoạn kéo dài 18 tháng từ năm 1957 tới 1958 mà trong đó, các nhóm từ 67 quốc gia sẽ hợp tác thí nghiệm về khí tượng, đại dương, địa chấn, tia vũ trụ, địa từ… Ngày 29/7/1955, James C. Hagerty, Thư ký báo chí của Tổng thống Eisenhower thông báo rằng trong khuôn khổ IGY, Mỹ sẽ phóng một vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo. Bốn ngày sau, tại hội nghị ngành du hành vũ trụ ở Copenhagen, nhà khoa học Liên Xô Leonid I Sedov thông báo Liên Xô cũng sẽ có vệ tinh trên quỹ đạo trong tương lai gần. Eisenhower vẫn nhấn mạnh rằng chương trình vệ tinh của Mỹ là vì tinh thần hợp tác khoa học quốc tế chứ không phải vì cạnh tranh với nước khác. Dù thế nào thì hầu như không có mấy người ở Mỹ cho rằng Liên Xô có công nghệ để có thể thực hiện tuyên bố trên của nhà khoa học Sedov vì nghĩ Liên Xô lạc hậu. Vì vậy, chương trình vệ tinh của Mỹ diễn ra với tốc độ thảnh thơi, bình thản.

Tới lúc đó, von Braun không phải là nhà khoa học duy nhất nỗ lực phóng vệ tinh. Hải quân Mỹ cũng tự phát triển chương trình cạnh tranh riêng tên là Dự án Vanguard. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Eisenhower. Ảnh: Politico

Ủy ban lâm thời về Năng lực Đặc biệt do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Charles D. Wilson đứng đầu có nhiệm vụ quyết định xem Lục quân hay Hải quân sẽ thực hiện dự án phóng vệ tinh đầu tiên của Mỹ lên quỹ đạo. Mặc dù Lục quân Mỹ đã có bệ phóng hiệu quả, nhưng tới ngày 9/9/1955, ủy ban này thông báo đã chọn Dự án Vanguard thay vì Dự án Orbiter.

Quyết định này hoàn toàn mang tính chính trị. Trong bối cảnh dự án vệ tinh IGY có bản chất dân sự hòa bình, Tổng thống Eisenhower cho rằng sử dụng rocket của Lục quân dường như hơi hiếu chiến và ông muốn tránh tiết lộ năng lực thực sự của Mỹ. Ông cũng không muốn khiến các nước khác báo động khi nhận thấy vệ tinh Mỹ đang bay trên lãnh thổ họ.

Trong bối cảnh Eisenhower muốn thực hiện chính sách bầu trời mở, người ta cho rằng Liên Xô có thể không phản đối vệ tinh nghiên cứu dân sự bay qua lãnh thổ họ, đặt ra tiền lệ cho các chuyến bay tương lai của quân đội. Ngoài ra, dự án Orbiter bị gạt ra còn vì một lý do nữa là tên lửa Redstone thuộc dự án này còn có chút yếu tố Đức Quốc xã vì liên quan tới von Braun. Trong khi đó, tên lửa trong dự án Vanguard của Hải quân hoàn toàn được lắp ghép từ các tên lửa dân sự được thiết kế dành cho nghiên cứu hòa bình. 

Đón đọc kỳ cuối: Cuộc đua vũ trụ Mỹ-Liên Xô

Thùy Dương/Báo Tin tức