03:10 12/03/2012

Nỗ lực phòng, chống dịch bệnh khi thời tiết giao mùa

Những tháng đầu năm nay, các địa phương trên cả nước đang nỗ lực cho công tác phòng, chống những dịch bệnh nguy hiểm trên người vào thời điểm giao mùa như TCM, SXH…

Những tháng đầu năm nay, các địa phương trên cả nước đang nỗ lực cho công tác phòng, chống những dịch bệnh nguy hiểm trên người vào thời điểm giao mùa như TCM, SXH…

Dịch chồng lên dịch

So với cùng kỳ năm trước, năm nay, số bệnh nhân tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) tại Đồng Nai cùng tăng cao. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến ngày 7/3, toàn tỉnh đã có hơn 500 trường hợp mắc bệnh TCM và trên 620 trường hợp bị SXH. Trong khi đó, một số bệnh dịch khác như sốt rét, viêm não mô cầu… vẫn còn xuất hiện.

Chăm sóc trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình).


Các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có số trường hợp mắc bệnh TCM cao là: Thành phố Biên Hòa (163 trường hợp), huyện Trảng Bom (64 trường hợp), huyện Định Quán (59 trường hợp)… Bệnh SXH cũng có chiều hướng gia tăng. Tại thành phố Biên Hòa, riêng trong tháng 2, có 59 ca bị SXH, tại huyện Nhơn Trạch có 88 ca, huyện Long Thành có 80 ca… Chỉ riêng tại huyện Long Thành, dịch bệnh TCM trong tháng 2 vừa qua tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2011.

Bệnh TCM cũng gia tăng tại TP Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, bệnh TCM trên địa bàn thành phố đang ở mức báo động dịch từ tuần thứ 10 với 143 ca/tuần, so với nguồn báo động dịch là trên 180 ca/tuần. Vì thế, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh, nhất là khi các vùng lân cận thành phố đã có nhiều ca mắc bệnh. Trong tuần cuối tháng 2 và tuần đầu tháng 3 năm nay, tại TP Hồ Chí Minh đã có 211 phường, xã có ca mắc bệnh TCM, chiếm 65% số xã, phường trên địa bàn. So sánh cùng kỳ năm 2011, ông Thọ cho biết, bệnh TCM đã tăng 14% và dự kiến có thể lên đến 30 – 40% trong năm nay.

Khuyến cáo mới của Bộ Y tế phòng bệnh tay chân miệng Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo mới nhất về phòng chống dịch bệnh TCM ở nước ta. Theo Bộ Y tế, để chủ động ngăn ngừa bệnh TCM, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau: 1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). 2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng. 3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt. 4. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. 5. Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh. 6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh.

Đối với bệnh SXH, theo ông Thọ, đến tuần thứ 9, bệnh này vẫn ở dưới mức trung bình với dưới 34 ca/tuần. Bệnh có xu hướng giảm và có thể sẽ giảm nhiều hơn nữa trong tháng 3, tháng 4. Tuy nhiên, SXH vẫn nằm trong nhóm nguy cơ bệnh tiềm ẩn cao khi đã có 2 ca tử vong trước đó.

PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, so với năm ngoái, bệnh TCM đến tháng 3 mới tăng, thì chỉ trong 2 tháng đầu năm nay bệnh đã tăng cao. Vì vậy, đối với bệnh TCM, ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục tập trung truyền thông, đưa thuốc khử khuẩn đến từng gia đình, không chỉ những nhà có trẻ dưới 5 tuổi. Các giám sát, chuyên viên y tế phường, xã cũng sẽ đến hướng dẫn cho từng trường mầm non. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý đến các bệnh tả, tiêu chảy, nhất là với trẻ em trong thời tiết giao mùa. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 2 ca nhiễm cúm A/H5N1 ở các địa phương lân cận chuyển về. Vì vậy, người dân cần tiếp tục theo dõi và cảnh giác cao khi tiếp xúc và ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tại tỉnh miền núi Đắk Nông, bà Trần Thị Kim Tuyển, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông cho biết: “Trường mầm non Sơn Ca tại tổ dân phố số 1, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa, vừa quyết định đóng cửa trong một tuần, khi phát hiện 7 học sinh bị mắc bệnh TCM”. Đây là trường học đầu tiên ở Đắk Nông phải đóng cửa vì bệnh TCM trong năm 2012. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 53 ca mắc bệnh TCM.

Ngày 2/3, Sở Y tế tỉnh Bình Định xác nhận một trường hợp tử vong do bệnh TCM trên địa bàn theo kết quả kiểm định của Viện Pasteur Nha Trang. Bệnh nhân là cháu Đinh Thị Châu, 24 tháng tuổi, trú làng Con Lót, xã Canh Liên, huyện miền núi Vân Canh (Bình Định). Cháu có triệu chứng suy hô hấp, sốt cao, viêm phế quản suốt một tuần tại nhà mới được chuyển vào Trung tâm Y tế huyện Vân Canh ngày 15/2. Tại đây, các y, bác sỹ chẩn đoán bệnh nghiêm trọng nên đã chuyển viện lên tuyến tỉnh. Tuy nhiên, do bệnh quá nặng, bệnh nhân đã tử vong. Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định đã gửi mẫu bệnh phẩm vào Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm; kết quả dương tính với tuýp virus entro 71. Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Bình Định đã có 277 trường hợp mắc bệnh TCM. Hiện vẫn còn 81 trường hợp đang tiếp tục điều trị tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Điều đáng chú ý là bệnh đang có diễn biến phức tạp, đã xảy ra tại 159 xã trên toàn bộ 11 huyện, thị, thành phố của tỉnh.

Nỗ lực phòng chống

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp và tăng cao so với cùng kỳ năm 2011, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai và các địa phương trong tỉnh đang giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của dịch bệnh, đồng thời yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện khẩn trương triển khai các biện pháp vệ sinh phòng dịch trên diện rộng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa cho biết, hiện thành phố đã tiến hành rất nhiều biện pháp phòng dịch, trong đó tập trung nhiều cho công tác truyền thông. Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế sẽ phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tiến hành tổng vệ sinh phòng dịch tại các trường học, đặc biệt là các trường mầm non. Tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, ngành y tế huyện tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, phối hợp với Đài Truyền thanh huyện và các xã, cùng đội thông tin lưu động tiến hành thường xuyên công tác tuyên truyền phòng dịch.

Bác sĩ Nguyễn Thi Văn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết, trong tháng 2 vừa qua, ngành y tế huyện Long Thành đã tiến hành dập 2 ổ dịch nhỏ xuất hiện trên địa bàn không để dịch lan rộng.

Ngành y tế ở các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa cũng đã phối hợp với các ngành chức năng khác triển khai công tác dập dịch, phun hóa chất khử khuẩn. Riêng tại huyện Nhơn Trạch, việc giám sát, phun hóa chất đang được thực hiện lần 2 tại xã Phước Thiền.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cũng khuyến cáo, người dân không nên chủ quan với tình hình thời tiết cũng như dịch bệnh hiện nay, nên chủ động các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở và phòng bệnh đúng cách để hạn chế tình trạng lây lan của bệnh dịch.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, trong cuộc họp với các trung tâm y tế quận, huyện, ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó GĐ Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh đề nghị các trung tâm y tế cần có biện pháp phòng chống dịch ngay từ thời điểm này để hạn chế dịch lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, từ tháng 3 đến tháng 5/2012, trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện sẽ tiếp cận từng trường mầm non và nhóm trẻ mỗi tháng 1 lần để hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn và giám sát dịch bệnh, tầm soát bệnh truyền nhiễm.
Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tập trung công tác phòng chống dịch tại các điểm “cộm” về bệnh này như quận Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn... và các khu vực đông dân cư. Hiện đã có 252 phường, xã có các ca SXH, trong đó có 47 phường, xã có hơn 5 ca bệnh.

Tại Đắk Nông, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo Trạm Y tế thị xã tiến hành phun thuốc, dọn dẹp, lau chùi đồ chơi trẻ em bằng dung dịch Cloramin B; khử trùng và vệ sinh tẩy rửa xung quanh khu vực trường học... Cô Đoàn Thị Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca (Thị xã Gia Nghĩa) cho biết: “Sau khi phát hiện hai học sinh bị bệnh TCM, nhà trường đã báo ngay với trạm y tế phường Nghĩa Đức để lấy thuốc về thực hiện công tác lau chùi, dọn vệ sinh lớp, rửa đồ chơi trẻ em. Nhưng sau đó, có thêm 5 phụ huynh gọi điện báo con bị bệnh. Vì vậy, Phòng giáo dục chỉ đạo cả trường nghỉ để làm công tác vệ sinh, phun thuốc cả trường học”. Toàn trường có gần 200 cháu, hiện nay đa số các cháu được gia đình đi gửi tại các điểm giữ trẻ gia đình. Điều đáng lo ngại là nhiều cháu vẫn chưa được khám sàng lọc để phát hiện có bị lây bệnh hay không, nếu không có những biện pháp phòng ngừa kịp thời thì nguy cơ lây bệnh sẽ tiếp tục diễn ra.

Hy vọng, với sự nỗ lực của các địa phương, các dịch bệnh theo mùa năm nay sẽ được khống chế và giảm tác hại đối với sức khỏe của người dân.