01:16 27/01/2011

Nỗ lực phát triển ngành gỗ

Nếu năm 2000, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chỉ đạt 219 triệu USD, thì năm 2010, con số này tăng lên trên 3 tỷ USD. Mức tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu đạt trên dưới 30%/năm.

Nếu năm 2000, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chỉ đạt 219 triệu USD, thì năm 2010, con số này tăng lên trên 3 tỷ USD. Mức tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu đạt trên dưới 30%/năm.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: Trong hai mươi năm qua, kể từ khi thành lập, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, đem đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm có chất lượng cao.

Giai đoạn 1997-2005, Hội đã động viên các doanh nghiệp nghiên cứu thị hiếu khách hàng để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với yêu cầu của thị trường. Từ những vật liệu rất quen thuộc như mây, tre, các doanh nghiệp đã chuyển sang các nguyên liệu tự nhiên khác như xơ dừa, lục bình, bẹ chuối để làm ra những sản phẩm mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật - vốn ưa chuộng những sản phẩm thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ cũng đã thay đổi định hướng phát triển sản phẩm.

Từ năm 2005 đến nay, với mục tiêu mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu, Hội đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ. Những chương trình xúc tiến thương mại lớn như hội chợ triển lãm, đưa các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế, đưa khách quốc tế đến với các doanh nghiệp đã được Hội phối hợp với các bộ, sở, ban, ngành hữu quan tổ chức.

Hội đã tổ chức thành công các kỳ hội chợ quốc tế đồ gỗ - mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA). Sau 3 năm tổ chức, từ năm 2008 đến 2010, Hội chợ VIFA đã đón tiếp khoảng 40.000 lượt khách tham quan, trong đó có khoảng 18.000 lượt khách quốc tế đến từ 70 quốc gia, 315 hợp đồng được ký tại hội chợ, với tổng giá trị lên đến hàng chục triệu USD. Và hiện nay, Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Hàn Quốc, Đức, là các thị trường nhập khẩu mạnh các sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, Hội đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức đưa các đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế tại Las Vegas-Mỹ, Frankfurt-Đức, Xinhgapo, mang hình ảnh sản phẩm đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam giới thiệu ra quốc tế tạo nên thương hiệu gỗ Việt Nam.

Định hướng phát triển

Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh định hướng cho các hội viên phát triển theo hướng bền vững. Trong thời gian gần đây, Hội đã đề xuất dự thảo về chính sách sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, với nội dung: Không một thành viên nào của Hội tham gia vào việc khai thác, chế biến hoặc buôn bán gỗ bất hợp pháp ở bất cứ thị trường nào. Nguồn gỗ được chế biến từ các nhà máy thành viên phải là nguồn nguyên liệu hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp thông lệ quốc tế.

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Hội cho biết: Bên cạnh những thành quả trong năm qua, ngành chế biến gỗ hiện đang phải đối diện với những khó khăn. Thứ nhất, chưa có nguồn nguyên liệu ổn định, phải lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu gỗ. Thứ hai, bước đầu, các ngành nghề sử dụng nhiều lao động đã vấp phải khó khăn lớn là thiếu lao động. Vậy ngành chế biến gỗ phải làm gì và vai trò của Hội ra sao trong những năm tới? Để phát triển, ngành phải tìm một hướng đi không lệ thuộc quá nhiều vào lao động và phải tạo ra một giá trị gia tăng nhiều lần để bù đắp việc thiếu nguồn nguyên liệu.

Lan Phương