10:23 17/10/2012

Nỗ lực phát triển mạng lưới cung cấp nước sạch

Cùng với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước... Công ty đã huy động các nguồn vốn đầu tư tạo bước phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng cung cấp nước trên địa bàn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Đồng Nai là đơn vị sản xuất cung cấp nước cho khách hàng tại đô thị, các trung tâm, thị trấn, thị tứ và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cùng với xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, Tổng Công ty phát triển KCN và các ngành chức năng, Công ty đã huy động các nguồn vốn đầu tư tạo bước phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng cung cấp nước trên địa bàn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Phát triển mạng lưới cung cấp nước sạch và tăng công suất cung cấp nước máy là mục tiêu số 1 của Công ty Cấp nước Đồng Nai.


Tuy nhiên hiện nay,việc triển khai các dự án Nhà máy nước mới của Công ty Cấp nước Đồng Nai đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc, trở ngại trong quá trình đầu tư các nhà máy nước Nhơn Trạch và Nhà máy nước Thiện Tân giai đoạn 2.


“Nghẽn” do giải phóng mặt bằng chậm


Ở Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1, công suất 100.000 m3/ngày (vốn ODA JICA Nhật Bản) cung ứng nước cho các KCN dọc trục hành lang quốc lộ 51 thuộc huyện Long Thành và Nhơn Trạch, sau 5 năm triển khai dự án vẫn đang trong tình trạng ngưng trệ. Theo hiệp định, dự án Nhà máy nước Nhơn Trạch có nguồn vốn ODA của Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 24/7/1998 và hết hạn vào ngày 24/7/2005. Nhưng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên đã phải xin gia hạn hiệp định lần thứ nhất đến ngày 24/7/2008 và lần thứ 2 hết hạn vào ngày 24/7/2012. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã chính thức có văn bản không cho gia hạn thêm lần thứ 3, nếu không giải ngân được theo đúng thời hạn hiệp định sẽ rút vốn ODA của dự án Nhà máy nước Nhơn Trạch (giai đoạn 1). Với nguồn vốn ODA theo hiệp định còn khoảng 1 tỷ 837 triệu yên (khoảng 474 tỷ đồng), trong vòng từ tháng 5 đến cuối tháng 7/2012, Công ty Cấp nước Đồng Nai đã cố gắng hoàn tất thủ tục hồ sơ và giải ngân được gần 1,4 tỷ yên (cả năm 2011 chỉ giải ngân được 500 triệu yên).


Được biết, do dự án Nhà máy nước Nhơn Trạch quá chậm bàn giao mặt bằng nên 3 nhà thầu: Pháp, Nhật Bản và Malaixia còn đòi bồi thường thiệt hại, chi phí kéo dài tiến độ thi công xây dựng phát sinh khá lớn. Chia sẻ về “điểm nghẽn” của dự án trong nhiều năm qua dẫn đến sự nản lòng của các nhà đầu tư và nhà thầu, ông Đặng Trọng Thành - Giám đốc Công ty Cấp nước Đồng Nai cho biết: “Các dự án vốn vay của Công ty chậm so với tiến độ do ảnh hưởng các yếu tố như vướng thủ tục về hợp đồng cho vay lại; công tác đền bù giải tỏa chậm do Hội đồng bồi thường thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành và Nhơn Trạch chưa giải quyết được vì một số vướng mắc như hồ sơ đất không đầy đủ, người dân khiếu nại về giá đền bù, chưa có đất bố trí tái định cư. Đến nay, công trình vẫn đang đình trệ, vì nhiều nơi không có mặt bằng thi công. Thời gian thi công của các nhà thầu đã hết, kết quả thực hiện thấp dẫn đến phải gia hạn hợp đồng, thời gian thi công kéo dài, tăng vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư thấp. Công ty rơi vào tình trạng chưa có doanh thu nhưng đã phải trả lãi và vốn vay cho dự án”.


Theo ông Thành, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, dự án đã 3 lần điều chỉnh, chi phí cho đền bù từ 70 tỷ đồng đến thời điểm này đã thành 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng trăm hộ dân không nhận đền bù, không di dời. Chính quyền các cấp đã có hàng trăm cuộc họp vẫn chưa tháo gỡ được vướng mắc. Sự chậm trễ này đã gây thiệt hại lớn cho Công ty Cấp nước Đồng Nai, ngoài việc thất thu trên 100.000 m3 nước ngày/đêm trong 2 năm qua, Công ty còn phải chịu trả lãi vay thực hiện dự án. Đến nay, Công ty đã trả lãi và vốn vay gần 400 tỷ đồng (trong khi vốn điều lệ của Công ty chỉ có 500 tỷ đồng). Không có nguồn thu từ dự án này, Công ty Cấp nước Đồng Nai phải sử dụng vốn kinh doanh của Công ty để trả nợ và nếu tình thế này kéo dài, Công ty sẽ không còn vốn cho hoạt động.


Như vậy, nếu những trở ngại trong khâu giải phóng mặt bằng không được sớm giải tỏa thì hàng trăm tỷ đồng đã và sẽ tiếp tục lãng phí trong khi nhu cầu sử dụng nước của các khu dân cư, khu đô thị và các KCN trên địa bàn tỉnh đang ngày một tăng cao, cần khoảng 400.000 m3 nước/ngày đêm. Thực tế đó đang là nỗi trăn trở thường trực của ông Thành và ban lãnh đạo Công ty Cấp nước Đồng Nai. Mặc dù dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ theo kỳ vọng của các bên nhưng ông Thành cùng cộng sự vẫn đang nỗ lực, chủ động tìm mọi phương án, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đồng thời, Công ty đang đề nghị UBND tỉnh, Tổng Công ty Phát triển KCN và các ngành chức năng xem xét bổ sung nguồn vốn nhà nước sở hữu để tăng vốn điều lệ cho công ty đảm bảo hoạt động.


Phát triển mạng lưới cấp nước vẫn là mục tiêu số 1


Tính đến nay, mức đầu tư phát triển cơ sở vật chất của Công ty Cấp nước Đồng Nai đã đạt trên 1.000 tỷ đồng. Công ty đã đầu tư nâng công suất từ 77.800m3/ngày (năm 2000) lên 234.900m3/ngày (năm 2011), qua đó số lượng khách hàng được sử dụng nước máy năm 2000 là: 28.130 hộ đã nâng lên 115.557 hộ vào năm 2011.


Bên cạnh đó, Công ty cũng chú trọng đầu tư mạnh mẽ cho nguồn nhân lực nhằm đáp ứng tốc độ phát triển mạng lưới cấp nước của Công ty. Qua đó, đội ngũ nhân sự của Công ty không ngừng lớn mạnh, năm 2000 Công ty chỉ có 332 người đến năm 2011 đã có 875 người. Số lao động có trình độ đại học năm 2000 chỉ có 45 người, đến năm 2011 đã có 230 người. Với những bước đầu tư hợp lý cho nguồn lực phát triển, Công ty Cấp nước Đồng Nai hiện là một thương hiệu vững mạnh trong ngành cấp nước với công suất cấp nước đứng thứ 3 trên toàn quốc. Hiện nay, Công ty đã đáp ứng được 95% nhu cầu sử dụng nước của các hộ dân ở thành phố Biên Hòa. Bên cạnh đó là các trung tâm huyện, thị xã trong tỉnh, với mức giá hợp lý so với giá ở các tỉnh, thành phố khác trong khu vực, đồng thời cung ứng nước sạch cho nhiều KCN: Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata, Loteco, Hố Nai, Bàu Xéo, Sonadezi Long Thành, Nhơn Trạch với tổng công suất hơn 200.000 m3/ngày.


Ông Đặng Trọng Thành cho biết, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong thời gian sắp tới, Công ty Cấp nước Đồng Nai sẽ tiếp tục mở rộng quy mô công suất và đầu tư mới các nhà máy cấp nước bằng nguồn vốn của khách hàng nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của các KCN và khu dân cư, phấn đấu đến 2015 đáp ứng tổng nhu cầu nước sạch của đô thị và các KCN tập trung là 520.000 m3/ngày và đến năm 2030 là khoảng 1.000.000 m3/ngày theo quy hoạch cấp nước đô thị của tỉnh đã được phê duyệt.


Ngoài việc mở rộng mạng lưới, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Đồng Nai đang tập trung vào việc đảm bảo chất lượng nước và đặc biệt là cố gắng hạn chế tỷ lệ thất thoát nước bằng nhiều giải pháp như cải tạo hợp lý các mạng lưới cấp nước cũ, thường xuyên gây rò rỉ thất thoát; tăng cường công tác quản lý kỹ thuật mạng lưới, lắp đặt các thiết bị an toàn bảo vệ các tuyến ống tránh thất thoát nước, vận hành hợp lý giờ chạy máy bơm nhằm tiết kiệm điện sản xuất, giảm được các khoản chi phí và tăng lợi nhuận.


“Đối với ngành cấp nước, việc đầu tư xây dựng phát triển các hệ thống cấp nước gồm nguồn nước và mạng lưới cấp nước phải tính đến nhu cầu sử dụng từ 10 - 20 năm, do đó nhu cầu về nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản là rất lớn. Công ty đã tập trung sử dụng nhiều nguồn vốn như vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, các nguồn tín dụng, huy động khách hàng. Vì nguồn vốn vay để đầu tư rất lớn cho nên việc trả nợ vốn vay và lãi vay các dự án đầu tư phát triển nguồn nước luôn là áp lực đối với Công ty. Tuy nhiên, với phương thức đầu tư gối đầu, doanh thu từ các nhà máy đã hoàn thành trước đây đã giúp Công ty Cấp nước Đồng Nai đảm bảo nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và có nguồn trả nợ ODA. Trong thời gian tới, nếu tiến độ các dự án mới hoàn thành như kỳ vọng của các bên thì Công ty sẽ có thêm nguồn doanh thu ổn định để tiếp tục đầu tư cho mạng lưới cung cấp nước sạch của tỉnh”, ông Thành chia sẻ.


Hoàng Châu