10:23 06/10/2015

Nỗ lực ngăn chặn dịch sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang diễn biến phức tạp khi số ca nhập viện vẫn chưa có chiều hướng giảm xuống và xuất hiện nhiều ca nặng. Tính đến nay, cả nước đã có 40.000 ca bệnh, trong đó có gần 30 trường hợp tử vong.


Diễn biến phức tạp

Theo thống kê của Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, tính đến ngày 6/10, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 779 ca mắc SXH. Các ca mắc rải rác từ đầu năm tới nay nhưng tăng đột biến trong 2 tháng gần đây (tháng 8 có 188 bệnh nhân, tháng 9 có 343 bệnh nhân); đặc biệt chỉ trong 5 ngày, từ 1- 5/10, đã có 93 bệnh nhân tới khám và nhập viện. Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, hơn 88% là bệnh nhân ở Hà Nội, chủ yếu đến từ các quận, huyện đang có nhiều ổ dịch như quận Hoàng Mai có 186 bệnh nhân, chiếm 26,9%; Hai Bà Trưng 108 bệnh nhân, chiếm 15,6%, Thanh Trì 79 bệnh nhân chiếm 11,4%...

Tại TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, số bệnh nhân SXH đến khám, nhập viện và số ca bị nặng đều cao hơn so với năm 2014. Riêng trong tháng 10, số ca SXH tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay có 2.832 ca điều trị nội trú bệnh SXH, trong đó có 5 trường hợp tử vong và 2 bệnh nhi bị nặng xin về. Hiện tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 103 bệnh nhi bị SXH điều trị nội trú, trong đó có 7 ca nặng có dấu hiệu cảnh báo phải điều trị tích cực. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh, trung bình có 300 bệnh nhân nhập viện/tuần và 3 ca tử vong. Bác sĩ Lê Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, dù đã phải bố trí thêm 150 giường và tận dụng thêm hành lang để cho trẻ nằm điều trị.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, gần đây số ca mắc SXH liên tục tăng và lan rộng ra các quận, huyện. Tính đến ngày 1/10 toàn TP có 10.624 ca nhập viện, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 5 ca tử vong (2 trẻ em, 3 người lớn). “Hiện dịch đang ở mức cảnh báo nhưng chưa qua được ngưỡng báo động dịch", bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết.

Tập trung phòng dịch

Tại Hà Nội, công tác phòng dịch được tiến hành khá quyết liệt. Toàn thành phố đã tổ chức 490 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; 39 chiến dịch phun hóa chất diện rộng tại 10 quận, huyện trọng điểm về SXH. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 65% hộ gia đình đã được phun thuốc, vẫn còn hơn 35% số hộ từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế hoặc đi vắng.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc tăng cao do năm 2015 là năm chu kỳ dịch của bệnh, bên cạnh đó Hà Nội có nhiều điểm công trình xây dựng, dự án bỏ hoang là ổ tập trung phát triển muỗi. Bên cạnh đó là ý thức phòng dịch tại một số làng nghề còn thấp, đơn cử như làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì) mua bán phế liệu để tồn đọng vũng nước tại các đồ phế liệu là nơi muỗi sinh sôi. Do đó, đối với dịch SXH, công tác phòng chống dịch đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trưởng Ban chỉ đạo phòng dịch TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện như Hoàng Mai, Thanh Trì... tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng dịch bệnh; huy động cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể cùng vào cuộc quyết liệt cùng với ngành y tế để có thể dập dịch một cách nhanh nhất. Nếu gia đình nào không hợp tác trong công tác phòng dịch SXH cần xử phạt hành chính nhằm hạn chế ca mắc mới, ngăn chặn và khống chế dịch, đồng thời phát động tổng vệ sinh vào thứ bảy hàng tuần.

Trước nguy cơ bùng phát dịch, Sở Y tế Hà Nội cũng đã lập 5 đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh SXH trên 24 quận huyện, tập trung công tác phòng chống dịch bệnh vào những điểm có nguy cơ, thành lập các đội diệt lăng quăng... Thành phố áp dụng quy định xử phạt đối với những trường hợp không tuân thủ công tác phòng chống dịch bệnh.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Ytế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, một số quận, huyện đã áp dụng Nghị định 176, tiến hành xử phạt từ 750.000 đồng đến 1,5 triệu đồng đối với 6 công trình xây dựng, doanh nghiệp sản xuất tại 2 quận Bình Thạnh và Tân Phú vì không thực hiện những hướng dẫn về vệ sinh môi trường trong phòng chống dịch. Các địa phương cũng bắt đầu áp dụng cách làm này. Theo Trưởng Trạm Y tế phường Phú Thạnh (quận Tân Phú), phường đã thành lập đội phòng chống dịch lưu động, diệt lăng quăng các vùng có nguy cơ, đồng thời rà soát lại các công trình trên địa bàn phường và buộc những công trình đó phải ký cam kết ngay từ khi khởi công và phun thuốc diệt muỗi theo định kỳ.
Nhóm phóng viên