11:18 25/11/2020

Nỗ lực hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản gặp khó khăn do dịch COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại tại nhiều địa phương Nhật Bản kéo theo cuộc sống của nhiều thực tập sinh và du học sinh Việt Nam ngày càng trở nên khó khăn hơn, phóng viên TTXVN tại Tokyo đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam về tình hình người Việt Nam tại Nhật Bản cũng như các biện pháp mà Đại sứ quán Việt Nam đang triển khai để hỗ trợ cộng đồng.

Chú thích ảnh
Đại sứ Vũ Hồng Nam trả lời phỏng vấn TTXVN. Ảnh: Đào Thanh Tùng/PV TTXVN tại Nhật Bản

Đại sứ Vũ Hồng Nam khẳng định dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng người Việt Nam vì phần lớn các thực tập sinh Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi nhiều học sinh Việt Nam sang Nhật Bản du học dưới dạng tự túc phải đi làm để kiếm thêm thu nhập. Đây là các đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch COVID-19 trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phải thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân công và thậm chí, phải ngừng hoạt động. Tình hình này đã khiến số lượng người Việt Nam muốn hồi hương tăng đột biến.  

Do đó, trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tích cực triển khai nhiều biện pháp. Đại sứ quán đã đặt ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, vận động cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch, tuân thủ các quy định về phòng dịch. Bên cạnh đó, Đại sứ quán đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ cho các thực tập sinh và du học sinh Việt Nam gặp khó khăn duy trì cuộc sống trong lúc chờ các chuyến bay. Chính phủ đã bố trí các chuyến bay để đưa công dân về nước.

Tuy nhiên, do khả năng tiếp nhận của các cơ sở cách ly ở trong nước vẫn hạn chế nên mỗi tháng, chỉ có một số lượng nhất định, khoảng 1.000 người, được hồi hương. Các đối tượng được ưu tiên hồi hương là phụ nữ có thai, đặc biệt là những bạn nữ có thai mà mất việc; những người có bệnh nền; người già và trẻ em; các đối tượng mất việc lâu ngày, không có chỗ ở. Đến nay, khoảng 10.000 công dân về nước trong tổng số 30.000 người đăng ký.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã nỗ lực vận động chính quyền Nhật Bản và các công ty cho phép các lao động hết hạn hợp đồng được gia hạn và được tiếp tục làm việc. Hiện khoảng 10.000 người đăng ký về nước đã được tiếp tục làm việc. 

Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, tại thời điểm hiện nay, vấn đề khó khăn hơn cả là hỗ trợ cho những người không thu xếp được công việc, không có chỗ ăn, chỗ ở và đặc biệt là các lao động tự do. Thời gian qua, có một số người Việt Nam lao động tự do ngoài hợp đồng ở Nhật Bản. Đây là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch bởi họ không có hợp đồng nên không có cơ chế gì để bảo hiểm cho họ, không có công ty hay cơ quan nào hỗ trợ chỗ ăn, chỗ ở, hoặc thu xếp việc làm. Do đó, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức từ thiện để mở các khu cung cấp chỗ ở miễn phí cho các đối tượng này. Tính đến nay, đã có 4 khu như vậy được mở ra, hỗ trợ cho khoảng 1.000 người, trong đó có nhiều lao động tự do. 

Đại sứ Vũ Hồng Nam khẳng định Đại sứ quán Việt Nam đã cơ bản giải quyết các khó khăn của cộng đồng và từ nay tới Tết Nguyên đán sẽ cố gắng để hồi hương các đối tượng không có công ăn việc làm.

Trong bối cảnh, gần đây, ở Nhật Bản đã xảy ra một số vụ mất mát tài sản như hoa quả và gia súc của nông dân có liên quan tới người nước ngoài. Dù không nhiều nhưng các vụ việc này lại tác động mạnh tới dư luận bởi ở Nhật Bản, rất ít xảy ra hiện tượng ăn cắp vặt. Bên cạnh đó, các vụ việc trên đã động chạm vào đối tượng nhạy cảm nhất trong xã hội Nhật Bản là nông dân. Vì thế, có một luồng dư luận phản đối người lao động nước ngoài gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội và văn hóa mà nước Nhật đã xây dựng trong suốt chiều dài lịch sử.

Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, Đại sứ quán Việt Nam đã nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc và đã họp với tất cả các hội của người Việt Nam để tìm cách ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ việc như trên đối với cộng đồng người Việt. Đại sứ quán đã kêu gọi cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản tôn trọng sở hữu cá nhân, tuyệt đối không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Lời kêu gọi đó đã nhận được sự hưởng ứng rất mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Đại sứ Vũ Hồng Nam cũng cho rằng về lâu dài, việc quan trọng nhất là phải đưa các lao động tự do về nước. Đây là công việc khó khăn và phức tạp vì liên quan tới pháp luật, liên quan tới hợp đồng với các công ty mà họ đã làm trước đây, trong khi số lượng chuyến bay vẫn còn hạn chế và số lượng công dân cần phải ưu tiên về nước vẫn còn rất nhiều. Mặc dù vậy, Đại sứ quán vẫn xác định cần giải quyết song song vấn đề hồi hương cho những người có nguy cơ cao và các đối tượng đang gặp khó khăn.

Đào Thanh Tùng - Bùi Đức Thịnh (TTXVN)