11:16 10/11/2015

Nỗ lực hàn gắn quan hệ Mỹ - Israel

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có cuộc hội đàm tại Nhà Trắng sau hơn một năm và 4 tháng không có các cuộc điện đàm.


Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) có cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang trong chuyến thăm Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự kiện này cho thấy dấu hiệu ấm dần lên trong mối quan hệ giữa hai đồng minh chủ chốt này. Tạm gác lại những bất đồng liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ và các cường quốc thuộc Nhóm P5+1 đạt được hồi tháng 7 vừa qua, tại cuộc hội đàm kín kéo dài hai giờ, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận cách thức hợp tác trong một số vấn đề cùng quan tâm. Tổng thống Obama khẳng định vấn đề an ninh của Israel là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời bày tỏ mong muốn thảo luận với người đứng đầu chính phủ Israel về khả năng nối lại các vòng đàm phán hòa bình sau những căng thẳng gần đây giữa người Israel và Palestine. Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh mối quan hệ bền vững giữa hai đồng minh Mỹ và Israel trong việc chia sẻ các lợi ích và giá trị chung. Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước với việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập phi quân sự và thừa nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái.

Một nội dung khác được dư luận quan tâm tại cuộc gặp lần này của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Israel là thỏa thuận viện trợ quân sự của Mỹ mà Israel kỳ vọng sẽ được nâng lên 5 tỷ USD/năm trong vòng 10 năm so với 3,1 tỷ USD hàng năm hiện nay. Cùng với đó là thỏa thuận mua bán vũ khí quy mô lớn được đánh giá là một trong những cầu nối giúp hai bên vượt qua những bất đồng đang ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh tồn tại nhiều thập kỷ qua.

Lực lượng an ninh Israel làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ tấn công ở giao lộ Tapuah, Nablus, Bờ Tây ngày 8/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ và Israel có nhiều lý do để xích lại gần nhau. Giới phân tích nhận định cuộc gặp ngày 9/11 là nỗ lực của Tổng thống Obama nhằm từng bước hàn gắn các mối quan hệ với đồng minh Israel trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ. Nhà lãnh đạo Mỹ mong muốn trước khi rời nhiệm sở vào năm 2016 sẽ giải quyết ổn thỏa tình trạng bất ổn và cải thiện quan hệ với các đồng minh then chốt tại Trung Đông, đặc biệt là mối quan hệ với Israel - vốn bị "phủ bóng đen" do những bất đồng liên quan tới thỏa thuận hạt nhân với Iran. Washington lo ngại sự phản đối của Tel Aviv và một số nước khu vực đối với thỏa thuận hạt nhân với Tehran sẽ "châm ngòi" cho một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Trung Đông, cũng như khả năng các quốc gia vùng Vịnh tăng cường xây dựng liên minh để kiềm chế ảnh hưởng của Tehran, khiến tình hình tại "chảo lửa" này càng thêm phức tạp. Ngoài ra, giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Israel và Palestine cũng là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng nhằm khẳng định vị thế của Mỹ tại Trung Đông.

Về phía Israel, những tháng cuối cùng tại nhiệm sở của Tổng thống Obama cũng là một giai đoạn quan trọng đối với an ninh của nước này. Tiến trình hòa bình Trung Đông đã bị đình trệ từ năm ngoái sau khi các nỗ lực ngoại giao của Mỹ không đem lại hiệu quả. Trong khi đó, xung đột giữa người Palestine và Israel vẫn tiếp diễn trong thời gian qua, gây thương vong lớn cho cả hai bên, đồng thời gây phương hại tới uy tín của chính quyền Thủ tướng Netanyahu. Mặc dù chính phủ liên minh của ông Netanyahu với đa số ghế trong quốc hội dường như vẫn được đảm bảo (một phần vì các đảng phái ở Israel thường không chia rẽ trong các tình huống an ninh khẩn cấp), song có thể thấy được những rạn nứt trong nội bộ.

Trong thời gian tới, nếu Israel và Palestine không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và có sự nhượng bộ lẫn nhau, cộng đồng quốc tế không có giải pháp kịp thời, thì tình hình bạo lực leo thang căng thẳng giữa hai bên sẽ đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông rơi vào bế tắc và hy vọng về giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại hòa bình sẽ càng trở nên xa vời.

Có thể thấy, cuộc gặp giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Obama đã không tạo ra được sự đột phá mà chủ yếu mang ý nghĩa hàn gắn mối quan hệ song phương vốn bị rạn nứt. Mặc dù chưa thể hóa giải mọi bất đồng và căng thẳng chỉ bằng một chuyến thăm, nhưng sự kiện này có ý nghĩa như bước khởi động cho tiến trình "hâm nóng" mối quan hệ giữa hai đồng minh.

Phan An