02:00 01/02/2012

Nỗ lực để thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm

Từ sáng nay, 1/2, Hà Nội thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm tại 10 quận và 2 huyện (Từ Liêm, Thanh Trì) của thành phố theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

Từ sáng nay, 1/2, Hà Nội thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm tại 10 quận và 2 huyện (Từ Liêm, Thanh Trì) của thành phố theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Nhiều gia đình, công sở, trường học đã sẵn sàng cho ngày đầu tiên “ra quân” này.

Điều chỉnh giờ học, giờ làm - Một trong những giải pháp giảm thiểu nạn ùn tắc giao thông.


Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, sau khi có quyết định 315 của TP, Sở GD - ĐT đã có văn bản số 2958/SGD&ĐT- HSSV ngày 18/1/2012 để hướng dẫn các đơn vị thực hiện quyết định này. Theo đó các đơn vị cần chủ động bố trí điều kiện cơ sở vật chất, sắp xếp lịch làm việc và học tập để thực hiện đúng quy định của thành phố, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động. Sở cũng yêu cầu trong những ngày đầu thực hiện, các nhà trường cần tạo điều kiện cho những học sinh dù có bị đến muộn cũng vẫn được vào lớp, hoặc cha mẹ đến đón muộn thì các trường phải có biện pháp quản lý học sinh. Trong tổng số hơn 510.000 học sinh thuộc đối tượng phải điều chỉnh giờ học thì có hơn 90.000 em là học sinh THPT, có khoảng gần 40% học ca chiều. Với các lớp này, các trường cần đảm bảo đủ điện ánh sáng cho các em học tập khi trời tối. Sân trường phải bố trí đèn điện cho các em lấy xe ra về…

Bà Bùi Thị Minh Nga, Hiệu phó trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm, bày tỏ: 19 giờ học sinh cấp III mới tan, buổi tối học sinh đi lại cũng rất lo, mặt khác lịch dạy của giáo viên cũng có thay đổi. Tất nhiên thay đổi thói quen là một việc khó nhưng nhà trường sẽ tùy theo tình hình thực tế để có những điều chỉnh phù hợp.

Một giáo viên trong trường chia sẻ: “Theo giờ học mới thì khoảng 19 giờ 30 phút giáo viên mới về được tới nhà. Sau đó là việc nhà và soạn bài giảng, đi ngủ cũng đã muộn. Sáng sớm hôm sau lại phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị việc nhà và kịp giờ lên lớp”.

Em Nguyễn Thị Thơm, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội (huyện Từ Liêm) nói: “Theo lịch học tín chỉ của trường, ca 1 học từ 7 - 12 giờ, ca 2 từ 12 giờ 30 phút - 17 giờ 30 phút, ca 3 từ 18 - 21 giờ. Nếu theo giờ học mới thì 19 giờ tối mới kết thúc ca chiều, và sẽ đẩy lùi ca 3, mà chúng em không thể học đến tận 22 giờ đêm được. Đó là chưa kể nhiều bạn nhà xa, đi học bằng xe buýt, giờ đó nhiều tuyến cũng đã kết thúc”.

Cũng theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội thì quy định mới về giờ học khiến một số đối tượng gặp khó khăn, ví dụ học sinh THPT tan học sau 19 giờ sẽ phải về nhà ăn cơm rất muộn (học sinh THPT không phân tuyến theo phường, quận như bậc tiểu học và THCS). Hoặc với bậc THCS thì thời gian giữa kết thúc ca sáng và bắt đầu ca chiều của THCS chỉ có 15 - 20 phút (để ca chiều có thể về lúc 17 giờ) sẽ có thể gây ùn tắc trước cổng trường. Với trường hợp này, các phòng GD - ĐT (cơ quan quản lý trực tiếp cấp học THCS) phải báo cáo UBND quận, huyện để tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, thực tế ở từng trường mà có hướng dẫn cụ thể, đề ra các biện pháp khắc phục…

Với việc điều chỉnh giờ làm, giờ học, nhiều gia đình, nhiều cơ quan, các cơ sở giáo dục đã dự tính được trước những bất cập gặp phải. Nhưng theo ghi nhận, đa số ý kiến đều cho rằng, vấn đề ùn tắc giao thông của Hà Nội đã trở thành một vấn nạn. Vì vậy khi Hà Nội áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó có điều chỉnh giờ học, giờ làm thì mỗi một cá nhân hay đơn vị, tổ chức cần phải nỗ lực để từng bước khắc phục khó khăn, bên cạnh đó, các cơ quan quản lý trong quá trình thực hiện sẽ dựa trên tình hình thực tế để có những điều chỉnh thích hợp nhằm mang lại hiệu quả.

Lê Vân