03:17 21/03/2022

Nỗ lực của phương Tây nhằm tăng sức mạnh phòng không cho Ukraine gặp trở ngại

Các trận không kích của Nga tại Ukraine, mới nhất là bằng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, cho thấy những hệ thống mà Ukraine sở hữu như Patriot và S-300 có thể không đủ sức chống lại kho vũ khí của Moskva. 

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu MiG-31 của Nga chở theo tên lửa siêu vượt âm Kinzhal bay qua Quảng trường Đỏ.  Ảnh: AFP

Không muốn tham gia vào xung đột trực tiếp với Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết viện trợ cho Ukraine các hệ thống phòng không có tầm bắn xa hơn tên lửa vác vai Stinger. Nhưng trên thực tế, việc tìm ra các khẩu đội phòng không cực mạnh mà quân đội Ukraine đang cần gấp lại không hề dễ dàng.

Các khẩu đội phòng không di động như Patriot là một phương án lý tưởng. Hiệu quả phòng thủ của nó đã được chứng minh trong những chiến dịch quân sự gần đây ở Iraq và Vịnh Ba Tư.

Tuy nhiên, chưa rõ liệu hệ thống do Mỹ sản xuất này có đủ khả năng phòng thủ trước các tên lửa mới nhất trong kho vũ khí của Nga hay không.

Hôm 19/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo một ngày trước đó, lần đầu tiên họ sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal để phá hủy một kho vũ khí dưới lòng đất ở miền Tây Ukraine.

Patriot được gắn trên xe tải di động cũng như trang bị radar có khả năng tự động phát hiện và đánh chặn các mục tiêu như máy bay, máy bay không người lái hoặc tên lửa trong bán kính 100 km. Hệ thống này còn có một trạm giám sát do ba binh sĩ điều khiển và một dàn tên lửa đánh chặn.

Nhưng tên lửa siêu vượt âm bay nhanh hơn nhiều so với tên lửa hành trình truyền thống. Hơn nữa, quân đội Ukraine hiện chưa được đào tạo để xử lý hệ thống Patriot tinh vi của Mỹ.

Mặt khác, các lực lượng của Uktaine hiện nay lại quen thuộc với hệ thống phòng không S-300 - đối thủ cạnh tranh thế hệ đầu tiên của Liên Xô với Patriot của Mỹ, có tầm bắn hạn chế hơn nhưng đủ để bảo vệ hai thành phố gần biên giới Nga là Kharkiv hoặc Kyiv (Kiev). Những chiếc S-300 này có thể được viện trợ từ các nước thuộc khối Liên Xô cũ, chẳng hạn như Slovakia và Bulgaria, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vừa đến thăm mới đây. 

Thế nhưng, các quốc gia đó vẫn phụ thuộc vào S-300 để bảo vệ an ninh nên đã yêu cầu phương án thay thế, hay nói rõ hơn là Patriot, trước khi trao chúng cho Ukraine.

“Chúng tôi sẽ ngay lập tức làm như vậy khi chúng tôi có thứ thay thế thích hợp”, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad trả lời phóng viên sau cuộc gặp với Bộ trưởng Mỹ Austion ở Bratislava hôm 17/3. 

Chú thích ảnh
 Binh sĩ Mỹ điều chỉnh khẩu đội tên lửa Patriot. Ảnh: AP

Đáp lại lời kêu gọi trên, Hà Lan tuyên bố sẽ triển khai một khẩu đội Patriot tới căn cứ quân sự Sliac ở miền Trung Slovakia, trong khi Đức cũng xác nhận sẽ gửi thêm hai khẩu đội cho Slovakia. Động thái này có thể tạo điều kiện thuận lợi để Slovakia chuyển giao tổ hợp S-300 duy nhất cho Ukraine.

Dù vậy, vũ khí của Đức và Hà Lan sẽ không sớm cập bến Slovakia. Hà Lan dự kiến bàn giao sớm nhất vào ngày 15/4, trong khi Kiev đang ở thế “nước sôi lửa bỏng”.

Nga cả khi một số quốc gia có thể sẵn sàng cung cấp tên lửa dự phòng S-300 cho Kiev, Ukraine vẫn cần rất nhiều hệ thống hoàn chỉnh, gồm cả radar và trạm giám sát.

Ông Brent Eastwood, chuyên gia quân sự tại tạp chí điện tử 1945 chuyên về chính sách đối ngoại, cho rằng một khẩu S-300 của Slovakia chưa đủ tiếp thêm sức mạnh cho Kiev. 

Ukraine có khoảng 100 khẩu đội S-300 trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự vào tháng trước. Và quân đội Nga tuyên bố đã tiêu diệt khoảng 40 khẩu ngay khi mở màn chiến dịch. Theo ông Eastwood, Ukraine là đất nước rộng lớn và chỉ bảo vệ một thành phố thôi cũng cần bố trí nhiều vũ khí phòng thủ. 

Hy Lạp, một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác, cũng sở hữu S-300, nhưng họ cũng cần được cung cấp Patriot để thay thế. Ngay cả khi Lầu Năm Góc, với kho Patriot tương đối hạn chế, quyết định cho các nước này mượn Patriot thì cũng phải mất vài tuần chúng mới đến nơi.

Washington đang cố gắng thuyết phục các đồng minh ở những khu vực khác cho mượn vũ khí, song một lần nữa, điều đó không hề đơn giản. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mỹ Mark Milley có thể đã yêu cầu Nhật Bản giúp đỡ khi điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản vào tuần trước. Hai ông đã thảo luận về môi trường an ninh hiện tại ở Thái Bình Dương và xung đột Nga - Ukraine.

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo AFP)