03:09 28/03/2012

Nỗ lực bảo tồn Nhã nhạc cung đình Huế

Không thể "bỏ quên" một đặc sản văn hóa phi vật thể có một không hai này, nên tại Festival Huế 2012, một lần nữa Nhã nhạc cung đình Huế sẽ được tôn vinh trong lễ hội "Ngự thuyền khám phá sông Hương" và "Đêm Hoàng Cung"...

Không thể "bỏ quên" một đặc sản văn hóa phi vật thể có một không hai này, nên tại Festival Huế 2012, một lần nữa Nhã nhạc cung đình Huế sẽ được tôn vinh trong lễ hội "Ngự thuyền khám phá sông Hương" và "Đêm Hoàng Cung", nhằm đưa bộ môn nghệ thuật vốn chỉ phục vụ trong cung vua xưa đến rộng rãi với công chúng. Các hoạt động của "Đêm Hoàng Cung" sẽ được bố trí trên 3 trục chính: Trục giữa (từ Ngọ Môn đến nền điện Kiến Trung), trục trái (từ Thế Miếu đến cung Trường Sanh) và trục phải (từ phủ Nội Vụ đến vườn Cơ Hạ), với các trò chơi cung đình, chương trình Dạ nhạc tiệc cung đình, Đêm Phương Đông, và các vũ khúc cung đình...

Bên cạnh đó, nhằm không ngừng bảo tồn và phát huy giá trị của Nhã nhạc, hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung thực hiện hàng chục chương trình, dự án có liên quan tới Nhã nhạc như nghiên cứu xây dựng Trung tâm nghiên cứu Văn hóa phi vật thể vùng Huế; Củng cố và phát triển về cơ sở vật chất và diễn viên cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế để thành trung tâm của các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống Cung đình ở Việt Nam; Tiến tới tổ chức định kỳ các chương trình biểu diễn giao lưu nghệ thuật quốc tế giữa Nhã nhạc Cung đình Huế với các nghệ thuật biểu diễn Cung đình của một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Múa "Lục cúng hoa đăng". Ảnh: Nhật Anh-TTXVN


Trước mắt, tỉnh đang tiếp tục cập nhật và bổ sung thông tin, dữ liệu về các nghệ nhân, các nhân chứng của Nhã nhạc, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về giá trị lịch sử và nghệ thuật, các hình thức diễn tấu, các bài bản hiện còn và đang bị thất lạc, mở rộng nghiên cứu về các lễ hội cung đình của triều Nguyễn; tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác trong nghiên cứu tư liệu và công nghệ chế tác nhạc cụ truyền thống, quảng bá và cung cấp thông tin cho cộng đồng, chuẩn hóa về chương trình biểu diễn Nhã nhạc và múa cung đình, về trang phục và phong cách biểu diễn...

Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, từ năm 2003, khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đến nay, Trung tâm đã sưu tầm, bảo tồn và dàn dựng được hơn 30 nhạc chương trong các lễ tế, 40 nhạc khúc được diễn tấu với nhiều loại tiểu nhạc, đại nhạc, gần 20 điệu múa cung đình đã được phục hồi, 3 vở tuồng cổ được dàn dựng. Trung tâm tổ chức tốt công tác truyền nghề từ các nghệ nhân Nhã nhạc Huế còn lại trên đất Cố đô, Thừa Thiên - Huế; tổ chức 4 lớp đào tạo diễn viên với nhiều chương trình như Nhã nhạc, tuồng và múa cung đình... bổ sung cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiến hành nhiều cuộc điền dã ở thành phố Huế và các vùng phụ cận, gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, những người vốn trước đây đã có thời gian phục vụ và làm việc trong cung dưới thời các vua cuối cùng của triều Nguyễn. Nhiều tư liệu quý về các loại hình Nhã nhạc, tuồng và múa cung đình đã được thu thập, trên cơ sở đó nhóm nghiên cứu đã tập hợp, phân loại và xây dựng thành bộ hồ sơ khoa học. Đến thời điểm hiện tại, bộ hồ sơ khoa học này đã thu được 250 trang viết, giới thiệu về sự nghiệp của nghệ nhân, nghệ sĩ và ký âm các bài bản do họ thể hiện, 22 băng ghi âm, 45 đĩa DVD với nội dung ghi lại các kỹ thuật trình tấu, kỹ năng nghề nghiệp của nghệ nhân, nghệ sĩ thuộc bộ môn Nhã nhạc cung đình Huế.

Quốc Việt