10:18 13/10/2021

Nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân trong và sau đại dịch COVID-19

Trong khuôn khổ các hoạt động liên quan đến chủ đề phòng, chống và đẩy lùi dịch COVID-19, huy động nguồn lực tham gia phòng, chống COVID-19, chiều 13/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Viện Phát triển Sức mạnh cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) tổ chức Hội thảo về chủ đề “An sinh xã hội”, tại Hà Nội.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các đơn vị trực thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Chú thích ảnh
Người dân thuộc nhóm đối tượng khó khăn của huyện Cần Giuộc (Long An) đến nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội. Ảnh tư liệu: Bùi Giang/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Thạc sỹ Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định trong những năm tới tiếp tục: "Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển đổi mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân ". Điều này đã khẳng định an sinh xã hội, an ninh con người được xác định là yếu tố xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước.

Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, song với vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, đất nước ta đã nỗ lực cố gắng hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh.

Bàn về chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Sức mạnh cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) cho rằng, an sinh xã hội là chính sách hệ thống, các chương trình của Nhà nước nhằm hỗ trợ, giúp đỡ toàn xã hội hoặc các cá nhân, doanh nghiệp gặp rủi ro, xã hội để bảo vệ mức thu nhập tối thiểu, nâng cao đời sống và hỗ trợ cho người nghèo. Theo đó, tất cả các khoản phúc lợi an sinh xã hội đều đại điện cho các loại hình trợ cấp xã hội (dựa trên đóng góp: bắt buộc hay tự nguyện) hoặc dưới dạng tiền mặt, hiện vật cho các nhóm khác nhau trong xã hội. Hiện an sinh xã hội ở Việt Nam đã tiếp cận đến các dịch vụ y tế (tỷ lệ bao phủ dân số cao 90%, các gói y tế khá toàn diện. Tuy nhiên, diện bao phủ của các chương trình an sinh xã hội còn thấp (dưới 20% hộ gia đình ở Việt Nam được hưởng chương trình an sinh xã hội (thu nhập); mức hưởng thấp (mức hưu trí xã hội chỉ 38,6%); bất bình đẳng xã hội (khoảng 50% chi cho an sinh xã hội từ ngân sách là cho người có công, trẻ em …)

Đề xuất định hướng đổi mới và mở rộng an sinh xã hội ở Việt Nam, Tiến sỹ Lưu Quang Tuấn, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, trước hết Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế (hiện thực hóa Hiến pháp) và ứng dụng hợp lý các lý thuyết, sáng kiến về an sinh xã hội; hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội đa tầng, có khả năng hỗ trợ lẫn nhau và ứng phó tốt trước các cú sốc (biến đổi khí hậu, dịch bệnh..; tăng cường an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi, trẻ em; chú ý các nhóm bị bỏ sót (nhóm trung lưu; nhóm di cư; người bị rủi ro (bệnh tật), mất nguồn thu nhập… Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu an sinh xã hội theo hướng hiện đại nhằm tối đa hóa lợi ích trong quản lý, sử dụng và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan; đối tác; nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội… Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức xã hội cũng rất quan trọng bởi họ hỗ trợ, trợ giúp cư dân để họ tự tin, tăng cường tiếng nói và đảm bảo quyền an sinh xã hội, nhất là những người yếu thế, dễ bị tổn thương; giám sát, đánh giá thực trạng chính sách và tình hình tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; vận động chính sách thông qua kênh quan hệ sẵn có…

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin nhằm tăng cường sự hiểu biết chung về các chủ đề liên quan đến an sinh xã hội ở trong nước và quốc tế, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Đồng thời, các đại biểu đề xuất các giải pháp góp phần thúc đẩy vai trò của Liên hiệp hội Việt Nam cũng như các tổ chức khoa học và xã hội trực thuộc trong quá trình tham gia xây dựng và triển khai hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam, có tính đến việc tham mưu, đề xuất các sáng kiến xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội trong và sau đại dịch.

Lý Thanh Hương (TTXVN)