08:09 11/08/2014

Nợ công - rào cản lớn của 'Giấc mộng Trung Hoa'

Việc phải giải quyết số lượng nợ lớn chưa từng có dồn lại trong những năm gần đây đang thách thức quyết tâm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chính phủ của ông.

Trong bài diễn văn nhậm chức hồi năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm phục hưng đất nước và thúc đẩy sự tiến bộ con người. Tuy nhiên, việc phải giải quyết số lượng nợ lớn chưa từng có dồn lại trong những năm gần đây đang thách thức quyết tâm của ông.


Nếu như tăng trưởng của Trung Quốc có được một phần nhờ khoản đầu tư tài chính bằng nợ, thường tồn tại trong các dự án cơ sở hạ tầng và nhà ở, thì bất kỳ nỗ lực nào nhằm kiểm soát được sự tăng trưởng về tín dụng dường như đều khiến nền kinh tế thứ hai thế giới này hạ cánh cứng. Viễn cảnh đó đang khiến giới chức Bắc Kinh phải trì hoãn các cải cách kinh tế quan trọng.


Trung Quốc theo đuổi "Giấc mộng Trung Hoa” nhằm "phục hưng" đất nước.


Dẫn chứng là, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc 6 tháng đầu năm là 250%, vẫn thấp hơn nhiều so với phần lớn các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh và Nhật Bản với tỷ lệ nợ/GDP tính đến cuối năm 2013 lần lượt là khoảng 260%, 277% và 415%. Nhưng điều đáng quan tâm là nợ Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ rất nhanh so với GDP kể từ năm 2009 đến nay, trong khi kinh tế lại tăng trưởng chậm hơn. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Chen Long gánh nặng nợ của Trung Quốc hiện cao hơn rất nhiều so với mức chuẩn của khối thị trường mới nổi.


Thực trạng khó khăn này và sự bùng nổ về đầu tư tại Trung Quốc hiện nay rất giống với tình hình Nhật Bản hồi những năm 1980. Theo đó, giống như Trung Quốc, Nhật Bản có tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cao, khiến các nhà đầu tư ỷ lại vào các khoản vay ngân hàng nội địa. Ngoài ra, sợi dây liên kết giữa các lĩnh vực làm gia tăng nguy cơ tài chính tiềm tàng.


Một sự tương đồng khác đó là sự tích lũy nợ trong các lĩnh vực. Chỉ số vay nợ công ty tại Trung Quốc tăng từ mức 2,4 lần số vốn của công ty trong năm 2007 lên mức 3,5 lần trong năm 2013, cao hơn nhiều so với các mức tại Mỹ và châu Âu. Trong đó, gần một nửa số nợ đáo hạn trong vòng 1 năm, mặc dù phần lớn vốn vay là được sử dụng để cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng kéo dài nhiều năm.


Tệ hơn, phần nhiều các khoản tín dụng mới lại phát sinh từ lĩnh vực ngân hàng ngầm với tỷ lệ lãi suất cao, khiến khả năng trả nợ trở nên quá sức đối với người đi vay. Theo thống kê, 1 trong 5 công ty tại Trung Quốc có tổng vốn vay cao hơn 8 lần so với tiền vốn và thu nhập thấp hơn 2 lần so khả năng thanh toán lãi vay. Điều đó làm suy yếu đáng kể khả năng phục hồi của những công ty này sau các cú sốc tăng trưởng.


Nợ công đang là rào cản lớn của “Giấc mộng Trung Hoa”.


Tuy nhiên, tình hình tại Trung Quốc thậm chí còn tệ hơn so với Nhật Bản trước đây. Ở thời kỳ cao nhất của mình, đầu tư của Nhật Bản chiếm tới 33% GDP, trong khi con số này của Trung Quốc là 47%. Đây là sự khác biệt cơ bản, đặc biệt là khi thu nhập đầu người theo GDP của Trung Quốc chỉ bằng 19% so với thời kỳ cao nhất của Nhật, trong khi đó nợ của Trung Quốc đã bằng 60% của Nhật Bản. Hơn nữa, mức độ tích lũy nợ tại Trung Quốc – tới 71% GDP trong vòng 5 năm qua – đã cao hơn nhiều so với Nhật, nơi mức tăng trưởng nợ chỉ 16% trong giai đoạn 5 năm trước khi vỡ nợ.


Việc vỡ bong bóng tín dụng có thể khiến tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc giảm trung bình 1 - 2% trong vòng 4 năm, với kịch bản là mức chi phí cho tư liệu sản xuất hàng năm giảm 2% và tỷ lệ tăng của tiêu dùng vẫn ở con số 3% - 5%. Đồng thời, tổng nợ công có thể lên mức 100% GDP.


Đây là một viễn cảnh đơn giản nhất. Tuy nhiên, với việc không có các nhân tố làm bình ổn tự động hoặc một cơ cấu tài chính ổn định dựa trên hoạt động bảo hiểm tiền gửi, việc đối phó với các nguy cơ tiềm ẩn từ các cải cách tài chính gây bất ổn tiềm tàng mà chính phủ Trung Quốc theo đuổi sẽ khó khăn và cú sốc tài chính có thể rất thảm hại.


Khu vực bong bóng địa ốc là nơi có rất nhiều những khoản nợ xấu của Trung Quốc. Theo Ngân hàng đầu tư UBS, nguồn cung nhà đất đô thị mới đã vượt xa mức cầu cơ bản của cư dân thành thị, do gần một nửa lượng dân số đô thị tăng lên thực chất là những người lao động nông thôn tới cư trú tạm để làm việc. Trong khi đó, ước tính chi tiêu trực tiếp hoặc gián tiếp của ngân hàng vào lĩnh vực địa ốc chiếm từ 66% - 89% GDP.


Việc thiếu các nhân tố làm bình ổn tự động khiến mục tiêu cải cách và yêu cầu phải đạt được một tốc độ tăng trưởng nhất định bị xung đột. Cách duy nhất để chính phủ thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn là theo đuổi các gói kích thích tài chính như từng triển khai hồi đầu năm nay. Nhưng điều đó cũng sẽ khiến gánh nặng nợ của nước này tiếp tục tăng lên, với tỷ lệ nợ xấu lấn át khoản nợ dễ đòi. Như vậy, nếu giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục chọn cách thức tăng trưởng nợ thay vì cải cách, họ sẽ chỉ trì hoãn và khả năng là kéo dài sự giảm tốc không thể tránh được của con tàu kinh tế, một viễn cảnh mà “Giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình sẽ không hề mong muốn.



Thái Nguyễn