11:08 24/11/2021

Ninh Thuận phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế

Để 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế vào năm 2025, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Chú thích ảnh
 Trạm Y tế xã Phước Nam, huyện Thuận Nam được đầu tư nhân lực, vật lực và được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2014. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, để tiếp tục duy trì và phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế vào năm 2025, UBND tỉnh đang tập trung phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017- 2025 đảm bảo có hiệu quả.

Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ cân đối phân bổ nguồn vốn đầu tư để đảm bảo hoạt động của y tế xã. Cụ thể, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các Trạm Y tế; đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt… đúng theo tiêu chuẩn thiết kế, đáp ứng yêu cầu tiêu chí quốc gia về y tế xã, phường.

UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp hằng năm và trên cơ sở nhu cầu thực tế, khối lượng công việc, đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính cấp xã nơi có Trạm Y tế; đồng thời yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát, luân chuyển, điều động viên chức làm việc tại các Trạm Y tế để đảm bảo nhân lực thực hiện các chương trình, dự án y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Hiện nay, ngành Y tế tỉnh Ninh Thuận đang cùng với chính quyền các địa phương trong tỉnh tổ chức rà soát, đánh giá, củng cố hệ thống nhân viên y tế thôn và cộng tác viên theo tinh thần tinh gọn đầu mối, sử dụng nhân viên y tế thôn làm cộng tác viên một số chương trình, dự án thuộc lĩnh vực y tế - dân số để có thể triển khai lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng; tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ nhân viên y tế thôn và cộng tác viên.

Bên cạnh đó, ngành tăng cường triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho các Trạm Y tế xã, phường, phấn đấu đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tăng cường đào tạo đội ngũ y tế tuyến xã, đảm bảo các xã đều có bác sĩ làm việc; ưu tiên đầu tư cho các xã gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, các sở, ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện các chỉ tiêu về phòng, chống dịch bệnh, suy dinh dưỡng trẻ em, vệ sinh môi trường và dân số - kế hoạch hóa gia đình; tuyên truyền vận động người dân tham gia Bảo hiểm y tế, xây dựng và sử dụng các công trình vệ sinh để góp phần duy trì xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế và phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong những năm qua, công tác xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế luôn được tỉnh quan tâm hỗ trợ và đưa chỉ tiêu này vào Nghị quyết của Đảng để triển khai thực hiện.

Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đảm bảo các điều kiện và đẩy mạnh tiến trình thực hiện tiêu chí quốc gia y tế xã, hoàn thiện mạng lưới cơ sở, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; trong đó chú trọng các nội dung trọng tâm như: Kiểm soát bệnh tật; tiêm chủng mở rộng; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; chăm sóc sức khỏe sinh sản; phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…

Đến nay, toàn tỉnh có 92,3% (60/65) xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 7/11/2014 của Bộ Y tế; trong đó xã thuộc vùng nông thôn đạt 91,5% (43/47 xã).

Tuy nhiên, toàn tỉnh còn 5 xã chưa đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Nguyên nhân chủ yếu là do tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ sinh con thứ 3, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi còn ở mức cao; đặc biệt những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp, dưới 50%.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở y tế địa phương tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đồng bộ, sử dụng chưa hiệu quả; đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã thiếu tính ổn định, chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đặc biệt là đội ngũ cô đỡ thôn bản, y tế thôn bản hiện nay không còn hoạt động do không còn chế độ phụ cấp...

Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)