05:15 08/05/2018

Ninh Thuận chủ động cứu gia súc trong mùa hạn

Gần 5 tháng nay, Ninh Thuận liên tục không có mưa, nắng hạn diễn ra gay gắt, cánh đồng khô khốc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nghề chăn nuôi gia súc ở tỉnh Ninh Thuận.

Đàn cừu được di chuyển xuống lòng hồ Phước Trung, huyện Bác Ái để có thêm thức ăn, nước uống. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Để chủ động ứng phó với hạn, nhiều giải pháp hữu hiệu như: chủ động trồng cỏ; thu mua phụ phẩm nông nghiệp dự trữ; di chuyển đàn gia súc chạy đồng đến nơi có thức ăn, nước uống… đang được người chăn nuôi ở Ninh Thuận khẩn trương thực hiện để cứu lấy gia súc.

Nhiều hộ chăn nuôi gia súc có sừng ở huyện Thuận Nam cho biết, tình hình khô hạn có lẽ sẽ kéo dài đến cuối năm, do đó không thể để gia súc trên trang trại được, mà phải chuyển đàn đi nơi khác có thức ăn, nước uống phục vụ cho gia súc. Mặc dù, việc chuyển đàn gia súc chạy đồng đến địa phương khác khá vất vả, tốn kém, hư hao chết chóc nhiều do “lạ nước,” nhưng không còn giải pháp nào hơn.

Hiện nay, đã có số lượng lớn gia súc có sừng được người chăn nuôi di chuyển chạy đồng xuống vùng bằng ở địa phương của các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, nơi mới thu hoạch xong vụ Đông Xuân, qua đó tận dụng cây cỏ, rơm rạ sau thu hoạch để cho gia súc ăn; đồng thời tận dụng nước trong các kênh mương, suối cho gia súc uống.

Đối với hộ chăn nuôi theo hướng trang trại, không thể chạy đồng được, các hộ nuôi đành phải bỏ kinh phí mua phụ phẩm nông nghiệp vận chuyển đến trang trại lo cho gia súc ăn.

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để tránh thiệt hại cho nghề chăn nuôi, UBND tỉnh đã có kế hoạch bảo vệ đàn gia súc trước tác động của hạn hán. Theo đó, ngoài việc ưu tiên nước cho sinh hoạt thì nguồn nước phục vụ cho gia súc luôn đặc biệt quan tâm. Ngành nông nghiệp đã xác định cụ thể những vùng có nguy cơ thiếu thức ăn, nước uống, số lượng gia súc cần di chuyển đi gắn với vùng đảm bảo nguồn thức ăn và nước uống cho gia súc đến.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, chính quyền các địa phương đã có sự hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc chuyển đi và đến; đồng thời, cùng phối hợp chặt chẽ để bảo vệ đàn gia súc, kiểm soát dịch bệnh trước khi di chuyển đàn. Bên cạnh đó, có giải pháp quản lý, không để xảy ra tranh chấp nguồn thức ăn, nước uống tại vùng chăn thả giữa các hộ chăn nuôi gia súc…

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, chăn nuôi là thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận. Hiện, toàn tỉnh có tổng đàn gia súc có sừng 415.199 con; trong đó, đàn bò hơn 112.000 con; đàn trâu hơn 3.800 con; đàn cừu gần 170.000 con và các loại gia súc khác. Do là thủ phủ về phát triển chăn nuôi nên việc bảo vệ gia súc mùa hạn rất được tỉnh chú trọng.

Ninh Thuận đã quy hoạch vùng trồng cỏ với diện tích khoảng 2.000 ha. Hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Ngay vụ Đông Xuân 2017-2018 đã có gần 85 ha cỏ được trồng mới.

Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến khích các địa phương chủ động mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ thức ăn cho gia súc, đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, không để xảy ra thiệt hại lớn do dịch bệnh, do thiếu thức ăn trong mùa hạn.

Công Thử (TTXVN)