12:00 12/12/2011

Ninh Thuận cần rà soát, xây dựng các quy hoạch ngành phù hợp với quy hoạch chung

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là năng lượng gió và mặt trời, du lịch, sản xuất muối công nghiệp... Trong Chiến lược biển Việt Nam, Ninh Thuận có thể trở thành một đầu mối kinh tế của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Ngày 10/12, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2011 với chủ đề “Quy hoạch mới - Kịch bản phát triển mới - Cơ hội đầu tư mới”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã tham dự Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Dự án khu đô thị du lịch biển Bình Sơn, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GDP giai đoạn 2011 – 2015 đạt 16 – 18%/năm và giai đoạn 2016 – 2020 đạt 19 – 20%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đến 2015, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng đạt 40%; ngành nông, lâm, thủy sản đạt 25%; các ngành dịch vụ đạt 35% và năm 2020 tỷ trọng các ngành tương ứng đạt 52% - 20% - 28%. GDP/người theo giá thực tế năm 2015 đạt khoảng 1.400 USD và đến năm 2020 đạt khoảng 2.800 USD. Tỷ lệ hộ nghèo thời kỳ 2011 – 2020 giảm khoảng 1,2 – 1,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 50%; nâng độ che phủ rừng đến năm 2015 đạt trên 45% và đến năm 2020 đạt 50%…

Quy hoạch xác định rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và phương hướng phát triển theo lãnh thổ. Theo đó, về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, tập trung ưu tiên 6 nhóm ngành gồm, năng lượng; du lịch; nông lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất chế biến và hai nhóm ngành phụ trợ là giáo dục - đào tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản; đến năm 2020 mục tiêu phát triển 6 nhóm này đóng góp 91% GDP và giải quyết 85% lao động của toàn tỉnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao tỉnh Ninh Thuận đã chủ động tranh thủ kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước để xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội có tầm nhìn, chiến lược rõ ràng mang tính cạnh tranh cao. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là năng lượng gió và mặt trời, du lịch, sản xuất muối công nghiệp... Trong Chiến lược biển Việt Nam, Ninh Thuận có thể trở thành một đầu mối kinh tế của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt Ninh Thuận là nơi được chọn để xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước bằng công nghệ tiên tiến nhất, an toàn nhất. Đây là cơ hội tốt để Ninh Thuận tạo bước đột phá trong phát triển.

Để quản lý tốt và triển khai, thực hiện có hiệu quả quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ninh Thuận tiếp tục rà soát, xây dựng các kế hoạch, quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch chung được duyệt, bảo đảm các yếu tố liên kết phát triển vùng, đồng thời có các cơ chế đột phá để huy động các nguồn lực cho thực hiện quy hoạch, nhất là trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, với tư duy và cách làm mới cùng với động lực từ các của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn đã đạt được, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng, vượt qua khó khăn thách thức, giành được những thắng lợi to lớn hơn nữa trong chặng đường phát triển mới, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thiện Thuật - Đức Ánh